Có nên cho trẻ làm đẹp sớm?

GD&TĐ - Ngày càng có nhiều trẻ em “tò mò” về trang điểm và các cách thức làm đẹp khác. Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ rằng, thế nào là làm đẹp đúng lứa tuổi của trẻ.

Mỹ phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu tới trẻ. Ảnh minh họa.
Mỹ phẩm có thể gây ảnh hưởng xấu tới trẻ. Ảnh minh họa.

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc trang điểm làm đẹp cho con là một điều thú vị. Tuy nhiên, để con làm đẹp đúng lứa tuổi, cha mẹ cần đặt ra giới hạn với trẻ. 

“Mê” làm điệu từ sớm

Không khó để nhận thấy, nhiều trẻ em ngày nay tiếp xúc với mỹ phẩm từ khá sớm. Thậm chí, việc chứng kiến học sinh cấp 2 đánh son, trang điểm “kỹ càng” khi tới trường là điều bình thường. Không ít phụ huynh chia sẻ, dù con họ mới học cấp 1, nhưng các bé thường xuyên muốn “ăn diện” thay vì mặc đồng phục khi đi học.

Thời đại công nghệ phát triển khiến trẻ em có thể tiếp xúc với mọi điều mình thích một cách tự do và chủ động hơn. Nếu sở thích của các bé nam là điện tử, thể thao, thì sở thích của bé gái chính là trang điểm. Tuy nhiên, nhiều người lớn cho rằng, việc trẻ điệu đà là dễ thương. Do đó, họ thường bỏ qua và để các con được làm đẹp theo ý thích.

Chị Kiều Trang (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, dù con chị học lớp 4, nhưng cháu luôn soi gương rất kỹ trước khi ra đường.

“Mỗi khi được phép xem YouTube, bé nhà tôi rất thích theo dõi những clip hướng dẫn trang điểm, làm tóc”, phụ huynh này tâm sự.

Đáng nói, việc xuất hiện những video về trẻ em dù chỉ 10 tuổi cũng có thể hướng dẫn cách trang điểm “bài bản” từ đầu đến cuối không còn là điều đáng ngạc nhiên. Nhiều “chuyên gia” nhí này thậm chí sở hữu riêng một bộ đồ trang điểm cá nhân.

Trong khi đó, có những bé gái trang điểm dưới sự hướng dẫn của mẹ hoặc chính mẹ cầm máy quay để ghi hình. Nhiều video dạy trang điểm của các bé gái lên đến hàng triệu lượt xem và rất nhiều bình luận.

Việc trẻ mong muốn làm đẹp được coi là lẽ đương nhiên. Bởi, thông thường, một cô con gái luôn muốn bắt chước cách trang điểm, ăn mặc từ mẹ. Trẻ nhìn phụ huynh và học tập theo. Trong khi đó, hiện nay, thị trường văn hóa khiến trẻ em tiếp xúc nhiều với mạng xã hội. Các em cũng có thể sẽ học hỏi từ đó.

Theo các chuyên gia, cha mẹ cần luôn sẵn sàng đáp ứng lại sự tò mò của trẻ về việc làm đẹp. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần tư vấn để lựa chọn cách phù hợp với lứa tuổi. Như vậy, con sẽ có vẻ ngoài đáng yêu, dễ thương, trong sáng, thay vì “gượng ép”. Chắc hẳn, cách chỉ dẫn đúng hướng sẽ luôn mang lại kết quả tốt hơn so với việc cấm kỵ.

Một bé gái từng khiến dư luận “xôn xao” với clip dạy trang điểm.
Một bé gái từng khiến dư luận “xôn xao” với clip dạy trang điểm. 

Đẹp nhưng không... khỏe

Trước đó, nữ diễn viên, người dẫn chương trình “Ốc” Thanh Vân đã chia sẻ những bức ảnh cho thấy, con gái hơn 6 tuổi của cô đã biết trang điểm. Theo đó, bé Cola dù mới 6 tuổi, nhưng khá rành trang điểm. Theo “Ốc” Thanh Vân, mỗi tối, bé Cola thường trang điểm, tô vẽ rồi tẩy trang sạch sẽ. Sau đó, bé tiếp tục lặp lại các bước. Bởi, Cola vô cùng thích làm theo các video làm đẹp trên mạng.

Qua những bức ảnh được nữ diễn viên “Ốc” Thanh Vân chia sẻ, không ít người nhận thấy, bé Cola có thể cầm cọ trang điểm rất chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc Cola bôi phấn quá nhiều lên làn da trắng hồng của mình đã gây ra không ít ý kiến trái chiều. Ngoài một số lời khen dễ thương, đáng yêu, không ít ý kiến cho rằng, làn da của Cola có thể sẽ bị ảnh hưởng xấu do trang điểm thường xuyên.

Đáp lại những ý kiến đó, Ốc Thanh Vân cho rằng, việc Cola trang điểm không có gì nghiêm trọng. Tuy nhiên, lời “trấn an” của mẹ “Ốc” vẫn khiến không ít phụ huynh bày tỏ lo ngại. Bởi, họ cho rằng, không có loại mỹ phẩm nào tốt cho da trẻ em, nếu dùng thường xuyên.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), việc cho trẻ tiếp xúc hóa chất quá sớm, khiến làn da, mái tóc, móng tay, móng chân vốn non nớt dễ bị hư hỏng. Thậm chí, tình trạng này kéo dài có thể gây nguy cơ mắc các bệnh về da, nội tiết.

PGS.TS Huỳnh Thoại Loan - nguyên Trưởng khoa Thận Nội tiết - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, nhấn mạnh, trong những sản phẩm như son, sơn móng tay đều chứa Phthalates. Đây là chất làm phát triển ngực sớm ở các bé gái. Bên cạnh đó, dầu gội, sữa tắm cũng là mối lo ngại. Các loại dầu gội, sữa tắm dành cho phụ nữ luôn có

hormone nữ giới Estrogen. Cho con dùng chung dầu gội sữa tắm với mẹ là vô tình hấp thụ một lượng hormone nữ khiến bé dễ dậy thì sớm. Gia đình nên cho con tắm, gội đầu bằng các loại sữa tắm dầu gội dành cho trẻ.

Không chỉ là thủ phạm gây dậy thì sớm, việc tiếp xúc với hóa chất quá sớm cũng khiến làn da, mái tóc, móng tay, móng chân vốn non nớt của trẻ dễ bị hư hỏng. Về lâu dài, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh về da, nội tiết. 

Trẻ học cách làm đẹp từ phụ huynh. Ảnh minh họa.
Trẻ học cách làm đẹp từ phụ huynh. Ảnh minh họa.

Giới hạn cho con

Chia sẻ về việc xuất hiện “dày đặc” của những video về trẻ em hướng dẫn trang điểm, PGS.TS Trần Thành Nam - chuyên gia tâm lý, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng:

“Trong sự phát triển ở lứa tuổi bình thường của các em, có những bạn gái 4 - 5 tuổi sẽ bắt chước mẹ trang điểm. Các con sẽ đòi mẹ tô son, đánh móng tay, móng chân cho. Thậm chí còn chải tóc theo kiểu hoặc mặc những bộ trang phục mà con đã nhìn thấy ở đâu đó”.

Theo chuyên gia này, nhiều phụ huynh thấy việc trang điểm, làm đẹp cho con là một điều thú vị. Vì vậy, họ sẵn sàng “hùa” theo, trang điểm cho con thật đậm để chụp ảnh hoặc làm video clip. Tuy nhiên, hành động này vô hình trung đã tạo nên thói quen trang điểm không phù hợp từ quá sớm.

Không chỉ trẻ em gái, nhiều bé trai ngày nay cũng có xu hướng chú trọng hơn tới hình thức. Chị Hoàng Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - phụ huynh có con học lớp 4 chia sẻ:

“Mỗi khi đi chơi hay đi học thêm, cháu nhà tôi thường tự chọn trang phục và ngắm trước gương khá kỹ lưỡng. Thậm chí, con sẽ không ra khỏi nhà cho tới khi lựa chọn được quần áo ưng ý”.

Không ít lần chị Hoàng Anh “đau đầu” vì tính “ham” làm đẹp của con. Có những ngày đã muộn giờ học, nhưng con chị nhất định không ra khỏi nhà vì chưa chọn xong đồ.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS Nam cho rằng, thực tế, khi con bước vào tuổi teen, việc trang điểm kết hợp với gu thời trang sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của lứa tuổi. Lúc này, trẻ sẽ bắt chước trang điểm theo các ngôi sao thần tượng như Taylor Swift, Selena Gomez...

“Cha mẹ cần giải thích cho con về việc những ngôi sao này có đội ngũ chuyên gia trang điểm riêng. Và, những cách thức trang điểm đó có thể giúp nghệ sĩ nổi bật trên sân khấu, nhưng sẽ không phù hợp với đời thực. Hãy đưa ra các ví dụ với những nhân vật thực tế là con không thể ra đường với “hàng đống” mascara và kẻ mắt đen”, chuyên gia dẫn chứng.

Để “giải quyết” tình trạng này, PGS Nam gợi ý, cha mẹ có thể chọn cho con một vài tạp chí tuổi teen. Từ đó, phụ huynh hãy giới thiệu cho con hình ảnh của những người bạn đồng trang lứa. Hãy nói với con về cách trang điểm và ăn mặc phù hợp của những mẫu nhí này. Và, đó mới chính là hình mẫu mới mà cha mẹ có thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể phải đặt ra các giới hạn về việc trang điểm. Ví dụ, tuổi nào được phép trang điểm mặt, tuổi nào được trang điểm mắt, đổi màu tóc highlight, thậm chí xăm hình hay xỏ khuyên.

“Đừng ngại cho trẻ biết, cha mẹ cho rằng, bút kẻ mắt không phù hợp với trẻ 12 tuổi. Tuy nhiên, phụ huynh sẽ cho phép trẻ sử dụng nó vào những dịp đặc biệt khi con 14 tuổi. Cũng đừng ngại cho trẻ biết về những ranh giới con không thể vượt qua”, PGS Nam khuyến cáo.

Khi con lớn hơn một chút, phụ huynh có thể mời chuyên gia trang điểm đến để hướng dẫn trẻ cách làm đẹp nhẹ nhàng và phù hợp với gương mặt, cũng như mức ngân sách, hơn là trang điểm theo xu hướng.

Chuyên gia nhấn mạnh, cha mẹ cần nhớ rằng, đối với các con, việc trang điểm là một trải nghiệm hoàn toàn mới. Điều này cũng có thể bắt nguồn từ việc trẻ em gái muốn trở nên giống mẹ và khám phá xem mình sẽ trở thành một người phụ nữ hấp dẫn hay không? Do đó, PGS Nam cho rằng, cha mẹ cần giúp con khám phá việc trang điểm và tận dụng nó như một trải nghiệm gắn kết về tình thân. Nhờ vậy, trẻ em gái đó có thể sẽ tiếp tục lặp lại với con của họ một ngày nào đó.

“Việc trang điểm khiến trẻ trở nên rất đáng yêu. Tuy nhiên, mỹ phẩm cũng chứa nhiều hóa chất nguy hiểm mà đôi khi chúng ta coi nhẹ những tác động xấu của chúng đối với những người dùng “không tự nguyện” như trẻ em. Hơn nữa, tuổi càng trẻ, tốc độ trao đổi chất càng cao. Và, trang điểm quá sớm khiến cơ thể trẻ có thể hấp thụ gần như 100% các độc tố hóa chất được bôi lên”, PGS Nam cảnh báo.

Chuyên gia này dẫn chứng, nhiều con số nghiên cứu chỉ ra những tác động của chất thủy ngân trong mỹ phẩm gây ra ung thư da. Khoảng 45% phụ nữ sử dụng trang điểm từ 5 năm trở lên mắc các bệnh về da liên quan đến trang điểm.

Bên cạnh đó, thiếu niên hay chia sẻ đồ trang điểm với bạn bè. Điều này cũng góp phần lây lan vi khuẩn có hại khiến nhiễm trùng, mụn rộp. Có khoảng 14% thanh thiếu niên bị mụn do trang điểm và việc tiếp tục trang điểm khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng, tạo thành tổn thương không thể đảo ngược.

Cuối cùng, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những người càng có xu hướng trang điểm đậm càng cảm thấy tự ti hơn về hình ảnh bản thân. Họ cũng sẽ cảm thấy không thể xuất hiện với gương mặt mộc. Chỉ số hài lòng về cơ thể và gương mặt thấp hơn dẫn đến khuynh hướng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...