Làm bóng đá ồn ào, nghiệt ngã lại hoá may

“20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, tôi không nề hà hay quay lưng mỗi khi VFF gặp khó. Tôi hỗ trợ rất nhiều và cũng có nhiều sự chung tay góp sức âm thầm cho VFF và bóng đá Việt Nam...”. Đó là phát ngôn mới nhất của bầu Đức, nhân chuyện VFF đang xúc tiến đàm phán, gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang-seo.

Làm bóng đá ồn ào, nghiệt ngã lại hoá may

Từ chuyện “giải cứu đám trẻ HAGL”

Nhìn lại con đường làm bóng đá của bầu Đức, thời điểm mà người ta thấy ông máu nhất, nhiệt huyết và ồn ào nhất là khi lứa cầu thủ khoá 1 thuộc Học viện HAGL-JMG trình làng.

Thế hệ U.19 Việt Nam với nòng cốt là quân HAGL với những cái tên Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn… đã tạo ra một cơn sốt “vô tiền, khoáng hậu” từ giải U.19 Đông Nam Á 2014. Cơn sốt đã biến “những đứa trẻ của bầu Đức” được nâng lên một tầm cao mới, nhận được nhiều kỳ vọng hơn giá trị thực của những cầu thủ mới chỉ bắt đầu sự nghiệp ở dạng tiềm năng.

Thế nhưng những giấc mơ mà các doanh nhân làm bóng đá trót cao hứng cứ vỡ dần, khi “những đứa trẻ HAGL” trưởng thành theo thời gian và thấm dần sự khắc nghiệt và hiện thực phũ phàng của bóng đá chuyên nghiệp.

HLV Miura là người đã đưa các cầu thủ trẻ HAGL trở lại mặt đất, sau quãng thời gian thăng hoa ở cấp độ U.19. Ông thầy người Nhật khi ký hợp đồng với VFF dẫn dắt U.23 và ĐTQG đã áp dụng một triết lý bóng đá thực dụng khiến quân HAGL không có nhiều đất dụng võ.

Trong khi đó, quan điểm của bầu Đức lại muốn quân HAGL làm nòng cốt thay vì xé lẻ. Chính ông đã đưa cả lứa U.19 HAGL lên chơi ở V.League 2015 để thay máu toàn bộ đội bóng. Cho đến giờ, đó vẫn được xem là quyết định sai lầm. Cũng từ đó tư tưởng của bầu Đức đã xuất hiện độ vênh với định hướng của lãnh đạo VFF.

Đỉnh điểm là việc bầu Đức công khai trên báo chí đòi sa thải HLV Miura kèm điều kiện sẽ “lo tất cho đội tuyển”. “Quả bom” của bầu Đức đã chính thức được kích hoạt khi tại Hội nghị Ban chấp hành VFF sau đó, đa số ý kiến đã tán thành buộc VFF phải kết thúc hợp đồng với HLV Miura trước thời hạn. Bầu Đức đã hậu thuẫn để HLV Hữu Thắng lên thay thế.

Một sự trùng hợp mà nhiều người cho rằng có chủ đích sau đấy là lứa cầu thủ HAGL được trọng dụng nhiều ở cả ĐTQG và U.23. Thậm chí, trong đội hình của U.22 Việt Nam dự SEA Games 2017, có thời điểm quân HAGL chiếm nửa đội hình chính. Vậy nhưng cuối cùng, đấy lại là giải đấu mà bóng đá Việt Nam thất bại ê chề. HLV Hữu Thắng từ chức, bầu Đức cũng chọn cách rút khỏi VFF.

Và câu chuyện đi mời thầy Park

HLV Park Hang-seo là người kế nhiệm chính là đóng góp cuối cùng mà bầu Đức muốn làm cho bóng đá Việt Nam, trước khi rời cương vị Phó Chủ tịch VFF. Thực tế, ảnh hưởng và tiếng nói của bầu Đức trong quyết định bị xem là khá vội vàng của VFF, khi chọn HLV Park Hang-seo.

Đúng 1 ngày sau khi HLV Park Hang-seo ra mắt vị trí HLV trưởng các ĐTQG, HAGL cũng giới thiệu một ông thầy người Hàn Quốc khác, HLV Chung Hae-seong - người cùng với HLV Park Hang-seo từng là các trợ lý cho HLV Guus Hiddink dự World Cup 2002. Thời điểm đó, vấn đề được đặt ra bản chất của việc mời 2 HLV Hàn Quốc sang Việt Nam chính là sự gây dựng cho sự phát triển của các cầu thủ trẻ HAGL giống như là “cứu cánh”.

HLV Park Hang-seo đã trở thành người thành công nhất trong lịch sử khi giúp bóng đá Việt Nam giành những thành tích ấn tượng ở cả khu vực và châu lục. Sự xuất hiện của ông Park tại Việt Nam nằm ở yếu tố thiên thời, may mắn hơn sự tính toán ban đầu. Bởi trước khi đến Việt Nam, ông Park là một HLV thất bại và thất nghiệp, không có gì là đảm bảo cho thành công. Bầu Đức sẵn sàng chi lương, sang tận Hàn Quốc để ký hợp đồng với ông Park nhưng cũng tính đến cả phương án thất bại như cách ông từng hậu thuẫn HLV Hữu Thắng với nhiều kỳ vọng.

Bây giờ, khi VFF đang tiến hành chuyện đàm phán hợp đồng mới với HLV Park Hang-seo thì bầu Đức lại đăng đàn khiến vấn đề tiền bạc và việc giữ chân ông thầy người Hàn Quốc thành tiêu điểm.

Thực tế, VFF không thiếu tiền và cũng không gặp khó với chuyện trả lương cho HLV Park Hang-seo đến mức khiến dư luận ồn ào. Bởi sau những thành công thời gian qua của bóng đá Việt Nam, nguồn thu từ bóng đá nhiều khi VFF có quyền lựa chọn, với sự đồng hành của nhiều thương hiệu lớn và nếu cần có thể huy động được nhiều Mạnh Thường Quân chung tay lo chuyện lương bổng cho ông Park cùng đội ngũ trợ lý. Vấn đề nằm ở việc tất cả ghi nhận và trân trọng những đóng góp của ông Park ở góc độ nào, ra sao...

Nhìn lại câu chuyện đóng góp của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam, người ta không chỉ thấy sự ồn ào, nghiệt ngã mà còn cả may mắn. Giống như việc HLV Park Hang-seo sang Việt Nam, từ một người hết thời gặp thiên thời rồi thành công, giờ là một “người hùng” và gánh vác trọng trách với tương lai của cả nền bóng đá với tất cả tự hào của một người Hàn Quốc ở Việt Nam...

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ