Hợp đồng của HLV Park Hang-seo và nghịch lý khó tin ở ĐNÁ

Có một nghịch lý đáng lo tồn tại ở bóng đá Đông Nam Á, đó là cả 3 nhà cầm quân từng hưởng lương cao nhất tại đây đều bị “bay ghế” một cách chóng vánh và chẳng lấy gì làm vui vẻ.

Hợp đồng của HLV Park Hang-seo và nghịch lý khó tin ở ĐNÁ

Thời gian gần đây, câu chuyện gia hạn hợp đồng cho HLV Park Hang-seo đã gây tốn rất nhiều giấy mực của báo giới. Một số nguồn tin mới nhất cho rằng VFF sẵn sàng tăng lương gấp đôi cho thầy Park, tức là lên mức 40-50 ngàn USD/tháng. Trong khi đó, một số thông tin khác khẳng định phía đại diện của thầy Park muốn VFF tăng mức lương gấp 5 lần, lên con số 100 ngàn USD/tháng.

Việc VFF tăng lương để giữ chân HLV Park Hang-seo là điều hoàn toàn hợp lý và rất dễ hiểu sau những kỳ tích vô tiền khoáng hậu mà thầy Park đã tạo ra cho bóng đá Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hợp đồng của ông với VFF sẽ đáo hạn sau khoảng nửa năm nữa.

Trước HLV Park Hang-seo thì 3 nhà cầm quân hưởng lương cao nhất ở Đông Nam Á đều bị "bay ghế" sau khi gây thất vọng
 Trước HLV Park Hang-seo thì 3 nhà cầm quân hưởng lương cao nhất ở Đông Nam Á đều bị "bay ghế" sau khi gây thất vọng

Tuy nhiên, bóng đá Đông Nam Á vài năm trở lại đây lại xuất hiện một nghịch lý rất đáng chú ý. Không biết đây là "cái dớp" hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng không ít nhà cầm quân ở các đội tuyển trong khu vực, dù được hưởng lương "trên trời" nhưng lại chịu chung một số phận. Họ thất bại theo những cách khác nhau rồi sớm bị "bay ghế" theo kịch bản mà chẳng người hâm mộ nào mong muốn.

1.Điển hình phải kể tới trường hợp của cựu thuyền trưởng tuyển Indonesia – ông Luis Milla – cựu danh thủ từng thi đấu cho cả Barcelona lẫn Real Madrid. Chiến lược gia người Tây Ban Nha được LĐBĐ Indonesia (PSSI) chào mời bằng một chế độ vô cùng hậu hĩnh.

Tại xứ Vạn đảo, ông Milla được hưởng mức lương 40.000 USD/tháng (có một vài thông tin còn đồn thổi là 160.000 USD/tháng tức gấp 8 lần mức lương hiện tại của HLV Park Hang-seo).

HLV Luis Milla
 HLV Luis Milla

Thế nhưng, số phận của ông Milla ở xứ Vạn đảo lại không hề êm đẹp. Sau giải đấu Asiad 2018 trên sân nhà (giải đấu mà U23 Indonesia lọt vào vòng 1/8 nhưng thua UAE trên chấm luân lưu), mối quan hệ giữa ông Milla với PSSI ngày càng rạn nứt. Kết thúc Á vận hội 18, ông Milla trở về Tây Ban Nha và cắt đứt mọi liên lạc với PSSI.

Một tháng trước thời điểm diễn ra AFF Cup 2018, PSSI quyết định chia tay HLV Milla và trợ lý Bima Sakti được đôn lên làm HLV tạm quyền dẫn dắt các học trò tham dự AFF Cup. Đó cũng là giải đấu mà Indonesia không thể chinh phục chức vô địch giống như điều người hâm mộ kỳ vọng.

Đáng nói nữa là sau khi chia tay tuyển Indonesia, ông Milla đã tố chuyện bị PSSI nợ lương. Ngược lại thì PSSI lại tố HLV người Tây Ban Nha là nhà cầm quân quá… thiếu chuyên nghiệp!

Ông Rajevac bị LĐBĐ Thái Lan sa thải sau thảm bại 1-4 trước Ấn Độ ở Asian Cup
Ông Rajevac bị LĐBĐ Thái Lan sa thải sau thảm bại 1-4 trước Ấn Độ ở Asian Cup 

2.Một điển hình thứ hai phải kể tới chính là trường hợp của cựu thuyền trưởng tuyển Thái Lan Milovan Rajevac. Nếu xét về thành tích, nhà cầm quân người Serbia còn tệ hơn ông Milla.

HLV Milovan Rajevac ký hợp đồng với LĐBĐ Thái Lan (FAT) vào năm 2017 để dẫn dắt ĐTQG thay thế Kiatisuk. Ông Milovan Rajevac được hưởng mức lương rất cao, lên tới 58.000 USD/tháng (có nguồn tin lại cho rằng là 100.000 USD/tháng, tức gấp 5 lần mức hiện tại của HLV Park Hang-seo) kèm theo rất nhiều kỳ vọng. Thế nhưng, rốt cục ông Milovan Rajevac lại bị sa thải theo một kịch bản ê chề.

Dưới thời HLV Milovan Rajevac, thành tích của đội tuyển Thái Lan không chỉ đi xuống, mà lối chơi của họ cũng gây thất vọng, đánh mất bản sắc như dưới thời HLV Kiatisuk. Ông Rajevac chọn lối chơi thực dụng, chú trọng phòng ngự nhưng "Voi chiến" lại liên tục trải qua những thất bại.

Ở AFF Cup 2018, từ ứng viên số 1 cho chức vô địch, tuyển Thái Lan đã gục ngã từ vòng bán kết để rồi đánh mất ngôi vương vào tay thầy trò HLV Park Hang-seo.

Đến giải Asian Cup 2019 hồi đầu năm, tuyển Thái Lan đặt mục tiêu rất cao nhưng đó cũng là "giọt nước tràn ly" khiến ông Rajevac bị bay ghế. Ngay sau thảm bại 1-4 trước Ấn Độ ở trận ra quân, ông Rajevac chính thức bị FAT sa thải trong sự thất vọng tràn trề của người hâm mộ xứ Chùa Vàng.

3.Trường hợp thứ ba phải kể tới chính là cựu thuyền trưởng tuyển Philippines – ông Sven Goran Eriksson. Nhà cầm quân người Thụy Điển là một trong những HLV có đẳng cấp thế giới, thế nên không có gì khó hiểu khi ông được LĐBĐ Philippines chào mời với mức lương 80 ngàn USD/tháng (hợp đồng ngắn hạn kéo dài 6 tháng).

Ông Eriksson cũng phải chia tay tuyển Philippines sau vài tháng ngắn ngủi
 Ông Eriksson cũng phải chia tay tuyển Philippines sau vài tháng ngắn ngủi

Thế nhưng, người từng dẫn dắt tuyển Anh và CLB Man City cũng chẳng thể mang về thành công cho bóng đá Philippines. Sau 2 giải đấu AFF Cup 2018 và Asian Cup 2019, ông Eriksson đã phải chuyển sang công tác cố vấn ở đất nước ĐNÁ, không tiếp tục nắm quyền điều binh khiển tướng.

Ở chiến dịch AFF Cup 2018, HLV Eriksson giúp tuyển Philippines vào đến bán kết trước khi gục ngã trước Việt Nam. Nhìn chung, đây là giải đấu mà Philippines đã chơi tương đối tốt dù không thể lọt vào chung kết.

Tại Asian Cup 2019, tuyển Philippines chơi kiên cường trước ứng cử viên vô địch Hàn Quốc và chỉ nhận thất bại 0-1. Song ở hai trận tiếp theo gặp đối thủ vừa tầm là Trung Quốc và Kyrgyzstan, HLV Eriksson không thể giúp đội nhà giành chiến thắng đầu tiên tại sân chơi số 1 châu lục. Ngay sau giải này thì nhà cầm quân người Thụy Điển đã chủ động từ chức.

Sắp tới, việc tăng lương để giữ chân HLV Park Hang-seo là điều bắt buộc với VFF
Sắp tới, việc tăng lương để giữ chân HLV Park Hang-seo là điều bắt buộc với VFF 

Như vậy, cả 3 HLV từng hưởng lương cao nhất ở Đông Nam Á đều để lại những nỗi thất vọng và phải ra đi theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, với bóng đá Việt Nam, chắc chắn HLV Park Hang-seo sẽ không thể "chung mâm" với 3 nhà cầm quân kể trên bởi dù tương lai có ra sao đi chăng nữa, thầy Park vẫn là một người hùng vĩ đại và ông có quyền tự hào khi một ngày nào đó chia tay bóng đá Việt Nam.

Trước mắt, việc tăng lương để giữ chân thầy Park là yêu cầu cấp thiết và có thể coi là bắt buộc với VFF. Đó sẽ là cơ sở để thầy Park tiếp tục cống hiến, tạo nên những chiến tích mới cho bóng đá Việt Nam, thay vì rơi vào "cái dớp" của HLV Milla, Rajevac hay Eriksson.

Theo Tri Thức Trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.