Tuy nhiên, thông tin bổ ích cũng nhiều và thông tin tiêu cực cũng không phải ít và thật khó kiểm soát. Làm sao để kiểm soát và theo dõi việc sử dụng mạng xã hội của con là nỗi lo của nhiều phụ huynh.
Hiểu con qua thế giới ảo
Chị Thu Trang (Nguyễn Xiển, Hà Nội) tâm sự: “Con tôi đang học lớp 6, bắt đầu tập sử dụng facebook. Mỗi lần thấy con chơi, tôi đến gần, vui vẻ cùng tham gia với con. Lấy kinh nghiệm một người biết sử dụng, tôi hướng dẫn con cách kết bạn, tìm người quen…
Qua đó, tôi thường đưa ra lời khuyên: Nên và không nên thể hiện gì trên facebook; khi ai đó vào kết bạn, trước tiên con phải “vào nhà” người ta xem là ai, nếu là người lạ thì con nên bỏ qua, không kết bạn”.
Anh Võ Minh Thành, có con học Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi khuyến khích con chơi facebook, vì nghĩ rằng nó cũng là một phương tiện để mở rộng mối quan hệ trong xã hội. Tuy nhiên, tôi yêu cầu con chơi facebook là phải đăng ký chính danh, để có viết gì lên đấy cũng phải thận trọng.
Chuyện gì biết chắc thì mới comment, không biết thì phải hỏi... Và tôi thỏa thuận với con, ba mẹ sẽ là bạn bè của con trên facebook, vừa để chia sẻ và cũng là để theo dõi. Facebook đã giúp tôi hiểu con hơn, biết được con như thế nào hay con đang quan tâm tới vấn đề gì.
Chị Thu Hòa (GV Trường THCS Thịnh Liệt, Hà Nội) chia sẻ: “Khi con gái sử dụng facebook, tôi “bắt chước” mở một trang riêng. Quan tâm con trong đời sống thực, tôi cũng muốn nắm bắt tình hình con trong thế giới ảo.
Tôi đọc trang viết từng người bạn của con và sẵn sàng kết bạn với họ để kịp thời suy đoán, phát hiện chuyện không hay. Tôi biết ở trường con có nhóm bạn không tốt, thường hành xử xấu với bạn bè, tôi nhanh chóng đưa lời khuyên cho con và báo với nhà trường để có sự can thiệp.
Con gái không hề khó chịu trước việc tôi kết bạn hay vào comment các bài viết của con, vì trong cuộc sống, tôi đối xử với con như một người bạn, lắng nghe và chia sẻ một cách tôn trọng. Do đó con cũng chỉ coi tôi như người bạn trên facebook”.
Cần có những quy tắc
Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà facebook mang lại, tuy nhiên, cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Với tốc độ truyền tải như vũ bão, internet nói chung và facebook nói riêng hàm chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí hết sức độc hại.
Mới đây, bảy học sinh cùng một trường ở tỉnh Vĩnh Long bỏ nhà đi (có em bị lạm dụng tình dục do nghe theo lời rủ rê từ một người lạ vào kết bạn trên facebook) đã dấy lên sự lo ngại, hoang mang cho nhiều người. Facebook không đơn giản là một trang giải trí khi mang đến quá nhiều hiểm họa, nhất là với các em học sinh.
Nhiều phụ huynh đau đầu khi nhìn con mê mẩn “đốt” thời gian với facebook. Có người phải dùng đến biện pháp mạnh như cắt tiền tiêu của con, cắt internet hay tìm đến các phần mềm ngăn chặn con vào facebook.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Lê Minh Hoa (chuyên viên đài 1080) cho hay, không phụ huynh nào cấm được con sử dụng facebook hay các trang xã hội, quan trọng là biết cách định hướng cho con. Bên cạnh lợi ích của việc sủ dụng facebook, thường kể con nghe mặt trái của việc sử dụng những trang cộng đồng, như bị dụ dỗ, lừa gạt, đòi hỏi con phải cảnh giác cao.
Facebook là một “mê cung” có sức mê hoặc rất lớn mà nếu thiếu kiểm soát rất dễ bị lôi cuốn bởi những giá trị ảo. Nhiều học trò chỉ lo “tút” cho bức ảnh thật đẹp, chăm chút cho từng trạng thái… để lôi kéo mọi người, “đốt” rất nhiều thời gian. Điều này có thể lấn át cả chuyện học hành, cả sự giao tiếp với mọi người và nhiều hoạt động bổ ích khác của các em.
Khi người dùng thiếu tự chủ thì Facebook trở thành “kẻ cắp” đối với thời gian, sức khỏe. Phụ huynh cần có những quy ước với con trẻ như vào Facebook trong thời gian bao lâu, tránh những phát ngôn về chửi bới, nhục mạ hay bêu xấu người khác, biết chọn lọc những điều hay trên mạng xã hội… Nếu con vi phạm thì áp dụng những cách xử lý hay hình phạt nào để trẻ biết giới hạn của mình.
Cũng theo bà Lê Minh Hoa, một số trẻ vị thành niên sau khi biết cha mẹ mình đang theo dõi qua Facebook đã lập một tài khoản khác. Vì thế, nếu bạn thấy Facebook của con không có nhiều bạn hoặc không có hoạt động gì mấy, có thể đó không phải Facebook thật của con.
“Nếu con bạn có khả năng thực hiện các hành vi nguy hiểm và bạn cảm thấy lo lắng, hãy theo dõi các hoạt động trực tuyến của con chặt chẽ hơn. Nếu đồng hành làm bạn với con trong cuộc sống thông qua sự quan tâm, để ý từng hành vi, nét mặt con sẽ rất dễ dàng phát hiện con đang gặp phải vấn đề gì.