Lượng xe taxi di chuyển rất vắng trong ngày Tết. Ảnh: Gia Hiển
Trưa mùng 1 Tết, anh N.H.Cường, ngõ 402 phố Bạch Mai (Hà Nội) đặt taxi Thanh Nga, Hương Lúa để tới 65 Hàng Bún, tuy nhiên phải chờ 30 phút vẫn không có xe, tổng đài các hãng khác cũng trong tình trạng bận và không thể kết nối được do quá tải. Do gia đình có 4 thành viên gồm 2 con nhỏ nên không thể di chuyển bằng xe máy nên anh Cường vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi bằng cách đứng ngoài đường vẫy xe, 15 phút sau mới lên được taxi Sao Hà Nội.
Còn bà T.Thị.Toan phố Bùi Ngọc Dương (Hà Nội) chia sẻ: Nếu như ngày thường đặt xe Grab đi từ phố Bùi Ngọc Dương lên phố Quán Thánh hết khoảng 80.000 đồng/lượt thì mùng 2 Tết, giá cước có thời điểm báo 150.000 đồng/lượt.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, tài xế Grab nhà ở dốc phố Tân Tấp (Hà Nội) cho biết: “Ngày 2 Tết, đồng nghiệp của tôi đưa xe đón khách từ 9 giờ sáng tới 2 giờ chiều mà đã có trong tay 2 triệu đồng vì mỗi cuốc xe thu được tiền cước tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Trong khi đó để đạt doanh thu 2 triệu đồng vào ngày thường, tài xế phải nhận khách từ sáng sớm tới tối muộn".
Đối với xe Grab, hãng này thường áp dụng chính sách giá cước linh hoạt (surge price), nghĩa là cước sẽ tự động tăng lên gấp 1,5 - 2 - 4 lần (tùy thời điểm) và lái xe nhận cuốc xe vào thời điểm có nhiều yêu cầu gọi xe sẽ được hưởng nguồn thu cao hơn bình thường. Nhiều ý kiến cho rằng: Công thức tính giờ cao điểm tính theo lượng xe bị thiếu tại khu vực đó chứ không tính theo khung giờ cố định, ví dụ khi có 5 cuốc xe có thời gian chờ trên 10 phút thì hệ thống sẽ biết là khu vực đấy có ít tài xế, tự động tăng giá lên.
Vào mùng 4 Tết, một số khách hàng gọi xe có vẻ “dễ thở” hơn; nhiều khách đứng vẫy xe ở đường, phố trung tâm lớn như: Bà Triệu, Lý Thường Kiệt cũng lên được xe khá dễ dàng. Nếu khách gọi xe công nghệ Grab thì giá cước cũng “hạ nhiệt|” hơn so với mùng 1 và 2 Tết vì nhiều tài xế đã hoạt động kinh doanh trở lại.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức sáng 8/2 (tức mùng 4 Tết), ông Lương Quốc Vy, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Nga cho hay: Công suất hoạt động của taxi Thanh Nga đã đạt 80% do nhiều lái xe đã đi làm trở lại; kết nối các tổng đài viên để đặt xe đã được thông suốt hơn. Ngày 1 Tết, lượng xe hoạt động rất ít, sang mùng 2 và 3 Tết, số xe của hãng hoạt động khoảng 50%.
Không chỉ hãng taxi Thanh Nga, nhiều taxi truyền thống khác cũng rơi vào tình trạng tương tự bởi tâm lý của các lái xe là cả năm làm ăn vất vả, xa nhà nên 3 ngày Tết là dịp để họ quây quần, sum họp với gia đình ở quê hương.