Vượt đèn vàng có phạm luật?
Thượng tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an, cho biết, NĐ 46 đã bổ sung cụ thể về vấn đề này. Điều 38 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ: Đèn đỏ không được đi, đèn vàng phải giảm tốc độ. Nếu đã đi vào khu vực ngã tư rồi thì được đi tiếp. Còn nếu chưa thì phải dừng lại.
Đã đi qua vạch dừng rồi mà đèn vàng nổi thì vẫn không vi phạm
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng giải thích thêm, đèn vàng là dự lệnh, thông báo chuẩn bị đèn sang màu đỏ. Do đó, người điều khiển phương tiện giao thông phải chuẩn bị dừng lại. Tín hiệu đèn vàng thì phải dừng lại trước vạch dừng. Trong trường hợp đi qua vạch dừng rồi thì được đi tiếp mà không phạm luật.
“Đã đi qua vạch dừng rồi mà đèn vàng nổi thì vẫn không vi phạm vì lúc này người tham gia giao thông đang ở vị trí ưu tiên và vẫn tiếp tục được di chuyển” thiếu tá Hùng nói.
Trước đây, quy định tách thành 2 hành vi để phạt đó là phạt vượt đèn vàng và phạt vượt đèn đỏ. Nhưng với Nghị định 46 thì phạt hai hành vi như nhau.
Dừng đỗ xe trên đường cao tốc: Phạt 5-6 triệu
Liên quan đến các phương tiện giao thông tham gia trên đường cao tốc, ông Hoàng Thế Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, cho hay, Nghị định 171 đã có quy định, NĐ 46 chỉ cập nhật, bổ sung mức phạt phù hợp với tính chất vi phạm.
Đơn cử, hành vi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy đi vào đường cao tốc (điểm b khoản 5 Điều 6): Tăng mức phạt tiền từ 200.000- 400.000 đồng lên mức 500.000-1 triệu đồng; bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng;
Điều khiển xe máy, xe đạp, xe thô sơ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng lên 400.000-600.000 đồng;
Người đi bộ đi vào đường cao tốc: tăng mức phạt tiền từ 80.000- 100.000 đồng lên mức từ 100.000-200.000 đồng;
Đối với người điều khiển xe ô tô không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc; khi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm theo quy định (điểm c khoản 7 Điều 5), tăng mức phạt từ 800.000-1,2 triệu đồng lên 5-6 triệu đồng.