Lái xe say xỉn đâm chết người nhưng không thể khép tội “giết người“

Theo luật sư Cường, thiếu cơ sở lý luận để mô tả các dấu hiệu cấu thành tội giết người với hành vi say xỉn của các lái xe.

Lái xe say xỉn đâm chết người nhưng không thể khép tội “giết người“

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế sử dụng rượu bia, chất kích thích, trong đó có nhiều vụ việc để lại hậu quả chết người thương tâm khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Vụ việc tài xế Mercedes đâm 2 người phụ nữ tử vong tại Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận khi tài xế bước đầu khai nhận uống bia rượu trước khi xảy ra tai nạn. Với vụ việc này cơ quan điều tra đã xác định được danh tính của tài xế lái xe, xác định được hậu quả là làm hai người chết....Hiện, cơ quan công an đã tiến hành khởi tố vụ án về hành vi "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", theo điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, để điều tra hành vi tông chết hai phụ nữ của Lê Trung Hiếu (39 tuổi).

lai xe say xin dam chet nguoi nhung khong the khep toi "giet nguoi" hinh 1
Tài xế gây tai nạn ở hầm Kim Liên rạng sáng 1/5 khai có sử dụng rượu bia. Ảnh hiện trường vụ tai nạn

Tại cơ quan công an, tài xế Hiếu khai nhận, tối 30/4 khi liên hoan cùng bạn bè đã uống rượu và chừng 6 chai bia, rồi cầm lái chiếc Mercedes. 0h10" ngày 1/5, tại hầm chui Kim Liên, Hiếu tông xe vào hai phụ nữ đi xe máy khiến các nạn nhân tử vong. Nồng độ cồn của tài xế được xác định ở mức 0,751 mg/lít khí thở. Với hậu quả chết 2 người thì khung hình phạt cao nhất cho tài xế Hiếu lên đến 10 năm tù. Theo Luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn LS Hà Nội, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trước đó, ngày 23/4, Công an Q.Đống Đa, Hà Nội đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", tạm giữ hình sự tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, trú tại P.Ngọc Khánh, Q.Ba Đình, Hà Nội) để điều tra vụ xe 7 chỗ gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng. Vụ tai nạn khiến 1 nữ công nhân vệ sinh môi trường tử vong. Theo báo cáo của Ban ATGT Hà Nội, tài xế Tuyên ở thời điểm ngay sau khi gây ra vụ tai nạn liên hoàn có nồng độ cồn 1,041ml/lít khí thở, vượt mức quy định cho phép. Đến 9 giờ 23/4, tài xế Tuyên vẫn còn biểu hiện say và chưa thể làm việc với cơ quan công an.

lai xe say xin dam chet nguoi nhung khong the khep toi "giet nguoi" hinh 2
Tài xế Tuyên và vụ tai nạn đường Láng (Ảnh: Thanh niên)

Ngoài việc lái xe có lỗi gây hậu quả chết người phải chịu trách nhiệm hình sự, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, người gây ra vụ tai nạn này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về dân sự bao gồm: chi phí mai táng, tiền cấp dưỡng cho người nhà nạn nhân (cấp dưỡng cho con nạn nhân đến khi trưởng thành hoặc con nạn nhân trưởng thành nhưng không có khả năng lao động phải cấp dưỡng cho bố mẹ già của nạn nhân đến khi qua đời ...) và bồi thường một khoản tổn thất về tinh thần...

“Cấp dưỡng này sẽ là rất lớn, tuy nhiên vẫn không thể bù đắp được những thiệt hại mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu. Pháp luật khuyến khích hai bên tự thỏa thuận với nhau về việc bồi thường, nếu không bồi thường thỏa đáng thì gia đình bị hại có quyền yêu cầu tòa án xem xét giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự đó” - Luật sư Cường cho hay.

Liên quan đến một số ý kiến luật sư cho rằng, uống rượu rồi lái xe gây chết người cần xử lỗi cố ý gián tiếp giết người? Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, nếu người lái xe không có chủ đích lao xe vào nạn nhân thì không thể xử lý được về tội giết người theo quy định tại điều 123 Độ luật hình sự với lỗi cố ý gián tiếp hoặc cố ý trực tiếp.

Theo quy định của pháp luật thì tội giết người đòi hỏi phải có lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Nghĩa là người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác phải biết rõ hành vi của mình là trái pháp luật, có thể tước đoạt tính mạng của người khác, mong muốn hậu quả chết người xảy ra hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì mới có thể xử lý được về tội giết người.

“Còn nếu người say rượu lên xe ô tô để lái đi, tham gia giao thông nhưng không có chủ ý đâm vào người khác, không cố ý lao xe vào người khác (không giống như những vụ việc người vi phạm giao thông lao xe vào tổ công tác, CSGT để bỏ chạy...). Trong những tình huống dùng phương tiện giao thông chống người thi hành công vụ để tẩu thoát như vậy thì mới có thể xử lý về tội giết người, bởi người lái xe biết rõ là điều khiển xe như vậy là lao thẳng vào người khác nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra” - Luật sư Cường nêu quan điểm.

Luật sư Cường cho rằng, việc người lái xe say xỉn, điều khiển phương tiện giao thông tham gia thông thông đường bộ, không có chủ đích, không cố ý tông xe vào người khác gây tai nạn thì đây chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả (không lường trước được hậu quả thì đây chỉ là lỗi vô ý). Với lỗi vô ý gây tai nạn giao thông, hậu quả nghiêm trọng thì sẽ xử lý theo quy định tại điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ, chứ không thể xử lý về tội giết người.

Trong các vụ án tai nạn giao thông đường bộ thông thường thì lỗi cố ý là cố ý với hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ, còn vô ý với hậu quả thiệt hại tính mạng, sức khỏe, tài sản xảy ra. Bởi vậy có ý kiến cho rằng, cần khởi tố mọi trường hợp người lái xe say xỉn gây tai nạn giao thông về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 là thiếu cơ sở lý luận về mặt chủ quan của tội phạm (lỗi, động cơ, mục đích).

Cũng rất khó để có thể sửa đổi hoặc bổ sung tội danh này trong Bộ luật hình sự bởi thiếu cơ sở lý luận để mô tả các dấu hiệu cấu thành tội giết người với hành vi say xỉn của các lái xe.

Ông Cường nhấn mạnh: "Nếu sau này sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự thì có thể coi hành vi say xỉn gây tai nạn giao thông là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và để ở mức khung hình phạt cao nhất, tăng tính răn đe phòng ngừa đối với hành vi này. Hiện nay, cần có văn bản hướng dẫn khoản 4, điều 260 Bộ luật hình sự để làm rõ hành vi như thế nào được cho là hành vi có khả năng gây ra hậu quả thực tế đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời....để xử lý đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn cao nhưng chưa gây ra hậu quả bằng chế tài hình sự”.

Theo VOV.VN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ