Không chủ quan
Thời gian gần đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị một số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch với các biểu hiện của bệnh cúm. Gần Tết Nguyên đán, một bệnh nhân nam 64 tuổi (ở Sơn Tây, Hà Nội) được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp. Người nhà của bệnh nhân cho biết: Trước đó 6 ngày, bệnh nhân sốt cao liên tục, ho khan, khó thở kèm tức ngực. Bệnh nhân đã đi khám tại tuyến cơ sở, xác định bị viêm phổi, được kê đơn điều trị nhưng tình trạng không cải thiện. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi biến chứng ARDS (hội chứng suy hô hấp cấp). Mặc dù được điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất song tiên lượng sống của bệnh nhân rất đáng lo ngại.
Một bệnh nhân nam khác 48 tuổi (ở Ứng Hòa, Hà Nội) cũng được chuyển đến cấp cứu với các triệu chứng của bệnh cúm như: Ho, hắt hơi, sổ mũi, sốt, nhức mỏi toàn thân. Gia đình bệnh nhân cũng có vài người mắc cúm. Do nghĩ chỉ là cúm thông thường nên phải 4 ngày sau bệnh nhân mới được nhập viện. Sau đó bệnh nhân có biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã lấy mẫu xét nghiệm cho cả hai bệnh nhân trên. Theo kết quả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cả hai trường hợp đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).
Bệnh cúm mùa thường xuất hiện nhiều vào những tháng cuối năm trước và đầu năm sau do virus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường thở thông qua tiếp xúc và dùng chung vật dụng với người bệnh; hoặc tiếp xúc với gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng và môi trường bị nhiễm mầm bệnh. Phần lớn các trường hợp mắc phải đều tự khỏi. Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng sổ mũi, đau họng, ho khan, tuy nhiên có những trường hợp diễn biến nặng dần.
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu
Theo PGS. TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, sốt là triệu chứng của bệnh cúm. Thông thường, hiện tượng này kéo dài 3 ngày đầu, nhưng có thể lên tới 4 - 8 ngày, nhiệt độ thường tăng nhanh và cao đến 40 - 41 độ C. Các trường hợp bệnh nặng có các biểu hiện như sốt cao, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong. Vì thế, khi có các biểu hiện ho tăng lên, sốt tăng, tức ngực, khó thở khi đã được dùng các thuốc cảm cúm thông thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.
Thời tiết đông xuân chính là thời điểm gia tăng việc phát tán mầm bệnh cúm trên gia súc, gia cầm và lây nhiễm sang người. Việc gia tăng tiêu thụ thực phẩm gia cầm cũng như vận chuyển gia súc, gia cầm và đi lại của người dân trong dịp lễ hội chính là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm.
Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Y tế dự phòng cho biết: Cách phòng cúm hiệu quả nhất đó là tiêm phòng vắc xin cúm. Với những người có bệnh mãn tính, cơ địa suy giảm miễn dịch, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ phải được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch theo các chủng cúm đã có vắc xin. Bên cạnh đó, việc giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt và ăn uống hàng ngày là quan trọng.
Người dân không ăn gia cầm và sản phẩm từ gia cầm không rõ nguồn gốc; Bảo đảm ăn chín, uống chín; Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết… Tránh tiếp xúc với những người nghi có các biểu hiện về bệnh cúm. Những người chăn nuôi phải đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết phải thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường.