Lại tai nạn 'đặc biệt nghiêm trọng'

GD&TĐ - Chỉ trong vòng một tuần, từ 14 đến 21/2, trên địa bàn huyện Núi Thành (Quảng Nam) đã xảy ra hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Hai vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này đã làm chết 13 người, bị thương 24 người và đều xảy ra vào lúc quá nửa đêm về sáng.

Mỗi vụ tai nạn có nguyên nhân khác nhau, song có một điểm chung là, chính ban đêm đóng vai trò như một thủ phạm gián tiếp “đồng lõa” trong cả hai vụ tai nạn nói trên.

Xe khách từ Quảng Ngãi chở 21 người đi khám bệnh tại Đà Nẵng, đến ngã tư đường ven biển dẫn xuống cảng Tam Hiệp, đã tông vào phần đuôi của xe container đang chạy cắt mặt khiến 10 người thiệt mạng.

Ban đêm, đường lại vắng cùng với sương mù hạn chế tầm quan sát đã khiến tài xế xe khách không tiên lượng hết sự nguy hiểm nên dẫn đến bi kịch.

Còn xe khách Phương Trang bị nạn vào lúc 1 giờ 35 phút sáng 21/2, trên tuyến QL1 cũng thuộc huyện Núi Thành thì đâm vào đuôi xe tải đang đứng xếp gạch ven đường khiến 3 người chết.

Tài xế xe này khai là “không quan sát nên không phát hiện chiếc xe tải đỗ ven đường”. Lúc 1 giờ sáng, đường vắng như thế, xe tải đang xếp gạch đứng lù lù, đèn điện sáng trưng như thế mà “không thấy” thì kể cũng lạ.

Xe của hãng Phương Trang này xuất phát từ Đức Trọng (Lâm Đồng) buổi sáng cùng ngày, chạy đến Núi Thành là thời điểm rất buồn ngủ nếu như lái xe cả ngày như thế.

Có thể nói, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng đều xảy ra vào lúc nửa đêm về sáng. Vào thời điểm này, tài xế thường rơi vào trạng thái mê mê tỉnh tỉnh.

Nhiều tài xế gọi hiện tượng như vậy là “ngủ trong tâm”, tức mắt thì vẫn mở nhưng đang ngủ đấy. Lúc ấy, cả thị giác lẫn thính giác của tài xế đều không hoạt động nữa.

Vấn đề đặt ra lúc này là: Có nên để xe khách chạy trên quốc lộ hoặc cao tốc vào ban đêm, nhất là vào thời gian sau 12 giờ đêm trở về sáng không? Nếu cấm thì liệu có gây trở ngại gì cho những hành khách có nhu cầu “đi xuyên đêm”?

Đưa ra một lệnh cấm thì dễ nhưng phải đảm bảo lợi ích và thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thì lệnh cấm ấy mới có tác dụng. Vậy cấm xe khách chạy vào quãng thời gian sau 12 giờ đến 5 giờ sáng liệu có hợp lý và khả thi không?

Nhiều hãng xe bố trí mỗi xe khách đều có 2 - 3 tài xế, họ thay phiên nhau lái xe vào ban đêm. Cứ chạy chừng 4 tiếng thì thay tài khác. Tuy nhiên, không phải hãng xe nào cũng bố trí nhiều tài xế cho một xe chạy đường dài vì họ sợ chi phí tăng cao, lợi nhuận ít nên thường thì chỉ hai tài, thậm chí một tài.

Các lái xe hầu như liên tục quay vòng, nhiều tài xế không kịp nghỉ ngơi lại phải chạy tiếp, nhất là những dịp lễ tết. Vì vậy, chuyện tài xế ngủ gật trong lúc chạy xe thì cũng không có gì lạ.

Có lẽ đã đến lúc ngành chức năng nên cân nhắc việc có nên cấm xe khách chạy ban đêm hoặc mỗi xe phải có ít nhất là 3 tài xế nếu xe chạy trên một quãng đường trên 800km.

Không thể cứ để tái diễn mỗi tuần, mỗi tháng lại xảy ra một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, mà tất cả lại xảy ra lúc nửa đêm về sáng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ