Lại lộ thêm dự án “núp bóng” trồng cây ăn quả để khai thác than trái phép

GD&TĐ - Trong khi vụ việc khai thác than trái phép của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long “núp bóng” dự án xây dựng nghĩa trang Đồng Khuôn tại xã Quảng La, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh còn đang khiến dư luận “dậy sóng”, thì mới đây lại thêm một dự án khác cũng thuộc công ty này ở huyện Hoành Bồ bị lộ diện cùng một “chiêu trò”. Đó là dự án Trang trại trồng cây ăn quả chất lượng cao tại xã Sơn Dương và xã Dân Chủ.

Dự án Trang trại trồng cây ăn quả chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long bị đào bới tan hoang có dấu vết khai thác than
Dự án Trang trại trồng cây ăn quả chất lượng cao của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hạ Long bị đào bới tan hoang có dấu vết khai thác than

Theo báo cáo của UBND huyện Hoành Bồ, từ nhiều năm trước, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long có văn bản đề nghị UBND huyện Hoành Bồ giao cho hơn 511,8 ha đất trên địa bàn hai xã Dân Chủ, Sơn Dương để doanh nghiệp này thực hiện Dự án trang trại trồng cây ăn quả.

Liên quan đến việc này, UBND huyện Hoành Bồ đã giao cho Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long hơn 378,6ha đất nằm trên địa bàn hai xã này để thực hiện dự án. Đặc biệt, trong số diện tích hơn 378, 6 ha giao cho doanh nghiệp này có tới 133 ha đất rừng phòng hộ, trong số đó có hơn 20,8 ha diện tích hành lang lưới điện 500kv.  

Theo ghi nhận của phóng viên GD&TĐ, toàn bộ diện tích đất được giao cho doanh nghiệp sử dụng chẳng hề thấy bóng dáng trang trại nào cả, mà chỉ thấy mặt đất bị đào bới nham nhở. Thậm chí có những khu vực bị đào sâu tới mức biến thành ao, hồ, và vẫn còn nhiều dấu tích biểu hiện của việc đào bới khai thác than.

UBND huyện Hoành bồ thừa nhận buông lỏng quản lý để chủ dự án đào bới mặt bằng tan hoang để khai thác than trái phép
UBND huyện Hoành bồ thừa nhận buông lỏng quản lý để chủ dự án đào bới mặt bằng tan hoang để khai thác than trái phép 

Theo phản ánh của người dân, vào thời điểm Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long được giao đất làm dự án rất nhiều máy xúc, máy đào, ô tô… được đưa đến khu vực này, biến nơi đây thành một đại công trường. Sau đó hàng ngày có rất nhiều đoàn xe trọng tải lớn phủ bạt kín nối đuôi nhau chạy ra ngoài và đi theo con đường sang phía Bắc Giang.

Người dân nơi đây cũng đã từng đặt câu hỏi về việc tại đây có biểu hiện diễn ra hoạt động khai thác than khá rầm rộ, nhưng không hiểu sao chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh hầu như không có động thái gì để bảo vệ tài nguyên?

Được biết, cho đến tháng 3/2017, dự án này mới “bị tuýt còi” bởi một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong khi đi kiểm tra tại địa bàn huyện Hoành Bồ đã phát hiện nhiều vấn đề lình sình tại đây. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì lúc này toàn bộ khu vực nêu trên đã bị đào bới tan hoang và chẳng biết bao nhiêu tấn than tại đây đã “bốc hơi”.

Điều đáng nói, sau khi dự án bị tỉnh “tuýt còi” thì UBND huyện Hoành Bồ mới thừa nhận rằng, hoạt động của Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long tại khu vực này đều dẫn đến phát lộ than. Thời gian thực hiện dự án kéo dài, tạo nghi ngờ, gây bức xúc trong dư luận. Công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giám sát thực hiện dự án, khu vực xung quanh dự án còn lỏng lẻo, chưa thường xuyên, liên tục …

Ngoài 2 dự án Nghĩa trang Đồng Khuôn và Trang trại trồng cây ăn quả, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long còn được giao sở hữu nhiều dự án khác
 Ngoài 2 dự án Nghĩa trang Đồng Khuôn và Trang trại trồng cây ăn quả, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long còn được giao sở hữu nhiều dự án khác 

Được biết, trên địa bàn huyện Hoành Bồ, Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long có tổng cộng tới 8 dự án đang được triển khai.  Trong số đó, chỉ 2 dự án trong số diện tích đất được giao đã lên tới gần nghìn ha và đều phát lộ than.

Dư luận địa phương đặt dấu hỏi, phải chăng kịch bản “núp bóng” dự án để khai thác than trái phép đang được doanh nghiệp trên tiếp tục áp dụng tại địa phương này. Và tại sao chính quyền từ huyện Hoành Bồ cho đến tỉnh Quảng Ninh lại “ưu ái” giao cho Công ty Cổ phần tập đoàn Hạ Long tới 8 dự án có diện tích lớn, nằm trên vỉa tài nguyên khoáng sản… và cứ “sờ” đến dự án nào là có sai phạm, có xuất lộ than? Phải chăng việc tạo điều kiện trên của huyện, tỉnh chính là để doanh nghiệp này có cơ hội đào bới khai thác than trái phép tại những dự án này?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ