Lại lo “giải cứu” lúa gạo

GD&TĐ - Một trong những nguyên nhân để lý giải tình trạng giá lúa gạo đang cần “giải cứu” là “quy luật thị trường”. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài để không bị động trước cảnh “được mùa rớt giá”, phải có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp với nông dân. Bên cạnh đó, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố đang thiếu ở ngành lúa gạo hiện nay.

Thay vì chạy theo số lượng, sản xuất lúa gạo cần quan tâm hơn đến chất lượng
Thay vì chạy theo số lượng, sản xuất lúa gạo cần quan tâm hơn đến chất lượng

Mối lo lơ lửng

Xuất khẩu gạo từ đầu năm 2019 đang có biểu hiện sụt giảm. Giá lúa, gạo ở thị trường trong nước cũng giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá lúa thường vào thời điểm giữa đến cuối tháng 2 này chỉ còn 4.300 đồng/kg (giảm khoảng 300 đồng/kg so với trước Tết).

Theo thông tin từ Sở Công Thương Cần Thơ, giá lúa trên thị trường đang tiếp tục chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg, dự báo có thể tiếp tục giảm khi nông dân bước vào thu hoạch rộ. Long An, Đồng Tháp, An Giang đều ghi nhận có tình trạng giá lúa bị giảm. Trong khi bị ép giá thấp, nông dân vẫn phải bán cho thương nhân vì không có khả năng trữ.

Bộ Công Thương cho biết, chủng loại gạo IR50404 nhiều hơn những năm trước, do trồng thay thế gạo nếp, giá loại gạo thường này thấp hơn so với gạo nếp. Thêm nữa, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước năm nay thấp hơn so với những năm trước. Indonesia năm 2018 đã nhập khẩu một khối lượng lớn, nên năm 2019 dừng không nhập gạo. Năm 2018 Bangladesh nhập 1,4 triệu tấn gạo, sang năm 2019 chỉ nhập 400.000 tấn. Trong khi đó, Trung Quốc xả tồn kho... Do đó năm 2019 được dự báo xuất khẩu gạo sẽ không dễ dàng. Bộ Công Thương cho rằng, mục tiêu hiện nay là phải cố gắng giữ được mức giá có lãi cho nông dân trồng lúa. Việc nâng được giá lúa gạo về mức cao như năm 2018 là rất khó.

Theo nhận định chung, áp lực của việc “rớt giá” lúa gạo hiện nay xuất phát từ nguồn cung trong nước. Trong khi sản lượng lúa Đông Xuân tốt thì các thị trường nhập khẩu gạo (Trung Quốc, Philippines…) lại chưa ký kết đơn hàng, doanh nghiệp trong nước chậm thu mua, nông dân không tích lúa được phải chấp nhận bán ra với giá thấp. Theo Bộ Công Thương, giá gạo giảm là xu hướng chung của thị trường sau một thời gian dài giá tăng cao. Hiện chưa xác định khi nào giá lúa sẽ tăng trở lại. Bộ này cho rằng, việc mua dự trữ tốt hơn là tạm trữ.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích: Năm vừa qua giá FOB bình quân xuất khẩu gạo ở mức 501 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương mức tăng ấn tượng là 48 USD/tấn so với giá xuất khẩu năm trước. Cơ quan quản lý xuất nhập khẩu cho rằng năm 2019, Việt Nam có thể gặp phải một số khó khăn trong xuất khẩu gạo.

Giá gạo trong siêu thị vẫn ở mức cao, nhưng giá lúa gạo thu mua của nông dân đang tụt xuống thấp. Ảnh: Nguyễn Linh
Giá gạo trong siêu thị vẫn ở mức cao, nhưng giá lúa gạo thu mua của nông dân đang tụt xuống thấp. Ảnh: Nguyễn Linh 

Phải giữ chất lượng

Mới đây, nhiều ngân hàng thương mại đã cam kết mức lãi suất cho vay 6%/năm và hàng nghìn tỷ đồng có thể được áp dụng cho các doanh nghiệp ngành lúa gạo, nhằm hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân 2019. Những ngân hàng như: Agribank, Vietcombank, Sacombank cam kết cân đối đủ nguồn vốn cho sản xuất, thu mua, tiêu thụ lúa gạo.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đã có văn bản gửi các thành viên tiến hành các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân 2018 - 2019 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nhằm “giải cứu” giá lúa gạo hiện nay. VFA cũng đã kêu gọi các hội viên tùy theo điều kiện thực tế, giúp nông dân trong việc thu mua dự trữ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ giao hàng các hợp đồng xuất khẩu đã ký.

Bộ Công Thương cho biết, đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo. Bộ này cũng yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu (5%). Bộ cũng đề nghị UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, các địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần quan tâm theo dõi, đặc biệt các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, cần đảm bảo thực hiện trách nhiệm, báo cáo định kỳ gửi Bộ để có nguồn số liệu xác thực, kịp thời phục vụ công tác điều hành. Tránh tình trạng tăng giá do tâm lý, không phù hợp thực tế nhu cầu tiêu thụ, xuất khẩu. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu gạo không chạy theo doanh số, sản lượng, mà phải có biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm toàn diện, không để xảy ra tình trạng không quản lý được chất lượng, dẫn đến việc mất giấy phép xuất khẩu.

Trong một cuộc thảo luận về truy xuất nguồn gốc của nông sản Việt Nam năm 2018, GS.VS Trần Đình Long (Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam) từng nhận định: Nông nghiệp Việt Nam cần hình thành một chuỗi ngành hàng, quan trọng hơn là phải có thương hiệu được ghi nhận trên thế giới. Vấn đề thách thức của nông sản Việt Nam là hàng rào kỹ thuật và khâu quảng bá, xây dựng thương hiệu còn rất hạn chế. “Phải làm sao tạo được mối quan hệ giữa người nông dân - nhà khoa học - doanh nghiệp - Nhà nước.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kênh phân phối đầu ra như thế nào, sản xuất được nhưng quản trị lại kém, kênh phân phối siêu thị, đại lý... vẫn kém. Bên cạnh đó là vấn đề kiểm soát cây giống, cây con. Ví dụ, ở Đồng bằng sông Cửu Long một năm gần 500.000 tấn hạt giống lúa, nhưng chỉ có 30% là giống được xác nhận, còn lại là giống “tự do, trôi nổi”, GS.VS Trần Đình Long nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ