(GD&TĐ) – “Học sinh tự tin; Không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện”. Đó là đánh giá chung của các trường đã và đang tham gia Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam (VNEN).
|
Tiết học theo mô hình VNEN (Ảnh: Internet) |
Theo báo cáo mới nhất về tình hình triển khai Dự án VNEN, tổng kinh phí của Dự án cho giai đọan tiếp theo là 87,6 triệu USD, trong đó có 84,6 triệu USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu (GPE) và 3 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, với thời gian thực hiện là 41 tháng, kể từ tháng 1/2013.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thí điểm mô hình VNEN tại 24 trường của 12 huyện ở 6 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk.
Dự án VNEN là Dự án có nội dung về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại, phù hợp với mục tiêu phát triển và đặc điểm của giáo dục Việt Nam. Dự án được thiết kế có 4 thành phần: Phát triển các tài liệu cho đổi mới sư phạm; Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và cung cấp tài liệu cho các trường; Hỗ trợ các trường để triển khai mô hình VNEN; Quản lý Dự án (QLDA) và truyền thông. |
Dư luận trong ngành Giáo dục và xã hội, bước đầu nhận thấy có những ưu điểm nhất định của mô hình, phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Qua báo cáo đánh giá của các trường VNEN, đều có chung nhận định: Học sinh tự tin; Không khí học tập trong lớp tự nhiên, nhẹ nhàng và thân thiện; Giáo viên và học sinh tương tác với nhau nhiều hơn và kết quả học tập, chất lượng giáo dục bước đầu được cải thiện.
Năm học 2012 - 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai dạy học thử nghiệm mở rộng tại 1.447 trường của 63 tỉnh (thành phố) trên toàn quốc. Cụ thể: gồm 20 tỉnh khó khăn, với 1.143 trường; 21 tỉnh trung bình, với 282 trường; 22 tỉnh (thành phố) thuận lợi, với 22 trường.
Với việc ký kết Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án vào tháng 1/2013, Ban QLDA Trung ương, Ban QLDA tỉnh (thành phố) đã được thành lập và 1.447 trường tiểu học triển khai Dự án thành lập tổ công tác triển khai Dự án của trường.
Các tỉnh có trường tham gia dự án VNEN đều có một nhận định chung là cách dạy học theo mô hình VNEN phù hợp hơn cách dạy học truyền thống. Mô hình không quy định chặt chẽ về kế hoạch dạy học mà giao quyền tự chủ cho giáo viên, điều này phù hợp với các địa phương.
Do đặc thù của học sinh tiểu học thích hoạt động nên khi dạy theo các tài liệu hướng dẫn học của VNEN, học sinh hứng thú với cách học mới. Các trường có quyết tâm cao, tự nguyện làm tốt các hoạt động của Dự án.
Đánh giá về Dự án VNEN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định: Dự án VNEN dựa trên kết quả và thành tựu đổi mới giáo dục của quốc tế. Chúng ta vận dụng cách làm của giáo dục Colombia một cách sáng tạo, phù hợp với giáo dục Việt Nam.
Thời gian qua, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban QLDA các tỉnh đã chủ động, tích cực triển khai mô hình VNEN. Chúng ta khẳng định mô hình VNEN là mô hình phù hợp của phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ưu điểm vượt trội so với các mô hình khác.
Dự án hướng tới các mục tiêu về đổi mới sư phạm, đổi mới phương pháp dạy, đổi mới phương pháp học từ đó nâng cao chất lượng giáo dục. Cách tổ chức quản lý Dự án, cách tiếp cận hệ thống và toàn diện của Dự án đã bước đầu thể hiện tính bền vững của Dự án. Dự án sẽ được xem xét nghiên cứu để mở rộng tới cấp trung học cơ sở.
Về việc nhân rộng mô hình VNEN trên phạm vi toàn quốc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ đạo: Các địa phương, nhất là các tỉnh (thành phố) có điều kiện thuận lợi cần có kế hoạch để nhân rộng mô hình vào năm học 2013 – 2014 và các năm tiếp theo.
Tùy điều kiện của địa phương, từng trường có thể nhân rộng tất cả những yếu tố đổi mới của mô hình, nhưng cũng có thể chỉ áp dụng một số yếu tố thấy phù hợp nhất… Những bài học rút ra từ thực tế là định hướng tốt nhất cho việc nhân rộng mô hình.
Bảo Minh