Lắc lư cùng những đóa hồng trên đoàn tàu Bắc-Nam

GD&TĐ - Gắn bó với nghiệp tiếp viên tàu sắt, những người phụ nữ - những đóa hồng hiếm hoi vẫn thức khuya dậy sớm rong ruổi thường trực trên những chuyến tàu vào Nam ra Bắc.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhân viên phục vụ tàu SE14 (đường sắt Bắc Nam) cùng các cộng sự chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa trên tàu
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, nhân viên phục vụ tàu SE14 (đường sắt Bắc Nam) cùng các cộng sự chuẩn bị thức ăn cho buổi trưa trên tàu

Tình yêu nghề hay chính nghiệp mưu sinh đã khiến những người phụ nữ làm nghề tiếp viên hi sinh cả chuyện tình cảm, gia đình để gắn bó với cái nghề “làm dâu trăm họ” này.

Đừng để cháo nguội…

5 giờ sáng, chị Hoa, quê Hà Nam, người nữ tiếp viên có nhiều kinh nghiệm và lớn tuổi nhất trên đoàn tàu SE2 đã dậy, vừa thay vội bộ đồ bộ để mặc vào chiếc áo xanh da trời theo chị hơn 15 năm trên tàu, bới vội vàng mớ tóc chưa kịp chải thẳng rồi giục các chị em khác chuẩn bị cho một chuyến đi tàu mới. 

“Với chị em trên tàu, việc phấn son hay thậm chí kẻ chân mày là việc xa xỉ lắm. Nhiều khi ăn sáng cũng không kịp chứ nói gì việc trang điểm. Việc quan trọng nhất là phải lo sao món ăn vừa miệng của khách hàng,cháo phải nóng, bắp chín vừa phải, và trứng vịt không bị già”, chị Hoa vừa phân trần vừa vui vẻ nói.

Theo chân những người phụ nữ làm nghề tiếp viên tàu sắt suốt cuộc hành trình từ Ga Sài Gòn, chúng tôi vẫn không có nhiều thời giờ để tâm sự khi họ luôn tất bật, chăm chút cho từng toa tàu, từng khoang tàu, từng hành khách một. Hỏi thăm mới biết, có không ít trong số các “bóng hồng” làm nghề tiếp viên đã làm việc trên 15 năm, nghĩa là gần như cả thời thanh xuân của họ gắn bó trên những chuyến tàu Nam-Bắc.

Trưởng tàu SE2, anh Lê Ngọc Huấn, nói: “Trước lúc tàu chạy 1 tiếng rưỡi,  tất cả các nhân viên phải có mặt, các tiếp viên nữ phải chuẩn bị xong hết mọi thứ, các loại thức ăn như cháo, cơm gà, bắp luộc, trứng cút trứng gà, bánh mứt và các loại nước để phục vụ cho những hành khách bắt đầu một hành trình dài từ Nam ra Bắc. Công việc này mặc dù không nặng nhọc, nhưng yêu cầu sự kiên nhẫn, chăm chỉ…”.

Chị Nguyễn Thị Mai, nhân viên tàu sắt Bắc Nam SE14 đang làm nhiệm vụ

Những chuyến hàng thực phẩm như sữa, bánh, rau, thịt và những nguyên liệu phụ phẩm khác được di chuyển đến khoang cuối cùng của đoàn tàu, 2 nhân viên nữ nhanh nhẹn cẩn thận đưa vào toa tàu. Dáng vẻ vội vã nhưng luôn mỉm cười. Cái tiết trời lành lạnh của sáng sớm Sài Gòn cuối đông không làm khô đi những giọt mồ hôi đẫm trên chiếc áo màu xanh da trời, và đôi vầng trán với những sợi tóc tơ còn chưa được bới cẩn thận.

Chấp nhận làm con thuyền rời bến…

“Ngày tết đi về cũng ít nên con mình chịu nhiều thiệt thòi, nhà thì không khá giả mà đi làm lương thấp thế này thì lấy đâu mà thuê người kèm cập. Khó khăn về kinh tế việc học hành thuốc men đều phải tiết kiệm, nhiều no ít đủ, khéo làm thì no khéo co thì ấm, có ít thì mình xài ít thôi. Phụ nữ, như con thuyền trong một gia đình, con tàu mình lái như thế nào là do mình, nhưng bây giờ con thuyền đã đi xa rồi thì còn cái bến không trơ trọi, buồn lắm, về nhà gia đình sum họp ấm cúng hơn…”- chị Hoa phân trần.

Vui mừng gặp lại người thân trên chuyến hành trình
Vui mừng gặp lại người thân trên chuyến hành trình

Chị Hoa kể, chị có 2 đứa con trai, nhưng một bé lại bị chậm nói, chị lại không có nhiều thời gian để bên cạnh con, dạy con học, nói chuyện nhiều hơn với con, cứ nghĩ đến việc này, chị lại rơm rớm nước mắt, thấy như lỗi ấy là do mình.

Đẩy xe phục vụ nhu cầu của khách đi tàu
Đẩy xe phục vụ nhu cầu của khách đi tàu

Khi hỏi đến Tết này chị có về quê không, chị Nguyễn Thị Trang cúi mặt xuống mớ rau đang nhặt, đáp nhẹ: “Không, nhưng theo nghiệp thì phải chịu, biết làm sao bây giờ, điều an ủi lớn nhất có lẽ là những người đồng nghiệp, luôn quan tâm và chia sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Nơi đây từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của tôi...”.

Không biết bao nhiêu năm rồi, những bông hồng trên đoàn tàu sắt Bắc-Nam phải đón tết cùng những người đồng nghiệp trên tàu xình xịch chạy. Nhiều chị đã có gia đình, có con, không xót xa sao được khi giờ khắc giao thừa, nghe con hỏi từ đầu dây bên kia: “Mẹ đang ở đâu?” vào ngày Tết!?

Vậy thì lấy đâu ra động lực để các chị vẫn bám trụ lấy công việc mà ít phụ nữ chọn lựa như vậy? Chị Hà Thị Huế, là người trẻ nhất trong số các chị em trên tàu khi hỏi về chuyện Tết phải tăng ca chị vui vẻ cười đáp: “Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, ai nấy đều về quê đón Tết, nhìn thấy những nụ cười những háo hức của nhiều hành khách tự nhiên tôi thấy lòng mình cũng vui lây. Mỗi chuyến tàu từ Nam ra Bắc chúng tôi mang hàng ngàn lượt khách về đón Tết với gia đình. Lấy niềm vui của khách làm niềm vui của mình thôi. Nhưng nếu có chồng có con thì sự thiếu vắng phụ nữ trong gia đình ngày Tết không phải người chồng nào cũng chấp nhận được. Chồng phải yêu thương và hiểu công việc của vợ mới bền…”.

Tàu lên dốc lắc lư, uốn lượn rồi chạy chậm lại, tiếng phanh kêu rền giữa núi rừng rợn cả người, thấy rõ phía bên kia là biển, với vài chiếc thuyền bé tí tẹo, nhỏ bé và trơ trọi như những chấm sáng trên nền trời đen mịt. Trên tàu, những người phụ nữ nhỏ bé vẫn lặng lẽ làm những công việc thường nhật, nhưng dường như trong đôi mắt họ có điều gì đó buồn sâu thẳm lắm. 

Tàu hỏa vẫn khiến cho những chuyến đi cảm giác xa xôi, khiến người ở lại lưu luyến, khiến người đi cảm thấy bồi hồi. Xuân lại về trên khắp miền tổ quốc, nhưng có còn xuân nào cho những nữ tiếp viên tàu sắt. Tin rằng, những bóng hồng xinh đẹp ấy, luôn nở trong tim mình những cánh mai  xinh đẹp và xuân hơn bao giờ hết, xuân hơn cả mùa xuân của đất trời là những nụ cười hạnh phúc đoàn viên của những nữ tiếp viên đường sắt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.