Lạc lối chốn “khai thiên”

GD&TĐ - Chiều thu chạng vạng, bóng núi ập xuống những đường cong gồ ghề dài ngoẵng. Từng vựa đá sắc lẹm đùn ra dưới cơ man sơn tản lở loét. Mặt đất được rang lên sau tiếng nổ mìn chát chúa, màn trời đông đặc lại, tựa hàng trăm ngọn nham thạch phun trào để khai phá một kỷ băng hà mới. Hơn thập niên qua, cả vùng non thiêng chất ngất ở Kim Bảng (Hà Nam) đang bị con người san thành bình địa.

Một khai trường khai thác đá ở Kim Bảng, Hà Nam
Một khai trường khai thác đá ở Kim Bảng, Hà Nam

Đời treo

Nắng lạc xạc rớt xuống một vùng cây tịnh gió. Càng lên cao, đường núi lốc nhốc, hẹp dần, ta luy bở vỉa khoét lưng chừng, dựng lên các thành vách nhớp nháp đá răm, thăm thẳm. Phải vào sâu hơn mới đặt được mìn, anh Lê Hoàng Dũng - thợ khai thác đá thâm niên gần 20 năm ở thôn Phù Đê, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng nói.

Một năm, người dân Tân Sơn chỉ đi “phu đá” cữ thu đông hay giáp hạt, họ tiến sâu vào khe núi, lật tung hết kiệt vùng hoang sơ để lấy đá làm xi măng hoặc vật liệu xây dựng.

Núi đá tít tắp tọa lạc dọc triền sông Cầu và sông Đáy đều được các công ty tư nhân đấu thầu, bà con sở tại trở thành lao động thuê mướn theo thời vụ - những “công nhân” thiếu chuyên môn kỹ thuật nhưng thừa lòng nhiệt huyết. Họ nghèo!

Gần tới đỉnh núi Bèo, ngoác ra hang hốc, chênh vênh. Anh Dũng và hai thợ đá khác dò dẫm gạt mạng nhện, cành cây, buộc dây bảo hiểm, năm đầu ngón chân bấm vào sườn núi, lách qua thạch tảng xiên xẹo rồi treo mình bên miệng vực.

“Cứ ba ngày nổ mìn một lần vào buổi chiều, mỗi lần phải tìm các vùng đá có trữ lượng lớn”, anh Dũng cho hay. “Ở thôn có nhiều đội nổ mìn không?”, tôi hỏi. “Gần 20 đội, mỗi đội từ 3 - 5 người. Sau khi nổ mìn, mỗi đội lại thuê nhân công để bốc vác lên các xe vận chuyển”.

...Tiếng nổ trên các triền núi chon von, xa gần dậy lên. Trời như long ra, xé toác thành muôn mảnh không gian đỏ quạch, đen đặc, trắng lóa mịt mù. Hơn giờ đồng hồ nặng nề trôi qua, tấm voan hoang khí đã vãn, chờn vờn bãi đá phủ lớp lớp, gương mặt thần Tản hốc hác chỉ còn sót lại vài chỏm nhũ sơn leo lắt.

“Hàng nghìn khối đá xây dựng được dân khai thác mỗi tháng, nhưng tiền công rất rẻ mạt, không theo một khung giá nào. Thường mỗi ngày một người dân chỉ kiếm được 40.000 - 50.000 đồng, trong đó họ phải tự đầu tư bảo hộ lao động”, ông Nguyễn Hồng Tạp - Trưởng thôn Phù Đề cho biết. Tôi ngỏ ý hỏi về các tai nạn trong khai thác đá, ông Tạp chỉ lắc đầu ngao ngán, ngày nào chả có, chuyện thường.

Rồi vị trưởng thôn kể về đời mình, cũng là cuộc đời của phu đá. Ông đã từng hơn 20 năm rong ruổi khắp các dãy núi Đồng Quang, hết đá ở Đồng Quang lại chuyển sang núi Bèo. Đến nay, mốc nhân sinh cập kề thất thập, ngẫm thấy đời mình và đời con cháu tựa đời... treo, năm tháng bể dâu, không kể nắng mưa cứ treo mình lên đá, lúc đá rơi cũng là lúc đời trôi.

Những mỏm núi đá chơ vơ bị mìn đánh còn sót lại
 Những mỏm núi đá chơ vơ bị mìn đánh còn sót lại

Nghìn trùng chấp chới bóng thạch phu

Những chiếc xe ben, công nông lầm lũi trong sương nhạt nhòa lê vào bãi đá, hàng trăm nông phu xếp hàng lũy bề bề kéo theo. Họ đi để xí phần những mỏm núi đá được mìn đánh tan từ chiều qua. “Hai vợ chồng và đứa con gái đều đến từ tinh mơ. Không đi sớm lấy phần coi như cả ngày không có thu nhập, không có gì ăn”, chị Vũ Thị Diệp, ở xã Tân Sơn tâm sự. 13 tuổi, thân gái mưa sa, chị Diệp đã theo ông chú ruột lang thang lên núi mưu sinh, nay ngót 40 năm, con gái chị lại nối nghiệp.

Trong khoảng không bình minh lấp lóa, núi nghìn trùng chấp chới bóng thạch phu, họ vác trên vai từng khối đá to bằng mấy đầu người, ậm ạch đẩy lên thùng ben và công nông. Đa phần phụ nữ, những gương mặt khẩu trang kín mít thò ra hai hốc mắt tối om, thâm quầng giống cảnh chạy tị nạn ở khu tự trị hồi giáo.

Tôi đến bên Hòa, 17 tuổi (con chị Diệp), mới vào nghề được 2 năm. Giờ, nhìn bàn tay em người ta đoán cũng phải cữ đầu “băm”, những đường chỉ sâu thành rãnh vằn vện, móng tay vàng khè tựa gã đàn ông chuyên rê thuốc lào. “Em không đi học à?”, tôi bắt chuyện. “Ở làng có mấy ai học hết phổ thông đâu, sinh ra đã có nghề hẳn hoi rồi. Nhìn mấy đứa bạn cùng lứa đi học, cũng thấy tủi, nhưng một ngày không đi làm, thiệt công đến bảy, tám khối đá”.

Đúng ngọ. Khai trường kéo dài hàng trăm mét vẫn ồn ào động cơ. Dưới chân núi Bèo, nhìn dốc ngược lên, giữa vô vàn hầm ếch, hơn chục thợ đá vẫn cầm rìu, thuổng gạy nốt vài mỏm đá.

Những động tác thủ công, những cánh tay trần nhẫy nhụa mồ hôi, những khuôn mặt bạnh quai hàm trổ ra thách thức với tạo hóa. Đây là điều vẫn diễn ra hàng ngày ở xứ sở này, nhưng tôi lại lờ mờ cảm nhận có sự không bình thường đang hiện hữu.

 

Những sinh mạng ngoài vòng pháp luật

Hầu hết núi đá ở Tân Sơn được các công ty bỏ tiền đấu thầu. Có khoảng 6 chủ đầu tư mở xưởng sản xuất, chế biến đá thô tại chỗ. Việc thăm dò khai thác nguồn tài nguyên, tạo việc làm cho hàng nghìn hộ dân ở một miền quê nghèo là đáng quý. Nhưng, cách mà công ty tạo sinh kế cho người dân lại gián tiếp đẩy họ vào cảnh phải lao động ngoài vòng pháp luật.

Đa số công ty không trực tiếp tuyển người mà giao cho một cá nhân ở địa phương bảo đảm từ khâu thuê nhân công đến khi đá thô được chuyển về kho bãi của doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa, tai nạn xảy ra sẽ không có bảo hiểm bởi người đại diện công ty không ký hợp đồng với các lao động.

Trước đây, có 3 công nhân làm thuê cho anh Tạ Văn Cường (người nhận giao khoán của Công ty TNHH Thống Nhất) đang khoan mồi, đặt mìn phá đá quá cỡ dưới chân núi Đồng Quang thì bất ngờ cả vỉa đá chừng 3.000 m3 đổ sập xuống. Họ ra đi bỏ lại 3 người vợ trẻ và 6 đứa con thơ, nỗi đau khôn xiết.

Nhưng, tiếp xúc với chúng tôi, lãnh đạo doanh nghiệp khi ấy khẳng định: Công ty đã ký hợp đồng với anh Cường, nêu rõ khoán gọn việc khai thác đá sản phẩm xuống chân núi nghiệm thu. Đáng lưu ý: “Đơn giá khoán cộng đầy đủ các khoản bảo hiểm theo quy định của pháp luật”. Thực tế, tai nạn xảy ra, anh Cường cũng chưa trình ra được hợp đồng lao động với các công nhân xấu số trên. Ai sẽ thanh toán bảo hiểm cho các công nhân này?

Đá rơi và người lao động tự ngã, là hai nguyên nhân chính dẫn đến hàng loạt vụ “phu đá” tử nạn tại các mỏ Hà Nam. Tuy nhiên, khi các cơ quan chức năng kết luận, hầu hết, lỗi do… người đã khuất. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, trong 3 năm lại đây, Hà Nam có hai vụ tai nạn mỏ đá, hai người thiệt mạng. Nhưng cũng chừng ấy thời gian, thống kê của riêng Công an huyện Kim Bảng, một huyện trong tỉnh, đã có tới 6 vụ tai nạn.

* * *

Chiều nhuộm tím sông Đáy, từng khóm bèo tây lô xô ôm lấy những bóng thuyền nghiêng ngả giữa dòng. Đâu đó, tiếng ru con lạc lõng của chị Hương đều đều, tỏa ra mênh mang sóng nước. Đời chị, liệu có hóa vọng phu khi người chồng lên núi biền biệt không về...

Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH), qua đánh giá các biên bản điều tra tai nạn tại mỏ đá Hà Nam, xác định, nguyên nhân chính do lỗi của chủ sử dụng lao động, đã vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn khai thác mỏ với tỷ lệ 50% trên tổng số vụ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ