Là trò giỏi mới thành thầy giỏi

GD&TĐ - Tại lễ khai giảng năm học  2019 – 2020 của Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG HN), PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã dành thời gian nói chuyện thân mật với các sinh viên của nhà trường. Bài nói chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của sinh viên khi PGS đề cập đến chuyện nghề và những trăn trở để trở thành nhà giáo chân chính.

Ảnh minh họa/ internet
Ảnh minh họa/ internet

Nghề sư phạm luôn áp lực

PGS Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Khi trúng tuyển vào Trường ĐH Giáo dục là các em đã lựa chọn cho mình một tương lai gắn liền với sự nghiệp GD-ĐT. Chắc chắn các em phải đắn đo rất nhiều trước khi có lựa chọn này. Trở thành sinh viên của Trường ĐH Giáo dục là các em đã trở thành những đồng nghiệp của chúng tôi trên một nghĩa nào đó. Các em đang và sẽ cùng chúng tôi gánh vác sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà. Các em, dù là sinh viên của hệ sư phạm, hay hệ khoa học giáo dục cũng cần học tập, phấn đấu rèn luyện để trở thành những người thầy theo nghĩa chính diện và nghĩa rộng nhất” - PGS Nguyễn Kim Sơn bộc bạch.

Theo PGS Nguyễn Kim Sơn, nghề sư phạm luôn luôn áp lực. Áp lực của việc làm thầy, áp lực của sự gương mẫu, áp lực của sự tích lũy tri thức để đủ làm bậc thầy của HSSV. Trong thời đại ngày nay, áp lực đó còn có xu hướng gia tăng khi mà tri thức, công nghệ phát triển và bùng nổ, người học sẵn sàng có thể vượt qua chúng ta trên rất nhiều phương diện nếu như người thầy không thực sự tích lũy cho mình một tầm vóc cả tri thức cũng như kỹ năng đáng để làm thầy.

Cả nước đang triển khai công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần của Nghị quyết 29. Theo đó, công tác chuẩn bị nhân lực để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cần được quan tâm sâu sắc, mà ở đó nhân tố con người càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bộ GD&ĐT cũng xác định, những năm học tới, phương diện rèn luyện đạo đức, nhân cách của con người là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Đôi lời nhắn nhủ

“Muốn dạy được công dân có đạo đức, nhân cách tốt, công việc đó phải được bắt đầu từ môi trường giáo dục. Hơn bất kỳ loại hình giáo dục nào khác, dạy đạo đức, nhân cách, yếu tố chuẩn mực và mẫu mực của người thầy được xem là có tính chất quyết định” - PGS Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đồng thời phân tích: Khác với các lĩnh vực tri thức khác, muốn dạy đạo đức, nhân cách cho người học, trước hết người thầy phải mẫu mực. Cuộc sống có vận động đến đâu, khoa học có phát triển đến dường nào, sự mẫu mực của người thầy vẫn là điều vô cùng quan trọng.

“Muốn làm một người thầy giỏi trong tương lai, các em phải là trò giỏi từ ngày hôm nay. Muốn làm thầy giỏi một ngày, các em phải phấn đấu một đời mới có thể làm được. Muốn nói một thì phải biết mười, mà trong thế giới tri thức ngày nay, còn cần nhiều hơn nữa. Các em cần biết, học ngày hôm nay để mai này hướng dẫn cho các thế hệ học sinh biết học như thế nào? Các em cần trải nghiệm về việc làm thầy ngay từ những ngày đầu là sinh viên sư phạm.

Điều gì chúng ta muốn kỳ vọng vào những người thầy hôm nay, sau này khi làm thầy hãy thực thi nó cho học trò của mình. Điều gì các em không mong muốn, các em không tán thành, các em chưa thích ở những người thầy hôm nay, mai sau đừng làm với học trò của mình. Cái gì các em mong muốn sau này học trò sẽ ứng xử với mình như thế nào thì bây giờ hãy cố gắng làm tốt trong từng giờ trên giảng đường đại học” - PGS Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ.

Theo PGS Nguyễn Kim Sơn, bản chất của nghề dạy học – nghề cao quý trong các nghề cao quý đã đặt cho các sinh viên sư phạm những yêu cầu như vậy. Tính thiêng liêng của nghề nghiệp đã đặt ra cho các em phải làm như vậy. Các em sẽ có những giờ giảng bài, được đứng trên bục giảng với tư cách của người thầy dạy học.
Khi đó, các em không chỉ dạy học bằng kiến thức, sự hiểu biết của mình mà phải bằng cả tinh thần trách nhiệm và bằng cái tâm của người thầy. Vì vậy, các em cần chủ động học tập, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, để tích lũy kiến thức và tu dưỡng phẩm chất, đạo đức nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan

Ba Lan mất dấu xe tăng gửi Ukraine

GD&TĐ - Một nhà phân tích quân sự Ba Lan cho biết, không rõ Ba Lan hiện đang có bao nhiêu tăng T-72, bởi không rõ Warsaw đã tặng bao nhiêu loại xe này cho Kiev.