Trong một thời gian dài, hầu hết những gia đình ở nông thôn Anh đều nuôi ong theo một tập quán lạ thường. Mỗi khi có một người trong gia đình qua đời, người nuôi ong phải đi ra những tổ ong và nói với chúng về sự mất mát, đau buồn này. Nếu không làm như vậy sẽ dẫn đến những mất mát nhiều hơn nữa, như ong sẽ rời khỏi tổ, hoặc mật không phong phú, ngay cả chết hàng loạt.
Theo truyền thống đáng yêu kể trên, những con ong phải được thông báo không chỉ sự chết chóc, mà còn về những chuyện quan trọng trong gia đình, như sinh đẻ, kết hôn và sự vắng mặt khi mọi người thực hiện những chuyến đi dài ngày.
Nếu ong không được biết, mọi tai ương được cho là sẽ xảy ra. Tập quán lạ thường này được biết với tên gọi “Nói với ong”.
Con người luôn có một sự gắn kết đặc biệt với ong. Ở châu Âu thời Trung cổ, ong được đánh giá rất cao vì đã cung cấp mật và sáp. Mật ong được dùng như một loại thực phẩm, làm rượu - có thể là thức uống lên men xưa nhất thế giới - và dùng như một loại thuốc chữa bỏng, ho, bệnh đường tiêu hóa và nhiều bệnh khác nữa. Đèn nến làm từ sáp ong cháy sáng, kéo dài hơn và sạch sẽ các loại đèn nến làm từ sáp khác.
Ong thường được nuôi ở các tu viện và trong các trang trại, nơi chúng được tôn trọng và được xem là thành phần thuộc gia đình và cộng đồng. Bị cho là khiếm nhã nếu mọi người cãi nhau trước đàn ong.
Thói quen nói chuyện với ong có thể bắt nguồn từ thần thoại Celtic, theo đó ong có mối liên quan giữa thế giới của chúng ta và thế giới những linh hồn. Vì vậy, nếu bạn có bất cứ thông điệp muốn truyền cho một người nào đó đã chết, điều cần phải làm là nói chuyện với những con ong và chúng sẽ giúp truyền đi.
Nói chuyện với ong được biết đến rộng rãi trên khắp nước Anh và nhiều nơi khác ở châu Âu. Truyền thống này còn băng qua Đại Tây Dương vào Bắc Mỹ.
Hai mẹ con đi ra vườn nói với ong nghe về sự qua đời của ông chủ. |
Cách phổ biến để nói chuyện với ong là người chủ gia đình, hoặc “bà chủ nhà” đi ra các tổ ong, gõ nhè nhẹ để làm cho đàn ong chú ý, sau đó thì thầm với giọng buồn thảm về sự việc.
Những lời than vãn ngắn ngủi có vần điệu phát triển qua nhiều thế kỷ, đặc biệt đối với một khu vực đặc biệt. Ở Nottinghamshire, vợ của người chết được nghe thấy hát lặng lẽ trước tổ ong những lời này: “Chủ nhân đã chết, nhưng các ngươi đừng đi; bà chủ sẽ là một bà chủ tốt đối với các ngươi”.
Trong trường hợp có người chết, người nuôi ong cũng quấn lên phía trên tổ ong một mảnh vải hoặc nhiễu đen. Nếu có một đám cưới trong gia đình, các tổ ong được trang trí đẹp mắt và người ta đặt những mẩu bánh ngọt bên ngoài để ong cũng có thể tham dự ngày vui này.
Tân lang và tân giai nhân phải tự giới thiệu với đàn ong của nhà mình, nếu không thì đời sống hôn nhân của họ sẽ gặp rắc rối. Nếu ong không được biết về sự đau buồn, những bất hạnh khủng khiếp sẽ giáng xuống gia đình và với người mua tổ ong.
Nhà sinh vật học thời Victoria, Margaret Warner Morley, trong quyển sách của bà mang tên The Honey - Makers (1899), nêu một trường hợp ở Norfolk, trong đó có người đàn ông mua tổ ong của một người đã qua đời. Những người chăm sóc đàn ong trước đã không báo cho chúng biết về sự qua đời của ông chủ gia đình nên đàn ong bị bệnh. Khi chủ nhân mới che tổ với mảnh vải đen, những con ong phục hồi nhanh chóng.
Một câu chuyện khác, gia đình nọ ở Oxfordshire phát triển được 17 thùng ong thì người nuôi ong qua đời. Do không ai nói với chúng về sự đau buồn này nên những con ong chết dần. Có rất nhiều câu chuyện như vậy trong sách của Morley.
Mối quan hệ mật thiết giữa ong và người chăm sóc chúng đã đưa đến nhiều câu chuyện thuộc văn hóa dân gian. Một trong những câu chuyện này là sự xui xẻo khi mua hoặc bán đàn ong, bởi vì khi bạn bán một tổ ong, bạn sẽ bán luôn sự may mắn của mình.
Thay vì vậy, ong cần được đổi chác hoặc làm quà tặng. Nếu ong bay vào nhà, một người khách lạ sẽ đến ngay lập tức. Nếu chúng đậu trên mái nhà, sự may mắn sẽ đến ngay.
Nhưng mối quan hệ giữa ong và người còn vượt xa sự mê tín. Đó là một sự thật, rằng ong giúp con người tồn tại. Bảy mươi trong số 100 giống cây trồng nuôi sống con người dựa vào ong để thụ phấn. Không có chúng, những loài thực vật này sẽ ngưng tồn tại và cùng với nó các loài vật ăn chúng cũng sẽ chết.
Điều này có tác động mạnh mẽ đến việc cung cấp các chuỗi thực phẩm. Mất một tổ ong, sự thiệt hại sẽ nhiều hơn là mất nguồn cung cấp mật. Hậu quả là đời sống bị đe dọa. Hoạt động “Nói với ong” làm nổi bật sự liên kết sâu sắc việc con người chia sẻ với côn trùng.