(GD&TĐ) - Chiếc thúng chai bé nhỏ của lão ngư Lê Thành Trung (còn gọi là Sáu Đẹn) hạ thủy lúc 3 giờ sáng, bắt đầu cuộc mưu sinh giữa lòng đại dương đầy sóng gió. Sau 4 giờ lênh đênh trên biển Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam - Bình Thuận, chiếc thúng đã cập bến tại bãi biển, bỏ lại tay lưới trĩu nặng cá, ghẹ cho vợ xử lí, ông Sáu chỉ giữ lại những con cua đỏ móng, loài giáp xác tuy ngoại hình xấu xí nhưng có hương vị đặc biệt, đang được nhiều chủ quán đặc sản… dòm ngó!
Diêm dúa một loài cua
Chuyến dong khơi hôm nay, lưới ông Sáu Đẹn dính được 7 ả đỏ móng. Tẩn mẩn gỡ từng ả cho khỏi rụng những cái móng đỏ chót, lão hồ hởi: “Không phải lúc nào cũng được ả đâu. Hôm qua, hôm kia tui dong khơi chẳng được mống nào. Chắc biết hôm nay tui có khách quý nên thủy thần chiêu đãi đó!”. Dứt lời, ông Sáu giương cao một con đỏ móng cho chúng tôi “mục sở thị” dung nhan của ả. Ông nheo mắt nói: “Ả tuy họ nhà cua, cũng có mai, yếm, có 2 càng, 8 que nhưng có nhiều điểm ngộ lắm!”.
Chân dung một ả móng đỏ |
Ái chà, khi nhìn kỹ con đỏ móng, thú thật trong đời chúng tôi chưa từng thấy loài cua nào xấu xí như ả. Mình mẩy mang màu bùn biển, ả xấu đau, xấu đớn với điểm ớn mắt đầu tiên là thân hình quái dị. Trong khi các loài cua ghẹ thường thấy có mai đẹp thì mai cua đỏ móng tròn lủm bám đầy rong rêu, sần sùi trông rất bẩn. Điểm kinh dị thứ 2 là nó “sở hữu” 8 chiếc que dài loằng ngoằng đầy lông lá. Và thay vì to đùng, dũng mãnh thì 2 chiếc càng của nó bé xíu, chỉ bằng 1/3 chiếc que chân. Có mặt trên bãi biển Thuận Quý hôm ấy, anh Trần Trung Dũng - một khách du lịch bày tỏ cảm tưởng: “Nhìn nó không khác gì những con nhện độc ở rừng già Amazon. Đây đúng là loài cua dị hình!”.
Không chỉ mai tròn, que to, càng nhỏ, cái yếm của đỏ móng cũng rất quái dị. Nó gờ lên từng múi chứ không dẹp, không bám sát vào thân như các loài cua ghẹ thường thấy. Như thể áo giáp của chiến binh xưa lúc lâm trận. Nhưng điểm nổi bật nhất của đỏ móng là phần móng của 8 chiếc que đỏm dáng có màu huyết dụ tuyệt đẹp. Cùng đó là màu vàng rực ma quái như ánh mặt trời lúc hoàng hôn. Lão ngư Sáu Đẹn dí dỏm: “Chiếc que của nó chẳng khác gì cẳng chân đầy lông lá của người đàn ông với móng được tô son. Dân Thuận Quý mình căn cứ vào điểm nổi bật này mà cứ gọi nó là con đỏ móng!”.
Xấu xí nhưng ngon bá phát!
Không như cua ghẹ thường sống ở độ sâu 5 - 15 m so với mặt nước biển, đỏ móng chủ yếu sống ở vùng biển nông, nhất là tại các ghềnh đá mép biển. Anh Hải - một ngư dân trong vùng, cho biết đặc tính sinh học của con “đỏm dáng”: “Nó sinh sản, ăn mồi (tôm cá nhỏ) như các loài cua ghẹ nhưng ngược đời ở chỗ, lúc nhỏ thì sống dưới nước (cách mép biển 3 - 4 m), lớn lên thì rúc vào các rạn đá ngầm. Nó còn có điểm ấn tượng là dẻo dai gấp đôi cua ghẹ bình thường. Có bận tôi để quên một con trong cái xô không nước. Đúng tuần sau mở ra vẫn thấy nó sống khỏe!”.
Tại biển Nha Trang, Phan Rang có một loài cua mà theo tên gọi của dân địa phương là cúm núm. Loài này mai tròn, gờ to như cái chân, 8 que bình thường nhưng cặp càng thì gai góc rất kinh. Ngư dân đi biển nếu kéo lưới được cúm núm sẽ lập tức bẻ lấy 2 chiếc càng của nó. Phần còn lại sẽ gửi trả biển, bởi chẳng thịt thà gì. Với con móng đỏ thì lão ngư Sáu Đẹn làm chuyện ngược lại. Ông lặt sạch càng que và chỉ giữ lại phần thân tròn lủm, đen đúa. Lão chuyện trò: “Que của nó ngó cồ vậy chứ đem nướng, hấp thì cứng ngắt, đập ra chỉ có ít thịt mà lại tanh vô cùng. Nhưng phần thịt, gạch trong mai thì khác à nghen. Đảm bảo động thủ một lần rồi, nhớ mãi không thôi!”. Dân biển vốn xởi lởi, hào sảng nên ông Sáu mời chúng tôi ghé qua nhà đặng “thử một con cho biết”. Bà Sáu vợ ông “bật mí” kỹ thuật chế biến: “Muốn ăn đỏ móng trước tiên phải luộc chín rồi nướng trên lửa. Chờ đến khi lớp lông cùng rong rêu đóng trên mai cháy khô là ‘chiến đấu’ được rồi!”.
Ông Sáu Đẹn và một ả móng đỏ bị dính lưới |
Gió biển mằn mặn liên tục thổi từ đại dương vào căn nhà nhỏ trên đồi cát trắng xóa. Trước hiên nhà, trên nền đá mát lạnh, lão ngư thành thục tách mai con đỏ móng đưa khách nếm qua. Nhìn màu gạch đỏ như son bám chặt vào mai lẫn màu gạch vàng óng, khách cầm lòng không đặng. Gạch đỏ móng beo béo, nhân nhẫn, deo dẻo chứ không quá bùi như gạch cua ghẹ thông thường. Tuy không nhiều nhưng từng thớ thịt trắng phau của nó dai, ngọt, thơm hơn cua ghẹ. Có cảm tưởng như bao tinh túy của đại dương đều tề tựu trong phần thịt gạch của đỏ móng.
Thấy khách say mồi, ông Sáu khoái chí lắm. Ực cạn ly “nước mắt quê hương” ngâm hải mã, hải long và sao biển được hạ thổ hơn 3 năm, ông khà to đầy sảng khoái rồi trải lòng: “Thằng này chỉ rộ vào mùa gió chướng (từ tháng 11 - tháng 6 hằng năm). Nếu muốn ăn đỏ móng đúng điệu phải đợi đến tầm sau Tết một tháng. Lúc đó con cái vào mùa sinh sản nên gạch thịt ú ụ, thơm vô cùng. Động thủ đỏ móng lúc đó, chỉ có chết. Chết thèm đó mà!”.
Ngấp nghé lên đời
Trong câu chuyện với những ngư dân ở Thuận Quý, thật vui khi biết chỉ khách quý, bạn bè, chiến hữu thân tình mới được người miệt biển đãi món “cua diêm dúa”. Vùng biển Bình Thuận đâu đâu cũng sóng biển nhưng chỉ biển Thuận Quý nhờ có nguồn đá nên mới được đỏ móng chọn làm đại bản doanh. Ông Sáu lại tặc lưỡi: “Ngặt cái muốn có mồi lai rai không phải dễ. Mấy con be bé thiếu gì. Còn lại cồ cồ khoảng 200 gram trở lên khó bắt được lắm!”.
Theo hồi tưởng của cánh ngư phủ, trước đây đỏ móng là loài vô danh tiểu tốt. Khi cua dính lưới, ngư dân chỉ làm động tác duy nhất là gỡ ra vứt đi chứ chẳng ăn uống gì. Sau phát hiện thịt, gạch của chúng quá “nhức nhối” nên giờ đây mỗi khi dính được, cánh ngư phủ sẽ lập tức bẻ càng que để dành cập bến lai rai. Bà Sáu thật tình: “Có mấy bận thím đem ra chợ bán nhưng có lẽ thấy nó gớm quá nên chẳng ai dám mua”. Dứt lời, bà chép miệng: “Ừ, cũng nhờ vậy biển mới còn. Chứ không, cạn sạch rồi!”.
Vùng biển Thuận Quý nơi có nhiều cua móng đỏ |
Nghe bà Sáu nói mà chúng tôi mở cờ trong bụng. Được vậy thì dân biển còn có đặc sản mà khoản đãi anh em, chiến hữu gần xa. Nhưng niềm vui vừa thoáng qua thì Bình, ngư phủ ở cạnh nhà bên sang chơi, e hèm: “Tui đảm bảo sớm muộn gì thằng này cũng nổi đình nổi đám cho coi. Lúc đó chưa chắc có tiền có ăn đâu đó!”.
- Sao ngộ vậy?
- Ngộ cái gì mà ngộ! Mấy hôm trước có đoàn ba ông khách là chủ Resort ở Mũi Né, Hòn Rơm đến hỏi thăm nó rồi. Sau khi nếm qua, mấy ổng đều tấm tắc khen ngon và đòi “chiến đấu” tiếp nhưng đào đâu ra. Nghe đâu mấy ổng bàn sắp tới sẽ đưa đỏ móng vào danh mục đặc sản đó. Tui còn nhớ rõ câu nói của ông bụng phệ: ‘Tôm cua, ốc hương, ghẹ, sò điệp… thường quá rồi! Thằng này lạ nên dễ hút khách!”’.
Ngay tại thời điểm này, những con cua đỏ móng vẫn nằm ngoài thực đơn của các hàng quán đặc sản nên ông Sáu đãi khách vô tư. Chỉ e mai này, khi loài này lên cơn sốt với giá cả trên đời thì ông không dám lai rai nữa mà để dành “gả” cho các nhà hàng. Điều không mong đợi này đã từng xảy ra với con dông Bình Thuận, con thằn lằn, ốc núi ở Tây Ninh, con cá bò hòm ở Nha Trang rồi còn gì?!
Phúc Trinh – Hải Âu