Kỳ vọng về hòa bình, thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên

GD&TĐ - Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần 3 vừa kết thúc tốt đẹp tại Bình Nhưỡng. Tại cuộc gặp này, hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Moon Jae-in đã ký một tuyên bố chung được cho là đột phá trong quan hệ liên Triều. 

Moon Jae-in và Kim Jong-un cùng phu nhân trên đỉnh “núi thiêng” Paektu
Moon Jae-in và Kim Jong-un cùng phu nhân trên đỉnh “núi thiêng” Paektu

Bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào đầu tuần này, Moon Jae-in có cuộc gặp với Donald Trump để báo cáo về kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3, qua đó thúc đẩy tiến trình đàm phán ba bên với sự tham gia của Hàn Quốc, Triều Tiên và Mỹ. Hy vọng về một kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên ngày một rõ hơn.

Thắm tình ruột thịt Bắc - Nam

Cuộc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên được tổ chức trong một bầu không khí ấm áp, trái ngược hoàn toàn với cuộc gặp gỡ Mỹ - Triều trước đó. Các bên đã ký kết hai thỏa thuận lớn: Tuyên bố Bình Nhưỡng và thỏa thuận về các vấn đề quân sự để cụ thể hóa các thỏa thuận trong việc giảm căng thẳng ở biên giới. Các thỏa thuận có thể được chia thành ba loại: Phi quân sự hóa, phi hạt nhân hóa và hợp tác kinh tế văn hóa và xã hội.

Trong lĩnh vực giảm căng thẳng quân sự và phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí như sau:

Thành lập một ủy ban quân sự chung để theo dõi việc thực hiện thỏa thuận giảm căng thẳng quân sự và "ngăn ngừa các sự cố tình cờ"; Thỏa thuận của CHDCND Triều Tiên về việc hủy bỏ bãi thử tên lửa ở tỉnh Tongchang trong "sự hiện diện của các chuyên gia từ các nước liên quan"; Về việc CHDCND Triều Tiên nhất trí tiêu hủy vĩnh viễn nhà máy làm giàu uranium ở

Yongbyon, nếu Hoa Kỳ "thực hiện các bước thích hợp theo tinh thần của tuyên bố ngày 12/6"; Thiết lập "hợp tác chặt chẽ" trong việc hủy diệt hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Khối kinh tế bao gồm các thỏa thuận sau: Đến cuối năm nay, tổ chức một "buổi lễ mang tính thời đại" - kết nối đường sắt của hai quốc gia; Khôi phục khu công nghiệp Kaesong và các tour du lịch đến Núi

Kumgang "ngay sau khi các điều kiện liên quan được đáp ứng" (các điều kiện này là gì, tài liệu không nêu rõ); Thảo luận về viễn cảnh tạo ra một đặc khu kinh tế dọc theo bờ biển Hoàng Hải và một khu du lịch dọc theo bờ Biển Nhật Bản (người Hàn Quốc gọi nó là Biển Đông).

Trong lĩnh vực văn hóa và quan hệ giữa hai dân tộc: Chung tay bảo tồn thiên nhiên của bán đảo và chống lại sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm; Khôi phục một không gian lâu dài cho các cuộc gặp gỡ của các gia đình bị li tán trong chiến tranh ở khu vực Núi Kumgang; Qua Hội Chữ thập Đỏ có thể tiến hành các cuộc gặp qua video giữa các gia đình riêng biệt và thiết lập một kênh video vĩnh viễn để trao đổi thông điệp video giữa các gia đình li tán; Tăng cường giao lưu văn hóa, buổi biểu diễn của nhóm nghệ thuật từ Bình Nhưỡng sẽ được tổ chức vào tháng 10 tại Seoul ; Thiết lập một đội thể thao chung, đặc biệt tại Thế vận hội 2020. Cùng nhau tìm kiếm tổ chức Thế vận hội vào năm 2032 trên lãnh thổ của cả hai miền Triều Tiên.

Ngoài ra, Kim Jong-un hứa sẽ đến thăm Seoul “càng sớm càng tốt”. Nếu cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra ở thủ đô Hàn Quốc, Kim Jong-un sẽ là lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đầu tiên trong lịch sử tồn tại của bán đảo kể từ chiến tranh 1950 -1953 đến thăm Seoul.

Trước khi kết thúc chuyến thăm Bình Nhưỡng, Tổng thống Hàn Quốc Moon

Jae-in cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cùng nhau dạo trên đỉnh “núi thiêng” Paektu. Đây là động thái mang tính biểu tượng sâu sắc bởi Paektu được xem như vùng đất tổ của người Triều Tiên. Kết thúc chuyến công du Bình Nhưỡng, Moon Jae-in đã mang về Seoul 2 tấn nấm thông quý hiếm - quà của nhà lãnh đạo Kim Jong-un dành cho các gia đình li tán sau chiến tranh Triều Tiên.

Bước đột phá trong quan hệ liên Triều

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 được đánh giá là thành công rực rỡ, là bước đột phá trong quan hệ liên Triều. Theo các nhà phân tích, dù không nói ra nhưng những thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên coi như động thái chấm dứt chiến tranh, hướng tới một hiệp ước hòa bình.

Trung Quốc hoan nghênh hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 và khẳng định, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tạo ra được “nền tảng chung mới và quan trọng” nhằm cải thiện quan hệ song phương, giảm căng thẳng quân sự. Nga đã ra tuyên bố ủng hộ các thỏa thuận mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3 ở Bình Nhưỡng. Moscow coi đây là các bước đi hiệu quả, mang tính đột phá hướng tới một giải pháp chính trị trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.

Các thỏa thuận giữa Kim Jong-un và Moon Jae-in đã mở đường cho cuộc đàm phán ba bên (Mỹ, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc) - Đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về vấn đề CHDCND Triều Tiên Lee Du Hung tuyên bố.

Quả thật như vậy. Sau cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hàng loạt các cuộc gặp khác liên quan đến vấn đề Triều Tiên sẽ diễn ra. Trước mắt, vào ngày 25/9, bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ tại New York, Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump sẽ có cuộc đàm đạo quan trọng. Khi ấy, Moon Jae-in sẽ nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng khẳng định cam kết hủy diệt hạt nhân, và bây giờ tất cả các bên quan tâm sẽ "đẩy nhanh các bước theo hướng này".

Với tuyên bố chung Bình Nhưỡng, Seoul và Bình Nhưỡng đã đá quả bóng có tên Triều Tiên sang phía Mỹ. Vậy quan điểm của Washington ra sao?

Phản ứng từ Mỹ có chiều hướng tích cực. Trên Twitter của mình, bình luận về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: "Kim Jong-un đã đồng ý cho phép thanh tra hạt nhân tham gia vào cuộc đàm phán cuối cùng để hủy bỏ hoàn toàn cơ sở thử nghiệm hạt nhân và bãi phóng tên lửa trong sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế. Sẽ không có vụ thử tên lửa hoặc hạt nhân”. Trao đổi với báo giới tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố sẽ sớm gặp gỡ với lãnh đạo của Triều Tiên và nhấn mạnh rằng mối quan hệ với Bình Nhưỡng đã được cải thiện kể từ khi ông nhậm chức.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng, Washington sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp với Bình Nhưỡng để loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân vào tháng 1/2021. Ông Pompeo đã mời Bộ trưởng Ngoại giao CHDCND Triều Tiên Lee Yong-ho đến New York vào tuần tới.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm của Kim đến Seoul sắp tới sẽ là một sự kiện lịch sử. Tất cả các cuộc gặp gỡ trước đây của người đứng đầu Hàn Quốc - Triều Tiên hoặc diễn ra ở Bàn Môn Điếm, hoặc ở Bình Nhưỡng. Chuyến thăm Seoul của Kim Jong-un dự kiến vào cuối năm nay sẽ đưa hai miền Triều Tiên bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ