Kỳ họp Thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI:

Điểm danh, chất vấn hàng loạt dự án chậm triển khai

GD&TĐ - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cụ thể, rõ ràng, đúng nội dung yêu cầu của kỳ họp.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu.

Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu.

Nhà máy xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên), dự án tiếp nước và cải tạo khu vực sông Tích (huyện Ba Vì), Nhà máy xử lý rác thải ở Núi Thoong (Chương Mỹ), dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ)… làm “nóng” phiên chất vấn, tái chất vấn trong khuôn khổ Kỳ họp Thứ 10 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, diễn ra ngày 9/12.

“Nóng” các dự án về môi trường

Đại biểu Nguyễn Thanh Nam cho biết, tại Kỳ họp Thứ 7, HĐND thành phố đã yêu cầu UBND thành phố có giải pháp việc chậm tiến độ của dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên). Đại biểu đề nghị cho biết kết quả rà soát và thành phố chỉ đạo giải quyết vấn đề này như thế nào để triển khai dự án theo quy hoạch và dự kiến thời gian hoàn thành?

Đại biểu Nguyễn Quang Thắng chất vấn về dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Núi Thoong (huyện Chương Mỹ). Vấn đề này cũng đã chất vấn tại Kỳ họp Thứ 7 và UBND Thành phố đã cam kết trong vòng một tháng sẽ chỉ đạo các ngành, các phương án báo cáo. Tuy nhiên đến nay chưa có phương án cụ thể.

Còn đại biểu Trần Khánh Hưng quan tâm đến tiến độ dự án tiếp nước, cải tạo khu vực sông Tích (huyện Ba Vì). Đây là dự án trọng điểm của Thành phố, được xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay cũng chưa hoàn thành?

Trả lời chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, đối với nhà máy xử lý rác thải Châu Can, thành phố đã họp ngừng dự án sau đó xem xét thủ tục chấm dứt.

Sở KH&ĐT TP Hà Nội hứa đến tháng 9/2022 báo cáo, do đó đề nghị Sở trong tuần tới trình chấm dứt dự án, thực hiện kêu gọi đầu tư hoặc thực hiện vốn từ ngân sách.

Về nhà máy xử lý rác thải ở Núi Thoong, trước đây thành phố quy hoạch được duyệt công suất 450 tấn, không đủ phát điện, nhà đầu tư đề nghị nâng cấp lên 2.000 tấn. Thành phố ủng hộ và yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục đầu tư phải chặt chẽ.

Đối với dự án tiếp nước, cải tạo khu vực sông Tích, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thời gian qua Thành ủy, HĐND thành phố đã thường xuyên chỉ đạo UBND thành phố có các cuộc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cũng như tháo gỡ các khó khăn.

Từ tháng 8/2022 đến nay, thành phố đã có 42 văn bản chỉ đạo tháo gỡ các mảng, các lĩnh vực; có 2 cuộc kiểm tra thực tế. Đồng thời, Giám đốc Sở NN&PTNT đã tổ chức 8 cuộc họp để trực tiếp tháo gỡ. Đến nay, khó khăn, vướng mắc cơ bản tháo gỡ xong, chỉ còn nhiệm vụ tập trung hoàn thiện thủ tục và đẩy nhanh tiến độ tại hiện trường.

Ông Quyền khẳng định sẽ thông nước sông Đà vào sông Tích trong năm 2022. Về một số công trình khác như cầu, cống phát sinh... sẽ tập trung giải quyết xong trong năm 2023.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp.

Đại biểu chất vấn tại kỳ họp.

“Trảm” dự án chây ỳ và chậm tiến độ

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Minh Tuân đặt câu hỏi xoay quanh tiến độ dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn Km 19+900 - Km 41+500 theo hình thức hợp đồng BT, được chất vấn tại Kỳ họp Thứ 7 của HĐND thành phố.

UBND Thành phố cam kết đến ngày 15/7/2022 sẽ chỉ đạo Thanh tra Thành phố rà soát tổng thể dự án và đến tháng 9/2022 sẽ quyết định các nội dung liên quan đến việc triển khai dự án.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn Km 19+900 - Km 41+500 theo hình thức hợp đồng BT, chuyển về TP Hà Nội có một thời gian khá dài.

Trên cơ sở có mâu thuẫn giữa chủ đầu tư là Tổng Công ty Công trình giao thông 5 (Cienco 5) và doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần địa ốc Cienco 5 Land, quá trình này gặp đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phán ánh để Thanh tra Chính phủ, cơ quan an ninh vào điều tra... nên ảnh hưởng đến tiến độ.

UBND thành phố đã giao cho Thanh tra Thành phố vào thanh tra dự án này. Đến ngày 24/8/2022, Thanh tra Thành phố đã có Văn bản số 3271 báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát tổng thể dự án. Trên cơ sở này thành phố đã chỉ đạo vấn đề về đất đai, giao thông.

UBND thành phố đề nghị trước ngày 30/11/2022 nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án có phương án thống nhất dựa trên cơ sở pháp lý để giải quyết vướng mắc và cam kết tiến độ thực hiện dự án đầu tư BT bảo đảm tuân thủ pháp luật và có tính kế thừa.

Ông Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, nếu nhà đầu tư và doanh nghiệp không đạt được thoả thuận tiến độ, không đảm bảo cam kết đầu tư thì thành phố sẽ thu hồi dự án. UBND thành phố đã chỉ đạo Sở KH&ĐT chủ trì, chuẩn bị sẵn phương án để dừng.

Với sự quyết liệt của UBND thành phố, mong mỏi của các huyện thì trước ngày 30/11/2022, Cienco 5 và Công ty Cienco 5 Land đã đạt được thoả thuận và cam kết triển khai dự án trước năm 2025.

Nhận định về phần chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, các đại biểu đặt câu hỏi chất vấn cụ thể, rõ ràng, đúng nội dung yêu cầu của kỳ họp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan cần khẩn trương rà soát để chỉ đạo khắc phục những bất cập này; thúc đẩy tiến độ dự án và kiên quyết xử lý những dự án cố tình chây ỳ và chậm tiến độ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.

Dự án Caraworld Cam Ranh Nha TrangCách Xây dựng nền tảng uy tín