Kỳ vọng dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua

GD&TĐ - Theo chương trình nghị sự, ngày 6/11 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.  

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được thông qua sẽ là đòn bẩy để cả hệ thống phát triển
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH được thông qua sẽ là đòn bẩy để cả hệ thống phát triển

Bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu bày tỏ tâm đắc về những điểm mới của dự thảo Luật, nhất là về cơ chế chính sách tự chủ đại học. Các đại biểu kỳ vọng, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Tự chủ đại học, xu hướng tất yếu

Từng được tham gia, góp ý và phản biện trong quá trình soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Hồ Thanh Bình – Đoàn An Giang trao đổi: Mặc dù còn một số ý kiến khác nhau, song dự thảo Luật đã được điều chỉnh khá tốt và hy vọng Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Hồ Thanh Bình phân tích, qua nhiều phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và thông qua các hội thảo khoa học, dự thảo Luật lần này đã được Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu, điều chỉnh và hoàn thiện khá tốt. Đặc biệt là các quy định về hội đồng trường, cơ chế tự chủ đại học, hoặc các vấn đề liên quan mô hình trường, vấn đề sử dụng tài sản của nhà trường… các nội dung này đã được Ban soạn thảo điều chỉnh theo chiều hướng tích cực, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội.

Theo đại biểu Hồ Thanh Bình, ông tâm đắc trước một số quy định của dự thảo Luật này, đó là: Dự thảo Luật vẫn có quy định về quy mô trường đại học, đại học vùng và vẫn giữ nguyên về đại học vùng, đại học quốc gia; đồng thời vẫn duy trì mô hình đại học và trường đại học.

 

Tự chủ là xu hướng tất yếu và không thể cưỡng lại được nữa. Đây cũng là xu hướng mà quốc tế đã và đang thực hiện. Nhà nước cần quan tâm tổng thể trên tinh thần là tạo ra động lực để phát triển và dần dần tạo ra năng lực để các trường tự chủ. Về mặt nguyên lý, để phát triển thì cần tạo ra sự cạnh tranh. Mặc dù có những khó khăn nhưng đó chính là xu hướng để tạo ra năng lượng thực sự cho các trường trong quá trình phát triển.

 
Đại biểu Hồ Thanh Bình

Ngoài ra, chính sách về tự chủ đại học đã được xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng trong dự thảo Luật lần này. Trong đó, có các quy định về tự chủ học thuật, tài chính, nhân sự… đã được quy định khá chi tiết, rõ ràng và tường minh. “Đây là những điểm tôi khá thích thú. Nếu dự thảo Luật được thông qua sẽ tạo cơ hội cho các trường đại học phát triển và tháo gỡ được nhiều “điểm nghẽn” về tự chủ đại học. Tuy nhiên cơ chế, chính sách đã tốt rồi, vấn đề còn lại là vận dụng, triển khai vào thực tiễn như thế nào. Mong rằng sẽ có sự đồng bộ từ chủ trương cho đến hiện thực” - đại biểu Hồ Thanh Bình chia sẻ.

Cũng theo đại biểu Hồ Thanh Bình, ngoài những yếu tố nêu trên, một trong những điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đó là: Nhà nước không “bao cấp” kinh phí hoạt động cho các trường, mà sẽ chuyển sang cơ chế đầu tư theo đặt hàng, đầu tư theo nhu cầu xã hội. Cơ chế này sẽ tạo ra sức cạnh tranh giữa các trường đại học để có được nguồn đầu tư của Nhà nước. Đồng thời phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào “bao cấp” của Nhà nước”.

“Qua nghiên cứu, tôi được biết, trên thế giới có nhiều nước đang thực hiện theo phương thức này. Nhà nước cấp kinh phí, các trường phải cạnh tranh thông qua đấu thầu để có được nguồn tài chính đó. Theo đó, các trường sẽ phải chủ động xây dựng nguồn lực đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh với các trường khác”- đại biểu Hồ Thanh Bình nhấn mạnh.

Cô và trò trên giảng đường Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội
  • Cô và trò trên giảng đường Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội

Tạo ra đột pha trong tư duy và hành động

Đồng tình với chính sách tự chủ đại học được đề xuất trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Vũ Trọng Kim – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phân tích: Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện cơ chế tự chủ sâu rộng đến các cơ sở giáo dục đại học. Chúng ta phải mở rộng thể chế quản lý hành chính và quản lý về mặt kinh tế, để các trường tự quyết định chiến lược phát triển của mình, từ đó định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sinh viên; quan điểm là: Lấy sinh viên làm trung tâm để xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường.

“Trên tinh thần ấy, bộ máy lãnh đạo nhà trường phải đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động nhưng không được chệch hướng và trái với quy định của Nhà nước. Khi quyền tự chủ được phát huy, từng cá nhân, từng tập thể của nhà trường sẽ phải vận động, đổi mới sáng tạo để đào tạo cho xã hội một lực lượng lao động đáp ứng ngay yêu cầu của sản xuất, yêu cầu của công việc, đó mới là điều quan trọng” - đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.

Tự chủ đại học sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn trong các cơ sở đào tạo
 Tự chủ đại học sẽ tạo ra sự cạnh tranh lớn trong các cơ sở đào tạo

Cũng theo đại biểu Vũ Trọng Kim, một trong những nội dung quan trọng của tự chủ đại học đó là, các trường phải tự chủ về tài chính. Đây là yêu cầu bắt buộc và phải được thực hiện từ cơ sở. Đã đến lúc không nên tồn tại cơ chế “bao cấp” như hiện nay. Tất nhiên, tự chủ tài chính không có nghĩa là Nhà nước sẽ không còn đầu tư kinh phí nữa, mà sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu “đặt hàng”. Tức là để có được nguồn kinh phí của Nhà nước thì các trường phải cạnh tranh thực sự.

“Như vậy, có thể nói cơ chế tự chủ sẽ tạo ra sức cạnh tranh lớn cho các trường đại học. Đồng thời tạo ra điểm mới có tính đột phá trong tư duy, sáng tạo và hành động của ban lãnh đạo. Nếu ban lãnh đạo nhà trường có chiến lược tốt sẽ giúp nhà trường phát triển và sẽ thu hút đông đảo sinh viên giỏi vào trường. Và sau khi ra trường, các em có việc làm ngay, được thị trường tiếp nhập và không phải đào tạo lại” - đại biểu Vũ Trọng Kim trao đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ