Ký ức hãi hùng của những lao động trốn chạy khỏi casino ở Campuchia

GD&TĐ - Một số lao động trốn thoát khỏi casino ở Campuchia cho biết đến thời điểm hiện tại, họ không thể tin được rằng bản thân trở về được Việt Nam.

Những lao động tháo chạy khỏi casino ở Campuchia được chăm sóc ở Việt Nam.
Những lao động tháo chạy khỏi casino ở Campuchia được chăm sóc ở Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc 42 công dân Việt Nam bỏ trốn khỏi sòng bài thuộc ấp Chrey Thum (xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia) bơi qua sông Bình Di (An Giang) để về nước, anh L.Đ. H. (cư trú tỉnh Gia Lai) kể rằng bản thân vẫn chưa thể tin được rằng mình đã về được Việt Nam sau 4 tháng bị bóc lột sức lao động tại các casino ở Campuchia.

Theo anh H., bản thân anh cùng nhiều người khác chấp nhận vượt biên trái phép sang Campuchia với ước mơ về một công việc ổn định lương cao. Tuy nhiên, chẳng có việc nhẹ, không có lương cao mà thực chất nạn nhân bị đưa vào các đường dây thực hiện hành vi lừa đảo, mỗi ngày làm việc 15 giờ, hoặc bị bán vào các sòng bài, bị đánh đập, tra tấn đòi tiền chuộc nếu muốn trở về Việt Nam.

Anh H kể bản thân làm việc tại các casino ở Campuchia được 4 tháng. Công việc hằng ngày của anh là lên các trang mạng thực hiện các hành vi lừa đảo. Giới chủ cho anh chỉ tiêu ví dụ trong vòng 5 ngày phải tìm được 2 khách và 10 đến 15 triệu. Những ai không làm được thì sẽ bị đưa vào danh sách đen. 5 ngày tiếp theo mà không đạt chỉ tiêu thì sẽ bị chích điện và nếu 5 ngày sau vẫn không tìm được khách nào thì sẽ bị đem đi bán. Anh H. cho biết bản thân anh đã bị 2 lần chích điện với thủ đoạn rất manh động đó là 3 thanh niên còng anh H. vào một cái ghế, giữ chặt không cho anh cử động và bắt đầu chích điện.

Giống như anh H., anh N.Q.T. (cư trú huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết anh và những lao động người Việt khác bị chèn ép rất nhiều. Tháng lương đầu, anh T. được hơn 500 USD nhưng những tháng sau thì bị trừ dần, trừ vì không đạt chỉ tiêu, doanh thu… và giới chủ đánh những lao động người Việt Nam ngay tại phòng làm việc.

Nhóm người lao động Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở Campuchia.

Nhóm người lao động Việt Nam tháo chạy khỏi casino ở Campuchia.

Trước đó, vào khoảng 9h45’ ngày 18/8, Chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 số 21 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình đóng tại khóm Tân Khánh (thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang) phát hiện, bắt giữ 40 người trên từ casino Rich World (thuộc ấp Chrey Thum, xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Vương quốc Campuchia) bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép về Việt Nam.

Sau khi sự việc xảy ra, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình đã phối hợp với Công an huyện An Phú tiến hành lấy lời khai các những người này (chủ yếu đến từ các tỉnh Miền bắc, Miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ).

Qua khai thác nhanh, những người này khai nhận phần lớn họ đều xuất cảnh trái phép ở khu vực biên giới các tỉnh phía Nam.

Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino Rich World. Một số khác trước đó đã làm việc tại các Casino ở phía Campuchia do người Trung Quốc quản lý ở đối diện các tỉnh Tây Ninh, Long An. Sau đó, họ được chuyển về casino Rich World làm việc.

Hàng ngày, những người này làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino người Trung Quốc.

Do làm việc quá thời gian quy định (không được nghỉ ngơi) và không được trả lương nên nhóm người này đã thống nhất và bàn bạc với nhau để tìm cách vượt biên giới về Việt Nam.

Đến khoảng 9h ngày 18/8, nhóm người này đã tập trung tại 1 địa điểm (đã thống nhất từ trước) sau đó, chờ sơ hở của bảo vệ đồng loạt chạy ra cổng casino và bơi qua sông Bình Di để nhập cảnh vào Việt Nam.

Sau khi nhảy xuống sông Bình Di để bơi về Việt Nam, cả nhóm có 1 người bị mất tích và 1 người bị bảo vệ của casino Rich World bắt giữ trở lại.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 20/8, thông tin từ Công an tỉnh An Giang cho biết đơn vị này đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 2 đối tượng để điều tra về hành vi Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Danh tính các đối tượng gồm: Nguyễn Thị Lệ (SN 1980) và Lê Văn Danh (SN 1988, cùng trú tại thị trấn Long Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Theo cơ quan chức năng, sau thời gian tích cực điều tra, cơ quan chức năng xác định Lệ cùng Danh đã đưa trót lọt 6 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia trước đó.

Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh có hành vi đưa người xuất cảnh sang Campuchia trái phép.

Nguyễn Thị Lệ và Lê Văn Danh có hành vi đưa người xuất cảnh sang Campuchia trái phép.

Tại cơ quan công an, bước đầu Lệ khai nhận từ khoảng tháng 5/2022, Lệ được một người đàn ông không rõ lai lịch lôi kéo tham gia đưa người xuất cảnh trái phép từ Việt Nam qua Campuchia và được Lệ đồng ý.

Sau đó, Lệ và Danh cùng tham gia đưa khách xuất cảnh chở đến bến sông bờ phía Việt Nam để đưa sang Campuchia. Theo thoả thuận, khi đưa khách trót lọt qua Campuchia, Lệ và Danh được trả công 100.000 đồng/khách.

Ngoài việc đưa 6 người khách trên xuất cảnh trái phép qua Campuchia, Lệ còn thừa nhận cùng Danh đưa trót lọt nhiều lần, nhiều đối tượng xuất cảnh trái phép qua Campuchia với mục đích làm việc tại Casino.

Hiện vụ việc đang được lực lượng An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý nghiêm trước pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.