Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tiếp thực hiện 4 cuộc phẫu thuật, giành lại sự sống cho cháu bé sơ sinh bị đa dị tật bẩm sinh với cơ hội sống chỉ còn 1%.
Dị tật bẩm sinh quái ác
Những ngày qua, niềm vui đã trở lại trong mái ấm của gia đình chị N.T.H. (SN 1984), trú tại Yên Thành, Nghệ An. Nhớ lại cách đây vài tháng, chị H. vẫn chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến đứa con mới lọt lòng của mình phải trải qua 4 cuộc phẫu thuật để giành lại sự sống.
Nhờ tay nghề cao và sự tận tâm của các y, bác sĩ, bé N.Đ.L. đã kiên cường chống lại bệnh tật dù cơ hội sống khi vừa cất tiếng khóc chào đời của em chỉ vỏn vẹn 1%.
Sản phụ H. chia sẻ, khi mang bầu ở tháng thứ 7, thai nhi trong bụng chị đã có biểu hiện bất thường. Thời kỳ cuối của quá trình mang thai, từng cú huých, cuộn mình của em bé khiến chị H. bồn chồn không yên khi nghĩ tới tính mạng sinh linh bé nhỏ trong bụng sẽ chào đời đang bị đe dọa.
Từ huyện Yên Thành, chị H. được gia đình đưa tới Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An với tâm thế sẵn sàng cứu con ngay khi rời dạ mẹ. Khoảng 3 giờ 30 phút sáng 12/3, sản phụ N.T.H. vượt cạn sinh thường lần thứ 4, bé sinh ra nặng 2,5kg.
Vừa mới chào đời, bé N.Đ.L. liền xuất hiện triệu chứng liên tục nôn ra dịch trong. Ngay sau đó, trẻ được chuyển đến Khoa Sơ sinh để theo dõi, điều trị. Tại đây, qua thăm khám lâm sàng, cận lâm sàng, các bác sĩ phát hiện trẻ bị mắc đồng thời nhiều dị tật bẩm sinh như: “Hẹp eo động mạch chủ”, “teo thực quản” và “tắc tá tràng”. Với những dị tật này, trẻ có nguy cơ tử vong rất cao.
“Khi bác sĩ tư vấn về những cuộc phẫu thuật cấp cứu thì mới có thể có hy vọng cho sự sống của con, tôi đã hoang mang tột độ. 1% sự sống, khác nào cái chết đã cận kề đến với con. Tôi đau đớn không kể xiết khi nhìn con thoi thóp thở mà ngỡ như đã chắc chắn tử vong rồi”, sản phụ N.T.H. nhớ lại khoảnh khắc sinh tử của người con mới chào đời.
Bên cạnh những lời động viên của bác sĩ và gia đình, cũng có một vài ý kiến góp ý từ người thân rằng chị H. hãy để con yên nghỉ, đừng đặt dao mổ lên người con nữa. Nhưng tình thương của người mẹ không cho phép chị H. đầu hàng số phận. Người phụ nữ này đã tin tưởng giao phó tính mạng con, cùng niềm hy vọng mong manh nhất cho các y, bác sĩ.
Giành giật sự sống
Các bác sĩ phẫu thuật dị tật bẩm sinh cho cháu N.Đ.L. Ảnh. BVCC |
Ngày 13/3, đánh dấu cho cuộc “chạy đua” trên bàn mổ để giành lại sự sống cho bệnh nhi 1 ngày tuổi. Một mặt, các bác sĩ phải gấp rút chuẩn bị cho ca phẫu thuật xử lý hẹp eo động mạch chủ nặng, kết hợp xử lý teo thực quản.
Đồng thời, Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội của bệnh viện cũng gấp rút chuẩn bị hồ sơ, liên hệ mạnh thường quân, xin hỗ trợ chi phí điều trị gấp để gia đình và ê-kíp phẫu thuật hồi sức sẵn sàng những điều kiện tốt nhất cứu trẻ.
Dẫu biết rằng, việc thực hiện 2 phẫu thuật lớn ngay trong 1 buổi là điều vô cùng nặng nề với một cơ thể yếu ớt. Nhưng đứng giữa tình thế sinh tử, nếu không triển khai xử lý 2 dị tật này, bé sẽ không thể sống. Đây cũng chính là động lực để ê-kíp phẫu thuật Ngoại khoa và Gây mê hồi sức phải mạnh dạn thực hiện ca mổ kỹ thuật rất cao này.
Những ngày hồi sức sau mổ, từng phút giây giao ban tại bệnh viện là những khoảnh khắc “căng não”. Trẻ rơi vào các tình trạng nặng như rối loạn toan kiềm và điện giải nặng, rối loạn đông máu, ứ khí C02 nặng, duy trì nhiều loại vận mạch phức tạp.
Có thời điểm trẻ không đáp ứng máy thở. Đêm dài các y bác sĩ Khoa Hồi sức Ngoại khoa phải thức trắng để bóp bóng bằng tay, duy trì nhịp thở cho trẻ. Từng phút, từng giây đều được nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ và điều chỉnh phác đồ liên tục theo diễn biến phức tạp của trẻ.
Ngày 20/3, trẻ phải tiến hành ca mổ lần 2 để xử lý dị tật tắc tá tràng. Đây là ca phẫu thuật bắt buộc phải thực hiện để trẻ có thể tiêu hóa. Đến ngày 23/3, một lần nữa, bé L. lại phải lên bàn phẫu thuật để đặt dẫn lưu xử lý vấn đề tràn khí, tràn dịch màng phổi.
Được nhận định là ca bệnh đa dị tật khó nhất từ trước nay từng gặp, chuyên khoa Ngoại - Gây mê - Hồi sức tích cực Ngoại – Hồi sức Sơ sinh thường xuyên hội chẩn và xin ý kiến từ ban lãnh đạo bệnh viện và chuyên gia tuyến trên. Từng bước điều trị đầy cẩn trọng, dần dần, bé qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Việc tập ăn độc lập cho em bé khi đã qua được giai đoạn nguy kịch cũng là bài toán không hề dễ. Với quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn, bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ, các bác sĩ đã tiến hành cho bé ăn sữa mẹ qua sonde, song song nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Những giọt sữa ngọt lành từ tình mẫu tử, cùng nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ, và sức sống diệu kỳ của chính bản thân em bé đã tạo nên “kỳ tích”. Sau 20 ngày chào đời, bé đã có thể ghép mẹ, ấp kangaroo và dần dần tự tìm vú bú mẹ, sức khỏe phục hồi tốt.
Bác sĩ Tạ Quỳnh Anh - Trưởng khoa Hồi sức Ngoại khoa, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An - cho biết, trường hợp trẻ chỉ cần mắc 1 trong 3 dị tật là hẹp eo động mạch chủ nặng, teo thực quản, tắc tá tràng cũng đủ đe dọa tính mạng của trẻ. Trong khi đó, trường hợp bé L. bị cả 3 dị tật, thì mức độ nguy hiểm của ca bệnh lại càng cao.
“Sự sống của bé là kỳ tích, quả ngọt cho tinh thần sẵn sàng chuyển mổ cứu bé ngay từ khi chào đời. Đây cũng là thành quả của sự phối hợp đa chuyên khoa và quyết tâm cứu bé đến cùng của y, bác sĩ bệnh viện”, bác sĩ Tạ Quỳnh Anh chia sẻ.