Kỳ tích của nữ sinh phố núi

GD&TĐ - Gia cảnh nghèo khó nhưng cựu nữ sinh Trường THPT Chu Văn An, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã nỗ lực để nhận học bổng toàn phần tại Nhật Bản.

Trần Thị Hoài Phương, nhân viên an ninh Sân bay quốc tế Narita - Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Trần Thị Hoài Phương, nhân viên an ninh Sân bay quốc tế Narita - Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Sau quá trình học tập, em đã trở thành nhân viên an ninh sân bay quốc tế Narita.

Vượt lên nghịch cảnh

Trần Thị Hoài Phương sinh năm 1995, quê gốc tỉnh Bình Định nhưng sinh ra và lớn lên tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Hành trình học tập và nỗ lực vượt khó “bay xa” của Phương khiến nhiều người nể phục. Em đã trở thành tấm gương, động lực cho nhiều học trò nghèo Tây Nguyên học hỏi, vươn lên trong cuộc sống.

Hoài Phương là con út trong gia đình 3 anh chị em. Hoàn cảnh khó khăn, cả nhà Phương phải ở trọ, mẹ buôn bán hàng rong tại chợ Buôn Ma Thuột nuôi các con ăn học. “Mẹ bán hàng lặt vặt từ rau củ tới quả trứng gà, trứng vịt… từ sáng tới tối mịt. Không có tiền đăng ký chỗ ngồi cố định, mỗi khi trật tự kiểm tra mẹ lại đẩy xe hàng tránh kiểm soát. Mỗi lần chứng kiến cảnh mẹ tất tả, ngược xuôi… em xót xa, thương mẹ vô cùng. Hoàn cảnh khó khăn càng trở thành động lực để em quyết tâm học tốt, sau này có công việc ổn định giúp đỡ mẹ…”, Hoài Phương xúc động chia sẻ.

Nói về nghị lực của con gái, cô Võ Thị Ái Mỹ (sinh năm 1965) đầy tự hào: “Phương là con út nhưng luôn tự lập và nghị lực. Nếu đã đặt ra kế hoạch, con quyết tâm thực hiện bằng được. Từ khi vào lớp 1, Phương được cử làm lớp trưởng và làm liên tục đến hết THPT. Gia đình khó khăn nhưng Phương không vì thế bị tác động tinh thần, ngoài thời gian phụ mẹ buôn bán, con luôn tự giác học tập…”.

Mẹ Phương cho biết thêm, vào lớp 6, cứ tan học Phương lại đạp xe phụ mẹ bán hàng. Lên lớp 10, em xin làm bưng bê, quét dọn, lau rửa bát đũa… ở quán ăn, hàng cà phê để lấy tiền đóng học phí. Các khoản tiền làm thêm, Phương đều dành dụm mua sách vở, trang trải học tập cho bản thân, gánh đỡ một phần kinh tế cho mẹ. Chiếc xe đạp vừa trở Phương tới trường, vừa giúp em tham gia lao động kiếm sống… không phải do gia đình tự sắm. Cô giáo chủ nhiệm lớp 7 khi chứng kiến vất vả của Phương đã xin giúp để em có điều kiện vừa làm, vừa học.

Nhớ lại những gian khổ con gái đã vượt qua, chị Võ Thị Ái Mỹ trào nước mắt, chia sẻ: Khi đạt thành tích xuất sắc, được viết lên báo Nhật Bản, Phương đã kể về kỉ niệm hồi nhỏ được mẹ cho ăn những quả trứng xấu, vỡ (không ai mua, ế hàng). Không thể ngờ rằng, ngày bé Phương đã thấm hiểu vất vả, nhọc nhằn của mẹ nên chẳng bao giờ đòi hỏi. Phương lặng thầm chấp nhận và cố gắng học tốt, phụ mẹ kiếm sống qua ngày…

Biết hoàn cảnh của Phương, cảm mến cô học trò ngoan ngoãn, học giỏi, các thầy cô Trường THPT Chu Văn An luôn quan tâm, tận tình giúp đỡ và “chắp cánh” cho em trong học tập. Có thầy cô sẵn sàng dạy miễn phí cho Phương khi cần học nâng cao. Cô chủ nhiệm Trần Thị Thu Hằng lại kỳ công xin bằng được suất học bổng 10 triệu đồng từ Chương trình “Nâng cánh ước mơ” của Đài phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk cho Phương. Với học bổng này, Phương đã hoàn thiện khoá học tiếng Nhật trước khi đi du học…

“Cô chủ nhiệm Trần Thị Thu Hằng (môn Sử), thầy Đào Văn Chỉnh (môn Văn), thầy Nguyễn Đạt Thành (nguyên Bí thư Đoàn trường) – là những người đã dìu dắt, tạo động lực, dành cho em điểm tựa cả tinh thần lẫn vật chất... giúp em có ngày hôm nay”, Hoài Phương xúc động nói.

Thầy Đào Văn Chỉnh và mẹ của Hoài Phương trò chuyện với phóng viên Báo GD&ĐT. Ảnh: Thành Tâm

Thầy Đào Văn Chỉnh và mẹ của Hoài Phương trò chuyện với phóng viên Báo GD&ĐT. Ảnh: Thành Tâm

Con ngoan, trò giỏi

Bảo lưu kết quả đại học ở Việt Nam, Trần Thị Hoài Phương sang xứ người tìm cơ hội phát triển bản thân. Cuộc sống và hành trình học tập của lưu học sinh khó khăn như Phương chẳng hề dễ dàng. Hằng ngày em phải dậy sớm để đi phát báo. Đây là nghề có thu nhập không thấp (tương đương 20 - 22 triệu đồng tại Việt Nam), nhưng ít thanh niên Nhật nhận làm bởi sự vất vả. Chủ yếu người lớn tuổi và lưu học sinh nước ngoài vì mưu sinh cuộc sống mới làm.

“Tại Nhật, hầu hết các gia đình đều đặt báo giấy. Ra khỏi nhà đi làm, đi học… mọi người đều mang theo báo. Vì thế, người phát báo phải dậy sớm, di chuyển nhiều trong khoảng thời gian có hạn để kịp giao báo cho mọi người trước khi rời khỏi nhà. Vào mùa tuyết rơi, đôi lần em đã bị tuyết lở đè trúng, phải nhập viện…”, Phương kể.

Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, một số hãng hàng không phá sản, Phương phải xin đi bán ô tô, làm thêm nhiều việc để có chi phí tiếp tục học tập, chờ cơ hội thực hiện ước mơ. “Em học được đức tính cần cù, chăm chỉ học tập và làm việc của người Nhật. Nên khi chưa đạt được mong ước, em cố gắng vừa làm vừa học để tích lũy kỹ năng tiếng Anh và kiến thức về hàng không. Khi có cơ hội, em tham gia thi tuyển và đã đạt được mơ ước trở thành nhân viên an ninh tại sân bay quốc tế Narita”, Phương chia sẻ.

Tại Nhật, dù vừa lao động kiếm sống vừa học tập nhưng Phương vẫn xếp hạng Nhất trong vòng 1,5 năm/2 năm học ở Trường tiếng Nhật. Đạt giải khán giả yêu thích nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật dành cho sinh viên nước ngoài từ các đại học tỉnh Gunma...

Nói về cô học trò giỏi Văn, thầy Đào Văn Chỉnh, Trường THPT Chu Văn An (TP Buôn Ma Thuột) nhận xét: Hoài Phương có nghị lực phi thường khi vượt lên hoàn cảnh để duy trì thành tích học tập xuất sắc. “Em luôn thể hiện khát vọng, ước mơ và quyết tâm đạt thành tích cao ở các kỳ thi. Sự nỗ lực của Phương không chỉ được chứng minh bằng thành tích học tập trong nước mà ngay cả khi học tập, làm việc tại Nhật Bản…”.

Cũng theo thầy Chỉnh, không chỉ giỏi giang, Phương còn là cô gái hiếu thảo. Em luôn nghĩ đến mẹ và gia đình để nỗ lực hơn mỗi ngày. Em tiết kiệm từng đồng học bổng và tiền lương để gửi về giúp mẹ. Từ sự hỗ trợ của Phương, mẹ em đã mua được miếng đất ven thành phố để ổn định cuộc sống cả gia đình, bớt đi những vất vả mưu sinh hàng ngày…

Hiện Phương có thu nhập ổn định nhưng em vẫn nỗ lực học cả tiếng Anh nhằm nâng cao kiến thức và kiếm cơ hội để phát triển bản thân. Phương chia sẻ: “Khi có điều kiện, em sẽ giúp đỡ các bạn học sinh khó khăn ở Tây Nguyên sang Nhật du học và lao động. Biết đâu sự hỗ trợ của em có thể giúp các bạn thay đổi, ổn định cuộc sống trong tương lai…”.

Cựu nữ sinh Trường THPT Chu Văn An có 1 bảng thành tích học tập đáng nể. 12 năm học phổ thông em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi; Đạt giải Nhì học sinh giỏi cấp thành phố môn Ngữ văn lớp 9; giải Nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh lớp 12; Là thành viên đội tuyển học sinh giỏi quốc gia tỉnh Đắk Lắk; Đỗ Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM, khoa Báo chí với 25 điểm. Đặc biệt, Phương còn nhận được học bổng toàn phần của Báo Asahi (Nhật Bản). Đỗ đại học công lập hàng đầu tỉnh Gunma - Đại học Kinh tế Takasaki.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.