Kỹ thuật ngủ thúc đẩy khả năng sáng tạo

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu cho rằng, kỹ thuật ngủ mô tả bởi nghệ sĩ siêu thực Salvador Dalí và nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison có thể thực sự có tác dụng truyền cảm hứng sáng tạo.

Kỹ thuật ngủ thúc đẩy khả năng sáng tạo

Để sử dụng kỹ thuật này, những người có tầm nhìn xa như Salvador Dalí và Edison thường cầm một đồ vật, chẳng hạn như một cái thìa hoặc một quả bóng trong tay khi đi ngủ. Khi họ chìm vào giấc ngủ, đồ vật này sẽ trượt khỏi tay và rơi xuống, tạo nên tiếng ồn và đánh thức họ. Sau một vài phút gần chìm vào giấc mộng sâu, họ đã sẵn sàng để bắt đầu công việc.

Giai đoạn ngủ ban đầu này được gọi là trạng thái hypnagogia (nửa tỉnh nửa mê) hoặc N1, chỉ kéo dài vài phút trước khi bạn chìm vào giấc ngủ sâu hơn, theo nghiên cứu được công bố. Tác giả cấp cao Delphine Oudiette, một nhà nghiên cứu về giấc ngủ tại Viện Não Paris cho biết, con người dành khoảng 5% thời gian của giấc ngủ đêm trong trạng thái N1, nhưng giai đoạn này vẫn chưa được nghiên cứu sâu.

Được truyền cảm hứng bởi những bộ óc vĩ đại sử dụng kỹ thuật này, Delphine Oudiette và nhóm của cô đã bắt đầu thử nghiệm xem liệu phương pháp ngủ của Salvador Dalí có thực sự hiệu quả với những người bình thường hay không. Họ đã tuyển chọn 103 người tham gia khỏe mạnh có khả năng đi vào giấc ngủ dễ dàng.

Các nhà nghiên cứu trình bày cho nhóm người tham gia một bài toán trong đó họ phải đoán chữ số cuối cùng trong một dãy số và cung cấp hai quy tắc mà họ có thể áp dụng từng bước để tìm ra kết quả. Nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa vào một “quy tắc ẩn” rằng chữ số thứ tám luôn là chữ số thứ hai trong dãy số.

Trong phần đầu của thử nghiệm, những người tham gia được yêu cầu giải 10 bài toán bằng cách sử dụng hai quy tắc. Sau đó họ được nghỉ 20 phút. Khi giai đoạn nghỉ của thí nghiệm kết thúc, các nhà nghiên cứu yêu cầu những người tham gia giải nhiều bài toán hơn.

Họ ghi lại xem liệu những người tham gia có “cái nhìn sâu sắc” hơn - tức họ bắt đầu giải các bài toán nhanh hơn đáng kể hoặc họ nói thẳng ra là đã tìm ra quy tắc ẩn – sau thời gian nghỉ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người dành ít nhất 15 giây trong giai đoạn N1 có 83% cơ hội phát hiện ra quy tắc ẩn, trong khi tỉ lệ này chỉ là 30% đối với nhóm người còn tỉnh táo.

Nghiên cứu bổ sung bằng chứng thiết yếu về “tầm quan trọng của trạng thái nửa tỉnh nửa mơ”, theo Robert Stickgold, Giáo sư Tâm thần học tại Trường Y Harvard và là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Giấc ngủ và Nhận thức tại Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess ở Boston.

Nhưng điều “đáng ngạc nhiên nhất” là bạn phải thức dậy và quay lại công việc ngay lập tức chứ không để bản thân ngủ sâu hơn để cảm thấy sự nâng cao về nhận thức này, GS Robert Stickgold nói với Live Science.

Không rõ tại sao giai đoạn ngủ N1 lại thúc đẩy khả năng sáng tạo, nhưng vì đó là trạng thái nửa tỉnh táo trong đó bạn mất kiểm soát một số suy nghĩ của mình nhưng vẫn còn nhận thức được phần nào, nó có thể là trạng thái lý tưởng nơi bạn có nhận thức lỏng lẻo và các liên tưởng kỳ lạ. Trong giai đoạn này, khả năng nắm bắt khi bạn có được một ý tưởng tốt cũng cao hơn.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khoảng một phần ba số giấc mơ được kể lại có liên quan đến những bài toán, nhưng họ không tìm thấy mối liên hệ giữa chúng và sự gia tăng về tính sáng tạo. Các nhà nghiên cứu hiện hy vọng thử nghiệm tác động của giấc ngủ N1 đối với các loại nhiệm vụ sáng tạo khác nhau, có lẽ ở một số loại có ứng dụng thực tế hơn.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.