Kỹ thuật dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh

GD&TĐ - Dưới đây là chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Thanh Vân (Trường THPT Trần Khai Nguyên - TP Hồ Chí Minh) về một số kỹ thuật dạy học môn Lịch sử nhằm phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh.

Kỹ thuật dạy học Lịch sử theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh

Kỹ thuật “Chia nhóm, làm việc nhóm”

Chia nhóm theo sở thích, cung hoàng đạo
Chia nhóm theo sở thích, cung hoàng đạo 

Việc phân chia nhóm học sinh: Giáo viên cần tuân theo đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi – nhận thức của học sinh, vừa phụ thuộc vào nhiệm vụ học tập học sinh cần phải giải quyết. Chú ý số lượng, sở thích, thành viên tổ, hoặc có thể chia theo cung hoàng đạo.

Trong nhóm phải có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên, phải cùng hợp tác, trao đổi giải quyết nhiệm vụ chung của nhóm. Học sinh phải trực tiếp tham gia các hoạt động, giải quyết các nhiệm vụ học tập được đặt ra cho mỗi nhóm.

Giáo viên là người thiết kế các nhiệm vụ học tập và đưa ra các hoạt động cụ thể cho từng nhóm. Lưu ý: giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn không phải là người đưa ra kiến thức, tìm ra kiến thức, là người tổ chức và đạo diễn.

Học sinh phải tích cực, chủ động, sáng tạo của hoạt động học tập, qua đó có thể rút ra các tri thức, kiến thức cần thiết cho mình và rèn được những kỹ năng đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp dạy và học.

Kĩ thuật phòng tranh

Kĩ thuật này sử dụng cho hoạt động cá nhân hoặc sau khi cùng hoạt động nhóm cho ra sản phẩm sơ đồ tư duy. Mỗi thành viên (hoạt động cá nhân) hoặc các nhóm (hoạt động nhóm) sau khi phác hoạ những ý tưởng về cách giải quyết vấn đề trên một tờ bìa và dán lên tường xung quanh lớp học như một triển lãm tranh. Học sinh cả lớp đi xem "triển lãm" và có thể có ý kiến bình luận hoặc bổ sung.

Phương pháp nhận thức lịch sử

Là phương pháp đòi hỏi tính tư duy cao hơn, trên cơ sở thông tin, học sinh rút ra được vấn đề. Phương pháp này còn giúp học sinh khái quát hóa, hệ thống kiến thức đã học để rút ra bài học, quy luật lịch sử và thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức tư tưởng cho học sinh.

Trong năm học 2016 – 2017 này, tôi được nhà trường phân công dạy lịch sử khối 10, 11, 12. Tôi đã áp dụng thực hiện các bài học phần lịch sử thế giới và phần lịch sử Việt Nam.

Ví dụ: Môn học Lịch sử 11, một nội dung thường cô đọng trong thời gian 4 tiết. Sau 4 tiết học sinh phải nắm được những nội dung, kiến thức một cách logic và có hệ thống về tình hình chung của các nước Châu Á, Phi, Mỹ Latinh, quá trình xâm lược của thực dân Pháp từ 1858 đến 1884….

Ngoài các phương pháp nêu trên, tôi đã sử dụng kết hợp nhiều phương pháp như đàm thoại, nêu vấn đề, thảo luận nhóm, tự nghiên tài liệu nhật ký đọc và kỹ thuật các mảnh ghép.

Có thể nói, Lịch sử là những sự việc đã diễn ra, có thật và tồn tại khách quan trong quá khứ. Vì vậy không thể phán đoán, suy luận hay tưởng tượng để nhận thức lịch sử, mà cần phải thông qua những "dấu tích" của quá khứ, những chứng cứ về sự tồn tại của các sự việc đã diễn ra.

Cho nên việc tất yếu không thể không tiến hành là cho học sinh tiếp nhận thông tin từ sử liệu bằng nhiều hình thức khác nhau. Để nắm bắt kiến thức, học sinh không được chọn cách học tập thụ động, chỉ dựa vào kiến thức do giáo viên truyền đạt, rồi học thuộc mà cần phải có sự liên hệ kiến thức với nhau vì vậy mà cần phải sử dụng cách học tích cực thông qua nhiều hình thức khác nhau thì mới hình thành cho bản thân được tư duy logic, hệ thống và việc học sẽ hiệu quả hơn.

Bài viết được biên tập, lược ghi từ báo cáo chuyên đề "Một số kinh nghiệm về kỹ thuật dạy học Lịch sử nhằm hình thành và phát triển năng lực học sinh" của cô Phạm Thị Thanh Vân - giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP Hồ Chí Minh) tại Hội thi "Cô giáo tài năng duyên dáng" toàn quốc năm 2017.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ