Điều kỳ lạ, “chiến lợi phẩm” trộm được không phải là tiền, đồ vật có giá trị mà là thịt lợn rừng hoặc hành, tỏi. Lại nữa, nếu tên trộm đó bị bắt thì coi như phải phạt vạ uống rượu với chủ nhà cả đêm…
Cả bản đi ăn trộm!
Từ trung tâm huyện Phong Thổ, chúng tôi men theo con đường độc đạo, một bên là vách núi, một bên là vực sâu đến Sì Lờ Lầu - xã ở nơi cao nhất, xa nhất của huyện vùng cao này. Nếu tính từ TP.Lai Châu, chúng tôi sẽ phải qua cả thảy 12 con dốc tương đương với 12 tầng núi mới đến được nơi đây. Vì là đỉnh của 12 tầng dốc nên hoa đào nơi đây thường nở từ rất sớm. Khoảng tháng Mười Một hoa đào đã nở, để rồi khi trái đã đơm, quả đã hồng. Những cây đào này lại tiếp tục đơm hoa lần nữa vào đúng dịp xuân sang để đón chào năm mới. Bởi vậy, ngày Tết ở Sì Lờ Lầu luôn có đủ cả quả và hoa của loài cây đặc biệt, loài hoa đào đẹp nhất vùng Tây Bắc này.
Một “vụ” bắt “trộm” ngày Tết của người Dao đỏ ở Lai Châu. (Ảnh N.T)
Đặc biệt nhất, trong những ngày đông tàn, xuân đến, người dân nơi đây đã chuẩn bị thịt lợn treo nơi hiên hè trước cửa. Thấy chúng tôi thắc mắc, vị Chủ tịch UBND xã Sì Lờ Lầu, ông Phàn Phủ Xiên cho hay: “Cả xã bao gồm 100% là người Dao đỏ sinh sống. Người dân treo thịt lợn trước hiên để chuẩn bị cho tục lệ ăn trộm đêm giao thừa cầu may. Trong tiềm thức và quan niệm của đồng bào Dao đỏ nơi đây, tục ăn trộm ngày Tết đã có từ nghìn năm trước. Và chỉ diễn ra trong ngày Tết. Vui nhất là đêm giao thừa, sau khi làm nghi thức cúng lễ gia tiên, từ mảnh vườn đến gác bếp sẽ xuất hiện bóng dáng của những tên trộm”.
Theo ông Xiên, đi ăn trộm lấy may trong đêm giao thừa là tục lệ khá kỳ lạ của người dân tộc này. Người Dao đỏ tin rằng, ở thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, nếu ai đó mang về được một cái gì đó thì sẽ gặp nhiều điều tốt lành, ăn nên làm ra.
Đêm giao thừa là đêm đặc biệt nhất trong năm. Nó là sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là khi trời đất giao hòa. Với người Dao đỏ cũng vậy, đêm giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả làng đều thức. Các cụ bà cùng trẻ em bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran; các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu; thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách “lấy trộm” vài củ hành, miếng thịt. Họ đinh ninh rằng trong thời khắc bước sang năm mới, nếu ai đó mang về nhà được một chút gì thì năm mới gia đình sẽ gặp nhiều điều tốt lành, làm ăn phát đạt.
“Tên trộm” bị phạt rượu đến say
Cách Sì Lờ Lầu không xa, xã biên giới Dào San (Phong Thổ – Lai Châu) cũng còn lưu truyền lại tục ăn trộm kỳ thú này. Theo lời các cụ cao niên, họ chẳng biết nó có từ khi nào. Ngày xưa, ông cha làm thế, bây giờ cũng thế thôi!
“Chiến lợi phẩm” của những “tay trộm” chủ yếu là thịt rừng.
Cụ Phàn A Quảng kể, người Dao đỏ cứ đến ngày Tết là tập trung thành tốp, thành đàn đi ăn trộm. Cả xã, già, trẻ, gái, trai đều đi ăn trộm, không trừ một ai. Những thứ có thể ăn trộm được trong ngày rằm tháng Giêng này là: Cây hành, cây tỏi, thịt treo gác bếp và rượu. Người nào càng ăn trộm được nhiều thì người đó năm tới càng may mắn, làm nương được mùa, đi rừng bắt được con thú to, chăn nuôi không bị dịch bệnh và gia đình mạnh khỏe.
Theo lý của người Dao đỏ, vào cái đêm cả bản thành “người ăn trộm” và “người phòng chống ăn trộm” ấy nếu tên “ăn trộm” đang “hành nghề” mà bị gia đình phát hiện thì bị phạt uống một bát rượu. Còn nếu ăn trộm thành công, “tay trộm” phải mang “chiến lợi phẩm” đến nhà gia chủ để xin thưởng. Vật thưởng cho tên ăn trộm tài ba cũng chỉ là chai rượu hoặc miếng thịt sấy khô.
Đêm rằm biên giới, trăng như treo trên đỉnh núi, lúc ẩn, lúc hiện. Những khối mù khổng lồ từ trên đỉnh núi bất chợt ùa xuống tạo nên một không gian sáng tối, hư hư, thực thực là một điều kiện lý tưởng để trộm hành nghề. Mới 7h tối, tiếng thanh la, tiếng trống, tiếng chiêng đã nổi lên từ đầu bản. Tiếng thanh la, trống, chiêng đi đến đâu thì người từ các bản ùa ra nhập đoàn đi đến đấy. Trẻ em tạo thành một đội, thanh niên cũng tập hợp thành một đội, người già cũng thành một đội vừa đi vừa rì rụp bàn tán, lên kế hoạch để ăn trộm.
Đoàn ăn trộm dừng lại nhà anh Lý Vần Khìn là bưu tá xã. Tiếng thanh la, trống chiêng thổi mạnh như cảnh báo, gia đình anh Khìn đã hình thành thế trận phòng ngự. Hình như được phân công từ chiều, anh Khìn và đứa con trai lớn “phụ trách” bảo vệ rượu và thịt treo trong nhà, chị vợ và đứa con nhỏ phụ trách canh phòng vườn rau. Thế nhưng, liền một lúc, tốp ăn trộm gồm hàng chục người ùa vào nhà anh Khìn, người vào nhà tìm thịt, người ra vườn rau, mỗi người tiếp cận một cách khác nhau. Anh Khìn đã bắt được vài đối tượng “chôm chỉa” không thành. Từng chai rượu cứ thế được mở để thưởng, để phạt những tên trộm.
Chẳng biết, anh Khìn đã mất gì sau khi bị hàng chục “tên trộm” viếng thăm nhưng anh cười phớ lớ: “Nhà mình chỉ mất có hơn chục lít rượu thôi, được phạt người khác nhiều hơn là phải thưởng đấy, thế cũng là may mắn rồi”.
Đi ăn trộm phải khua chiêng, gõ mõ
Nếu như người Dao đỏ ở Sì Lờ Lầu đi ăn trộm theo đúng nghĩa “ăn trộm”, lặng lẽ, không rủ nhau, không để chủ nhà bắt được; và đã trộm là phải trộm “tận gốc”, như nhổ tỏi thì không nên để bị đứt thì với người Dao đỏ ở Mồ Sì San (Phong Thổ, Lai Châu) thì tục đi ăn trộm ngày Tết phải khua chiêng, gõ mõ, thanh la cho cả bản biết. Ai bắt được trộm thì phạt tới phạt lui... bằng rượu cho tới say.
Ông Phàn Phủ Xiên (Chủ tịch UBND xã Sì Lờ Lầu) cho hay, tục ăn trộm ngày Tết lấy may của người Dao đỏ đã có từ nhiều đời trước.
Như định được ý đồ của những “tên” trộm láu cá, ông Tẩn Văn Phùng, nhà ở dưới thung lũng bản Séo Hồ Thầu, đã cắt cử con cái ra góc vườn “đón lõng” rình trộm. Bà vợ của ông Phùng thì lăm le tay gậy, đứng canh những treo thịt lợn trên gác bếp...
Bà còn đang chuẩn bị sẵn sàng “ngăn chặn” tên trộm thì ngoài vườn đã có tiếng gậy đập túi bụi xuống đất, sau đó tiếng người vượt rào loạt soạt tẩu thoát. Bị mất “của” người con trai canh vườn hô hoán lớn như hiệu với người thân trong nhà để cảnh giác, bà mẹ sơ ý chạy ra khỏi hiên bếp nghe ngóng một tích tắc quay vào thì, ôi thôi, những treo thịt đã bị cắt mất già nửa...
Đã là ăn trộm thì ai lại ầm ĩ. Đi ăn trộm phải khua chiêng, gõ mõ, thanh la cho cả bản biết. Ai bắt được trộm thì phạt tới phạt lui... bằng rượu. Lại nữa, chẳng gì vui hơn, đã không bắt được trộm thì chớ, nhà ông Tẩn Văn Phùng còn bị “trộm” phạt vạ vì tội không trông được nhà cẩn thận.
Theo lời các cụ cao niên ở Mồ Sì San, hương ước của bản không có, nhưng tục đã qua nghìn mùa lá vàng rụng. Vậy ai ai cũng tuân thủ như một. Của cải lấy trong đêm chỉ là rau, củ quả, và thịt treo gác bếp... Ai động chạm vào đồ khác, coi như tội phạm thật, chứ không phải cuộc chơi nữa, mà đã là tội phạm thì không những bị bản “cạch” mặt mà còn bị mang ra chính quyền, công an xử lý.
Người Dao đỏ ở Mồ Sì San trọng khách, trọng chủ. Những gì thuộc về tục của đồng bào thì họ tối thượng đề cao, gìn giữ. Du xuân mà “ăn trộm” được nhiều thứ vào tối hôm đó, thì coi như cả năm hên. Gia chủ nào mà bị thiệt nhiều rượu, do bị “trộm” phạt lại là cả năm xui xẻo.
Chính vì thế mà những đêm “ăn trộm” du xuân ở những xã biên giới Phong Thổ vui đến nghiêng ngả chủ khách. Bởi “phi vụ” này cả người mất của lẫn những người “ăn trộm” chẳng hề giận nhau mà chỉ chuốc những bát rượu xuân để hả hê cười trong vòng tay của những người dân bản. Du xuân trên nẻo Tây Bắc, lạc vào “đám ăn trộm” thì đồng nghĩa với một năm may mắn, để có như cây trên núi, cá dưới khe. Tục thật giản dị, nhưng ắt phải có bởi đó chính là xuân ở nơi ven trời Tây Bắc.