Pehlwan là gì?
Nghệ thuật vật võ bùn Pahelwan thường xoay quanh cử động của cơ thể (paintra) cùng những động tác di chuyển và phản ứng (daw-pech) rất riêng. Trong đó, “paintra” được hiểu là nghệ thuật đứng tấn trong cái sân đấu (akhara). Đó là điểm mào đầu để bước vào hành động vật và cũng đồng thời là khúc dạo đầu cho một cuộc vật gay cấn liền tức thì sau đó (dangal). Nó cũng là sự tinh chỉnh bàn chân trên sàn vật sau khi các đô vật di chuyển hoặc phản đòn sau khi bị tấn công.
Nền tảng của môn võ vật bùn Pahelwan là buộc các đô vật phải bước vào thế tấn công hoặc rút lui. Bất chấp tầm quan trọng của nền tảng này, nghệ thuật Pahelwan cũng yêu cầu các đô vật phải thực hiện hàng trăm bước chuyển động hài hòa và chờ cơ hội sơ hở của đối phương để phản đòn (daw-pech). Hành động phản đòn hiệu quả là sự tổng hòa của các đòn nhử và tránh đòn.
Một pehlwan đang kéo tấm gỗ nhằm chuẩn bị sàn bùn cho một trận thi đấu ở sàn vật Bamma, sàn vật lớn nhất ở Lahore (Pakistan). Đá cuội được cào khỏi sàn vật trước khi diễn ra trận đấu |
Sắc thái văn hóa cổ truyền
Sàn vật Tulsi thực chất là một bãi vật võ cổ truyền của người Ấn Độ, cũng giống ở xứ láng giềng Pakistan. Những không gian bãi vật như thế này là một phần khung cảnh văn hóa của Thánh địa Varanasi, thành phố mà văn hào Mỹ, Mark Twain từng đặt chân tới vào năm 1897. Văn hào đã mô tả về Varanasi rằng “nơi cổ kính hơn cả lịch sử, cổ xưa hơn các truyền thống, lâu đời hơn các truyền thuyết và có thể là xa xưa hơn tất cả mọi thứ gộp lại”.
Ở sàn vật võ Tulsi ở Varanasi, phần lớn các đô vật trẻ tập luyện ở đây là những sinh viên, vì đang đi học nên họ tranh thủ đến đây luyện tập vào buổi sáng hàng ngày. Họ không chỉ tìm đến đây luyện lập với tham vọng một ngày nào đó sẽ trở thành một Pehlwan chuyên nghiệp, mà với họ môn võ vật này còn là một dạng thức trần tục để dấn thân vào. Thực vậy, các sàn võ vật được những người bảo trợ chúng nảy sinh ý tưởng cho rằng chúng là một dạng thức để cầu nguyện: tất cả các buổi tập luyện thường đi kèm với cầu nguyện và đốt hương trầm nhằm dâng cúng cho Thần Rama.
Các đô vật trẻ thường tập luyện riêng lẻ hoặc theo từng cặp. Họ nhảy lên xuống, nhấc những cây gậy cán dài có đầu tròn cũng như mím môi mím lợi nâng những quả tạ nặng nề làm bằng gỗ hoặc đá, đu mình lên các thanh xà ngang hoặc nằm căng người trên các băng ghế. Thỉnh thoảng, họ sẽ đi bộ qua lại sàn vật khi trên cổ vẫn đang đeo những chuỗi gỗ nặng chịch, hoặc có lúc họ cõng bạn tập ngồi trên vai… Đó là tất cả những kỹ thuật tập luyện mướt mồ hôi.
Gian nan hành trình trở thành đô vật chuyên nghiệp
Sau khi làm ấm cơ thể, các đô vật trẻ bắt đầu bước vào sàn bùn để thực hành vật. Để trở thành một đô vật bùn, họ cần phải trải qua các bài tập đẩy hay nhấc vật nặng, phải tìm cách nhấc đối thủ và lăn tròn trên bùn trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng thay vì có những chuyển động vụng về hay các hành vi bạo lực quá trớn, thì trong sàn vật, người ta sẽ nhìn thấy những cử động rất duyên dáng.
Tất cả các đô vật đều quấn quanh người một loại khố gọi là langot trong suốt quá trình luyện tập. Sàn vật bùn cũng là một địa điểm du lịch hút khách, vì thế các đô vật phải học cách quên đi sự hiện diện của đám đông. Trước khi bước vào giờ tập chính, các đô vật cẩn thận thoa dầu khắp mình mẩy nhằm đảm bảo rằng xương, khớp sẽ không bị nứt gãy trong lúc tập luyện.Trong khoảng giữa các trận đấu, họ cũng bốc bùn xát lên cơ thể để tăng cường sự ma sát với nền sàn.
Việc đào tạo một đô vật chuyên nghiệp ở sàn vật Tulsi xem ra rất cam go vì nó bao gồm một chế độ luyện tập khắc nghiệt cùng chế độ ăn uống rất nghiêm ngặt. Một đô vật học nghề sẽ bắt đầu dậy sớm từ lúc 3 giờ sáng, và lao vào chạy bộ đường trường, sau đó là bơi lội, rồi là luyện vài vòng vật dưới con mắt dò xét khắt khe của các giáo viên.
Các đô vật cũng học các bài mát xa dầu nóng nhằm giúp cho cơ thể họ luôn dẻo dai và giảm đau do sang chấn trong suốt quá trình tập luyện. Ngoài một chế độ ăn uống giàu thành phần chất đạm thì các đô vật còn phải dùng nhiều sữa và hạnh nhân.
Môn vật bùn Pehlwani ra đời từ thời đại hoàng đế Mughal (thế kỷ 17), nó là sự kết hợp của hình thức vật malla-yuddha (ra đời cách đây 2600 năm ở Ấn Độ) cùng với sức ảnh hưởng từ vật võ varzesh-e bastanil của người Ba Tư |
Lịch sử của võ vật Ấn Độ hiện đại là tiếng tăm lẫy lừng của các đô vật nổi tiếng, mà người đầu tiên làm nên kỳ tích đó là Ghulam Muhammad vào đầu thế kỷ 20.
Ngoài ra còn có thể kể tới các đô vật bùn lừng lẫy khác của Ấn Độ như Dara Singh (sinh năm 1928), ông còn là siêu sao điện ảnh khi tham gia đóng phim vào những năm cuối đời. Sakshi Malik (sinh năm 1992) là nữ đô vật võ bùn đầu tiên của Ấn Độ đã đoạt được huy chương tại các kỳ thi Olympic.
Dù có những thành công vang dội từ các đô vật nổi tiếng, nhưng các sàn vật bùn đang ngày càng mất đi sự hấp dẫn đối với thanh niên trẻ ở Varanasi và trên khắp Ấn Độ. Môn vật bùn cổ truyền đang bị lấn lướt bởi các môn vật và thể dục hiện đại. Vài thập kỷ trước, có hơn 50 sàn vật ở Varanasi thì ngày nay chỉ còn hơn một tá sàn như thế tại thành phố này.
May thay, nhờ các chiến thắng giòn giã gần đây tại Olympic và sự kiện Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung với các đô vật Ấn Độ nổi tiếng cùng sự phổ biến của các bộ phim như Dangal mà nhiều người Ấn đang dần lấy lại niềm tin rằng môn vật bùn truyền thống của họ đang có cơ hội được hồi sinh.