Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Hướng tới thí sinh, vì thí sinh

GD&TĐ - Nhìn lại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, quyết định đúng hướng trong thời khắc quan trọng, việc tổ chức chu đáo và trách nhiệm là điểm cộng lớn nhất cho một kỳ thi hướng tới thí sinh, vì thí sinh.

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại TPHCM. Ảnh: P.Nga
Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại TPHCM. Ảnh: P.Nga

Cái kết đáng mong đợi

Kỳ thi vừa qua để lại cảm xúc vô cùng đặc biệt với cô giáo Ngô Thị Hiên, Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng, Hà Nội – cũng là người mẹ có 2 người con, một thi vào lớp 10 và một tốt nghiệp THPT. Với con trai lớn, gia đình đã có lộ trình, chuẩn bị rất kỹ để đăng ký du học tại một trường ĐH nghiên cứu của Hà Lan. Nhiều công việc đã hoàn thành, riêng điều kiện vô cùng quan trọng là phải có điểm tốt nghiệp THPT trước 1/9 và kết quả phải đạt các môn từ 7 trở lên, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, trở nên vô cùng rủi may.

“Dịch Covid-19 khiến tôi bàng hoàng nhận ra rằng, mọi kế hoạch có thể sẽ vỡ đổ hết, mọi nỗ lực của con và gia đình sẽ biến thành công cốc nếu không tổ chức thi tốt nghiệp THPT, hoặc kỳ thi này lùi lại quá muộn. Rồi chúng tôi lại hy vọng, vì Bộ GD&ĐT đã quyết định vẫn tổ chức thi và lùi lại vào 9 - 10/8”. Kể lại điều này, cô Hiên cũng chia sẻ diễn biến mới khi trường phía Hà Lan yêu cầu đóng học phí mới cấp visa.

Đây cũng là lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có châu Âu. Sau rất nhiều trăn trở, cân nhắc, quyết định dừng việc đăng ký vào trường được đưa ra với cảm giác mất mát và tiếc nuối.

Đến sát ngày thi lại xảy ra biến cố vì dịch bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và có ý kiến muốn dừng kỳ thi. “Lúc đó, tôi mong điều này không xảy ra vì càng kéo dài càng căng thẳng mệt mỏi và thực tế dù dịch diễn biến phức tạp nhưng không đến mức phải lùi thi” – cô Hiên nói và cho rằng, quyết định của Bộ GD&ĐT khi ấy thực sự sáng suốt, phù hợp.

Nay các con đã thi xong, mọi người, đặc biệt là phụ huynh đều thở phào nhẹ nhõm khi phần lớn HS lớp 12 trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi này. Trong bối cảnh dịch bệnh, đó thực sự là một cái kết đáng mong đợi sau 12 năm học phổ thông.

Có con thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Lự (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng chia sẻ lo từng ngày, rồi vui mừng vì cuối cùng các con vẫn thi theo kế hoạch. Ông Lự cho biết:  Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên thí sinh, phụ huynh yên tâm. Gia đình tự kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn; các con đến thi được nhân viên y tế, cán bộ coi thi hướng dẫn phòng dịch cẩn thận. 

“Đề thi vừa sức, theo đúng cấu trúc, độ khó của đề tham khảo mà Bộ GD&ĐT công bố đã tạo thêm động lực cho các con và cả bố mẹ. Công tác phòng chống dịch tại các điểm thi, an ninh, an toàn được thực hiện chu đáo cũng là điều chúng tôi tin tưởng kỳ thi tốt nghiệp năm nay, dù chồng chất khó khăn, nhưng kết thúc tốt đẹp. Tôi cũng xin chia sẻ với phụ huynh, HS vùng dịch và mong mọi người cùng thí sinh bình tĩnh, yên tâm, nỗ lực vừa phòng chống dịch, vừa chuẩn bị tốt tâm thế cho thi đợt 2 đạt kết quả cao nhất”,  ông Nguyễn Văn Lự nói.

Thí sinh Hà Nội tự tin sau kỳ thi. Ảnh: Thế Đại

Thí sinh Hà Nội tự tin sau kỳ thi. Ảnh: Thế Đại

Động lực cho thí sinh thi đợt 2

Thành công của đợt thi thứ nhất sẽ là nguồn động viên, giải tỏa áp lực và tạo niềm tin cho toàn xã hội và hơn 26 nghìn HS bước vào kỳ thi đợt 2. Tuy nhiên, sau kỳ thi, nhiều thí sinh sẽ có tinh thần nghỉ xả hơi, thư giãn một chút để cân bằng.Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, việc học liên tục, học suốt đời để giúp mình luôn thích ứng với sự biến đổi của nhu cầu xã hội là điều không thể tránh khỏi. Vượt qua kỳ thi tốt nghiệp chỉ là bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp của các em. PGS Trần Thành Nam 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức rất nghiêm túc và khoa học, phù hợp” – nhận định này được đại biểu Quốc hội Bùi Thị Thủy (đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đưa ra từ trải nghiệm khi trực tiếp tham gia vào kỳ thi và từ chia sẻ của đồng nghiệp. Đại biểu Thủy cho rằng: Các cán bộ làm công tác thi  nghiêm túc, có chuyên môn, nghiệp vụ coi thi vững vàng. Thầy cô không chỉ thực hiện rất tốt quy định mà còn động viên tinh thần thí sinh, tạo tâm lý tốt nhất cho các em hoàn thành bài thi.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh, các điểm thi đã thực hiện phòng dịch nghiêm túc. “Ngoài chỉ đạo, hướng dẫn chung, các địa phương đều có hướng dẫn cụ thể về phòng chống dịch. Những chuẩn bị kỹ càng, thực hiện nghiêm túc đã góp phần làm nên thành công kỳ thi, an toàn cả về chuyên môn và bảo đảm sức khỏe cho thí sinh và cán bộ, giáo viên làm thi”, đại biểu Bùi Thị Thủy nhận định.

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) cho rằng: Chúng ta đã hoàn thành bước đầu một kỳ thi quan trọng với hai nhiệm vụ, vừa thi vừa chống dịch.

Có lẽ điều mà xã hội, phụ huynh, các thầy cô vui mừng nhất là an toàn của thí sinh, an toàn của đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia  làm thi. Có thể thấy ở kỳ thi này, các phương án đã được lường hết để phản ứng chủ động, linh hoạt với tình huống phát sinh, như đổi điểm thi, chuẩn bị phòng thi riêng cho thí sinh hoặc giáo viên thuộc các đối tượng F1, F2… 

Với thí sinh, theo PGS Trần Thành Nam, điều hân hoan nhất là sau rất nhiều thay đổi, biến động từ điều chỉnh lịch học, phương thức học, lịch thi…, thí sinh đã vượt qua kỳ thi một cách an toàn, thoải mái. Hơn nữa, năm nay đề thi ra vừa sức, phù hợp với những gì đã được học; độ phân hóa phù hợp với 70% mức độ nhận biết và thông hiểu, 30% mức độ vận dụng và vận dụng cao.

Với HS, việc được học gì thi nấy, cảm nhận kỳ thi nghiêm túc, công bằng là vui. Cũng vì năm nay có quá nhiều biến động, chính cha mẹ, thầy cô cũng không còn đặt nặng áp lực thành tích mà chỉ động viên các em cố gắng hết sức, nên niềm vui sau khi hoàn thành kỳ thi dường như lớn hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ