Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đầu đã xuôi, đuôi… sẽ lọt

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Đầu đã xuôi, đuôi… sẽ lọt

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thành công bước đầu. Đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình (đoàn Phú Thọ) cho rằng: Với vai trò chịu trách nhiệm chung về kỳ thi như trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, quyết định của Bộ GD&ĐT không chỉ nhân văn, mà còn hết sức dũng cảm và nhiều cảm xúc.

Vì quyền lợi chính đáng của thí sinh

Công tác trong ngành Giáo dục, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Bình trực tiếp trải qua những cung bậc cảm xúc khi toàn ngành vừa phải hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải ứng phó với dịch bệnh. Và, cảm xúc nhất vẫn là liên quan đến các kỳ thi, đặc biệt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ai cũng biết, quyết định phương án thi không chỉ liên quan đến gần 1 triệu thí sinh. Khi dịch bệnh bùng phát lần thứ 2, lập tức có những ý kiến cho rằng nên dừng thi để bảo đảm an toàn. Nhưng trên thực tế, sau bao nhiêu năm phấn đấu, số đông phụ huynh, học sinh lo lắng kỳ thi vì dịch bệnh mà phải dừng lại, bỏ lỡ những ước vọng tương lai, lỡ một nhịp vào trường đại học mình mơ ước. Được Thủ tướng giao quyết định về phương án thi trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã quyết định vẫn tổ chức thi để bảo đảm quyền lợi hết sức chính đáng này.

"Với vai trò chịu trách nhiệm chung về kỳ thi như trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, đây là một quyết định không chỉ nhân văn, mà còn hết sức dũng cảm, thậm chí mạo hiểm. Bởi dù mục đích cuối cùng là vì bảo đảm quyền lợi người học, nhưng nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra, trách nhiệm của Bộ là không nhỏ" – đại biểu Đinh Thị Bình chia sẻ.

Đến nay, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 đã hoàn thành công đoạn coi thi. Nhìn lại từ giai đoạn chuẩn bị, đại biểu Đinh Thị Bình cho rằng: Có thể thấy nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, Chính phủ, Bộ GD&ĐT, UBND các địa phương, bộ, ngành liên quan… Với sự chung tay của toàn xã hội, học sinh được chăm lo tốt nhất có thể, để vừa thi tốt, vừa bảo đảm an toàn. "Tại huyện miền núi Tân Sơn, Phú Thọ, hai Trường THPT Minh Đài và THPT Thạch Kiệt đã tổ chức nấu ăn cho những trò nhà xa phải ở lại buổi trưa hoặc trong suốt thời gian thi, không để các em phải ăn ngoài, không đủ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm" – đại biểu Đinh Thị Bình cho hay.

Giai đoạn tiếp theo, đại biểu Đinh Thị Bình cho rằng: Cần tiếp tục làm tốt khâu chấm thi, công bố kết quả thi và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Lúc đó, sứ mệnh của kỳ thi lịch sử mới thực sự hoàn thành.

Tiền đề vượt qua khó khăn phía trước

Cùng quan điểm với đại biểu Đinh Thị Bình, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam cũng đánh giá quyết định của Bộ GD&ĐT về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là chủ động, quyết đoán, dũng cảm.

Sau hai ngày tổ chức kỳ thi, dư luận xã hội "thở phào" nhẹ nhõm, dịch bệnh không "tấn công", phá hỏng kỳ thi. Cả nước đã tổ chức cho trên 96% học sinh tham gia kỳ thi quốc gia. Như thế, cơ bản học sinh học xong THPT đã được dự thi và sẽ ra trường, không bị "ứ đọng" và các trường ĐH, CĐ cũng không bị gián đoạn tuyển sinh. Trên 2 vạn học sinh phải thi đợt 2, đây là số lượng nhỏ, bao gồm những học sinh đang chịu thiệt thòi vì dịch bệnh. Kỳ thi đợt 2 sẽ diễn ra công bằng, tương đồng với kỳ thi đợt 1. Thời gian thi đợt 2 phụ thuộc vào diễn biến dịch ở các vùng đang có dịch. Trong trường hợp rủi ro nhất, không thể tổ chức thi đợt 2, ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm: Phương án xét đặc cách tốt nghiệp cho những học sinh này là đúng luật và phù hợp với trách nhiệm, lương tâm và giá trị nhân văn của nhà trường: Không bỏ rơi một học sinh nào.

Đề thi được dư luận, thí sinh và các nhà giáo lâu năm, có kinh nghiệm ôn thi đánh giá là chất lượng, vừa sức, bám sát hướng dẫn thi của Bộ, không "đánh đố" nhưng vẫn có khả năng phân hóa cao, giúp các trường thuận tiện trong việc xét tuyển. Đề thi các môn khoa học xã hội, như Ngữ văn, Giáo dục công dân… được cho là theo sát tình hình đất nước, phù hợp với thời sự và khó khăn chung của toàn cầu do dịch bệnh gây ra. "Đây là ưu điểm về đổi mới đề thi: Nhà trường rộng cửa, vươn xa, học sinh được trải nghiệm và dạy học gắn kết với thực tiễn xã hội và cộng đồng" – ông Đặng Tự Ân đánh giá.

Thành công của kỳ thi đến giờ phút này còn từ quyết tâm của địa phương. Các địa phương đã làm tốt vai trò chủ đạo tổ chức thi. Lãnh đạo các tỉnh, thành đã nêu cao vai trò trách nhiệm của mình trong huy động các lực lượng chính trị của địa phương cùng đồng hành. Đây quả là kỳ thi "có một không hai", bởi vừa thực hiện nghiêm ngặt quy chế thi, vừa bảo đảm tuyệt đối an toàn sức khỏe cho thí sinh, người làm thi và cha mẹ thí sinh. Trong khó khăn, đã nảy sinh nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều hành động, nghĩa cử cao đẹp: Bữa cơm trưa miễn phí, ấm lòng cho học sinh vùng cao, phải đi thi xa nhà; "ATM khẩu trang" ở các điểm thi; tình nguyện viên áo xanh, xử lý nhanh gọn mọi khó khăn cho thí sinh và không quên sát cánh cùng đội ngũ y tế phát hiện, ngăn ngừa dịch bệnh. Khử khuẩn cơ sở vật chất khu vực thi, bài thi, phương tiện thi được quy định thống nhất ở tất cả hội đồng coi thi trong toàn quốc. Lực lượng cảnh sát giao thông, cán bộ giao thông công chính đã phối hợp nhịp nhàng, giữ gìn trật tự, bảo đảm bình yên các khu vực thi. Có một số sự cố nhỏ, nhưng dư luận có thể cảm thông, thể tất, bởi điều này là khó tránh khỏi với một kỳ thi quy mô lớn và diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt vì dịch bệnh.

"Về cơ bản, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thành công giai đoạn đầu. "Đầu đã xuôi", giai đoạn tiếp theo còn phức tạp, âm thầm, khó khăn đang ở phía trước. Với mong muốn "đuôi sẽ lọt", chúng ta hoàn toàn hy vọng một kỳ thi "đặc biệt" năm 2020 sẽ thành công mỹ mãn, giữ lại niềm tin yêu của xã hội với ngành Giáo dục, cũng như đem lại niềm vui cho hàng triệu thí sinh và gia đình" – ông Đặng Tự Ân kỳ vọng.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, cả về hình thức thi, cách tính điểm xét tuyển và tốt nghiệp đều hợp lý. Cách tổ chức thi như vậy bảo đảm tiết kiệm, giảm áp lực thi cử, đặc biệt trong điều kiện đặc biệt của năm Covid-19 tác động toàn cầu. Vai trò chỉ đạo của ngành Giáo dục trước và trong kỳ thi thực sự rất tốt. Kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế và đặc biệt là an toàn. Thời gian tới, chúng tôi mong công tác chấm thi sẽ được triển khai tốt, đặc biệt bảo đảm công bằng trong chấm bài tự luận, để thí sinh không bị thiệt thòi do việc chấm chặt, chấm rộng bài Ngữ văn giữa các tỉnh… - Ông Nguyễn Văn Tuấn, phụ huynh thí sinh Nguyễn Văn Hiển, thi tại điểm thi THPT chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.