Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nhiều hỗ trợ thiết thực cho học sinh vùng khó

GD&TĐ - Nhiều trường THPT ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội tương đối khó khăn đã quyết định kéo dài thời gian ôn tập tại trường cho đến sát ngày thi, ưu tiên bố trí những GV cốt cán, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy để tăng tốc cùng HS trong giai đoạn nước rút.

Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Nhiều hỗ trợ thiết thực cho học sinh vùng khó

Ngoài hệ thống, củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng làm bài, HS khối 12 còn được tập dượt để làm quen với không khí thi cử. Chính quyền một số địa phương còn trích từ nguồn ngân sách, hỗ trợ thêm lương thực, thực phẩm để HS chuyên tâm cho chuyện học… Tất cả đang nỗ lực cho mục tiêu nâng cao chất lượng Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.

Tăng cường thời lượng ôn tập cho HS

Sở GD&ĐT Quảng Nam vừa tiếp nhận hơn 32,1 tấn gạo do UBND tỉnh hỗ trợ cho HS khó khăn của 14 trường THPT ở miền núi ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 100% HS lớp 12 các trường THPT ở 6 huyện miền núi sẽ được ôn thi miễn phí tại trường, riêng HS người dân tộc được hỗ trợ tiền ăn, gạo để ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày dự thi THPT quốc gia. Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng yêu cầu các trường THPT, sau lễ bế giảng năm học, tiếp tục tổ chức phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho HS lớp 12 trong tháng 6.

Trong quá trình bồi dưỡng, nhà trường chú trọng rèn luyện kỹ năng làm bài, sửa chữa những lỗi thường gặp, đồng thời tư vấn về tâm lý đối với những học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn nhằm tạo tâm lý thoải mái, động viên, giúp các em tự tin bước vào kỳ thi.

Trước đó, khi bắt đầu bước vào đợt cao điểm ôn thi cho HS lớp 12, Sở GD&ĐT Quảng Nam đã thành lập 2 đoàn bao gồm chuyên viên của Phòng GD Trung học và GV cốt cán bộ môn để hỗ trợ các trường THPT miền núi tổ chức ôn thi.

Ông Phạm Đình Ly - Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: “Theo đó, ngoài việc kiểm tra, thẩm định nội dung ôn tập đã được GV các trường THPT biên soạn theo tiêu chí bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng và bám sát đối tượng, đoàn sẽ dự giờ một số tiết ôn tập của GV.

Tùy theo đặc thù của HS từng vùng miền, đoàn có thể kiến nghị GV thêm, bớt một số nội dung ôn tập theo hướng dạy đáp ứng đối tượng. Chủ trương của Sở GD&ĐT là cần tập trung cho mục tiêu chống liệt để chống trượt. Theo đó, để mỗi môn thi, tối thiểu thí sinh phải đạt mức điểm 3,5 điểm với những HS vùng khó, có đầu vào thấp là không hề đơn giản. GV trong quá trình dạy ôn tập phải làm sao cho HS nắm vững chuẩn kiến thức kỹ năng do Bộ GD&ĐT ban hành, không quá ôm đồm cũng không lan man, dàn trải”.

Nằm ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, Trường THPT Đăkrông 2 (Tà Rụt, H. Đăkrông, Quảng Trị) có đến 102 trong tổng số 114 HS khối 12 là học sinh người dân tộc. Thầy Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết, việc ôn tập, củng cố kiến thức cho HS khối 12 sẽ kéo dài trong tháng 6.

Ở trường chúng tôi, HS được chọn môn thay thế cho môn Ngoại ngữ nên ngay sau Tết Nguyên đán, nhà trường bắt đầu tăng tiết phụ đạo với hai môn Ngữ văn và Toán, là hai môn thi bắt buộc. Sau khi có điểm tổng kết học kỳ II, căn cứ trên kết quả làm bài thi của HS, chúng tôi chia lớp để phụ đạo các môn tự chọn còn lại theo nhóm đối tượng.

Theo đó, các lớp ôn tập sẽ chia theo ba mức độ, trong đó có một lớp ôn tập dành cho HS khá, giỏi; một lớp chống điểm “liệt” và hai lớp dành cho HS có học lực trung bình khá”. Nhà trường cũng phân công những GV cốt cán, có kinh nghiệm giảng dạy đảm nhận phụ đạo, ôn tập thêm cho HS. Với gần 10 thí sinh tự do đăng ký ôn thi THPT quốc gia tại trường trong thời điểm tháng 6, trường THPT Đăkrông 2 cũng sẽ tổ chức ôn thi miễn phí cho số thí sinh này.

Bổ sung, củng cố kiến thức đến phút cuối

Ngay sau lễ bế giảng, khi HS dân tộc nội trú khối 10 và 11 bịn rịn chia tay bạn bè, chuẩn bị gói ghém hành trang để về quê nghỉ hè thì 15 HS nội trú lớp 12 của Trường THPT Phạm Phú Thứ (Đà Nẵng) vẫn tập trung cho ôn thi tốt nghiệp.

Thầy Phạm Đình Hảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “BGH đã phân công GV theo dõi, hướng dẫn cho HS học tập vào giờ tự học buổi tối tại KTX. Năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì tổ chức ôn tập trong tháng 6 cho toàn bộ HS khối 12 nên số HS nội trú sẽ cùng tham gia ôn tập chung với các bạn theo các lớp đăng ký trước đó. Trước đó, trong cả năm học, nhà trường đã phân công GV dạy kèm vào các buổi tối trong tuần cho các em”.

Cũng theo thầy Hảo, trong một tháng còn lại, Trường THPT Phạm Phú Thứ dành khoảng 1/3 thời gian để giúp HS hệ thống, củng cố lại kiến thức, thời gian còn lại, GV sẽ hướng dẫn cho HS phương pháp làm bài, tiếp xúc với một số dạng đề cụ thể.

Thầy Lê Văn Thanh – Hiệu trưởng Trường THPT Đăkrông 2 cũng chia sẻ: “Trong thời gian ngắn còn lại, GV sẽ bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng để ôn tập cho HS theo từng chủ đề. Ngoài ra, chúng tôi sẽ dành một khoảng thời gian để HS ôn tập dưới dạng các đề thi theo đúng cấu trúc đề của Cục Khảo thí.

Ngoài việc tập dượt cho HS làm quen với các kỹ năng phân tích đề và làm bài thi, điều này cũng giúp cho các em làm quen với tâm lý, môi trường cũng như quy chế thi cử. Điều này là rất quan trọng bởi đây là kỳ thi quốc gia đầu tiên mà các em tham dự. HS chúng tôi được xét tuyển vào lớp 10 nên các em chưa hề phải tham gia một kỳ thi có tính chất cạnh tranh như thế này.

Bên cạnh nỗ lực của thầy và trò trong ôn tập, thầy Thanh còn phấn khởi kể chuyện HS trường được Nhà nước cấp gạo, hỗ trợ tiền ăn nên việc kéo dài thời gian ôn thi trong tháng 6 cũng được giáo viên đảm nhận trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện. Cũng theo thầy Thanh, duy trì sĩ số, quản lý tốt thời gian ra vào lớp, tránh để cho HS phân tán tư tưởng cũng là điều mà BGH Trường THPT Phạm Phú Thứ rất lưu tâm trong suốt một tháng kéo dài thời gian ôn tập tại trường.

Chống điểm liệt để nâng cao kết quả đỗ tốt nghiệp THPT là mục tiêu của nhiều trường có đầu vào thấp trong giai đoạn nước rút này. Thầy Phan Khôi - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Đà Nẵng) cho biết: “Từ kết quả bài thi học kỳ I, chúng tôi chọn những HS có nguy cơ rớt tốt nghiệp để bồi dưỡng thêm kiến thức cơ bản nhằm chống điểm liệt. Theo đó, mỗi tuần HS được tăng cường thêm 2 tiết/môn. Phân tích trình độ của HS để đưa ra phương pháp, chương trình ôn tập phù hợp và chia lớp theo nhóm đối tượng là kinh nghiệm chung được nhiều trường THPT áp dụng rất hiệu quả trong Kỳ thi THPT quốc gia năm vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.