Đề thi đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH
Thầy Lê Đình Diệp (Trường THPT Bình Sơn) - giáo viên duy nhất và đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2013 – cho biết: Khá nhiều học sinh lớp cuối cấp của bậc THPT lo lắng về hình thức, nội dung kiến thức thi THPT quốc gia năm nay, nhất là về nội dung, kiến thức môn thi.
Các em không biết Bộ GD&ĐT sẽ ra đề ở mức độ nào? Có thể như đề thi đại học hay bình thường như đề thi tốt nghiệp phổ thông các năm trước, hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên...?
Tuy nhiên, tiếp cận đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 của Bộ GD&ĐT, thầy Lê Đình Diệp khẳng định: Hầu như những lo âu nói trên của không chỉ học sinh mà cả những thầy cô giáo đứng lớp đã được giải tỏa
Theo nhận định của thầy Lê Đình Diệp, từ đề thi minh họa môn Địa Lí cho ta thấy, kiến thức đề thi chủ yếu ở chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng, sách giáo khoa Địa lí lớp 12; mức độ của đề vừa phải, học sinh nắm được kiến thức và biết vận dụng kiến thức sẽ làm được bài
Đề và hướng dẫn chấm có hướng mở, không đòi hỏi phải học thuộc mới làm được bài, một số kiến thức gắn với thực tiễn để trả lời. Ví dụ như trong đề thi minh họa có câu: Trình bày hậu quả và các biện pháp phòng chống bão ở nước ta?
Về hậu quả của bão, thí sinh có thể trả lời: Bão thường gây ra nhiều hậu quả nặng nề trên diện rộng, nhưng cụ thể của từng địa phương có tác hại của bão khác nhau: Miền núi thường bị lũ, xói mòn, sạt lở đất..; đồng bằng ngập lụt; vùng ven bờ biển sạt lở bờ, sóng lừng gây ngập mặn,...
Tuy nhiên, một số câu mang tính nâng cao, đòi hỏi học sinh phải có tư duy địa lí ở mức độ cao, có các kĩ năng chuyên biệt mới làm được bài hoàn chỉnh.
“Nhìn chung đề và hướng dẫn chấm đáp ứng được với hai đối tượng học sinh tốt nghiệp và tuyển chọn vào đại học” - thầy Lê Đình Diệp khẳng định.
Những lưu ý đối với học sinh
Cũng theo nhận định của thầy Lê Đình Diệp, đề thi Địa lý năm nay, theo minh họa của Bộ GD&ĐT, về cấu trúc, nội dung đề có độ giao thoa giữa tốt nghiệp và tuyển chọn vào đại học.
Đồng thời, có sự phân hóa, đáp ứng được các mức độ: Biết, hiểu, vận dụng; tính phân hóa đề năm nay ở mức độ cao hơn so với những đề thi tốt nghiệp THPT, tương đương với các đề thi tuyển chọn vào đại học của những năm trước.
Tuy nhiên, do tính chất kì thi khác với các năm trước, nên mức độ đề thi cũng phải tương ứng. Nếu chọn môn Địa lí để thi, thầy Lê Đình Diệp lưu ý thí sinh trước tiên phải biết cách học, cách làm bài, tránh tình trạng học "gạo".
Cụ thể: Cần nắm chắc kiến thức, từng bài, từng chương và vận dụng kiến thức vào bài làm phù hợp; lời dẫn yêu cầu những gì thì trả lời đúng, đủ nội dung đó.
Trong khi học các kiến thức trong sách giáo khoa cần có Atlat Địa Lí kèm theo. Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam và kiến thức đã học..., học sinh phải biết phối hợp ngay đâu là kiến thức đã học, đâu là kiến thức trong Atlat... để trả lời theo yêu cầu của câu hỏi
Một vấn đề quan trọng cần lưu ý là thi sinh phải thấy được mối quan hệ nhân quả, mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên, quan hệ giữa tự nhiên với kinh tế - xã hội; hiểu và thực hành được các kĩ năng Địa lí như: Kĩ năng tính toán, kĩ năng vẽ biểu đồ, nhận xét, phân tích số liệu,...
“Ngoài những vấn đề trên, yếu tố thành công trong thi cử có phần đóng góp rất lớn từ sự bình tĩnh, tự tin, khẳng định chính mình của chính thí sinh” – thầy Lê Đình Diệp nhấn mạnh.