Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia: Giọt mồ hôi làm nên trái ngọt

GD&TĐ - Đằng sau kết quả học sinh giỏi quốc gia không chỉ là nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của các em, mà còn là sự hy sinh thầm lặng của những người thầy.

Cô Quảng Thị Kiệp (đứng giữa) cùng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học của trường. Ảnh: NVCC
Cô Quảng Thị Kiệp (đứng giữa) cùng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học của trường. Ảnh: NVCC

Họ không quản ngại khó khăn, vất vả sẵn sàng dìu dắt, đồng hành cùng học trò để có được những trái ngọt.

Gác lại việc nhà

Trực tiếp tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia năm học 2021 – 2022, cô Quảng Thị Kiệp - giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) không giấu nổi niềm vui khi học trò của mình - Nguyễn Đường Anh Minh giành giải Nhất cấp quốc gia môn Sinh học. Cô Kiệp bộc bạch: Kết quả này không ngoài sự mong đợi. Đó là thành quả cho sự ôn luyện miệt mài, chăm chỉ của Minh. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi lần đầu tiên, tỉnh Gia Lai có thí sinh đoạt giải Nhất ở bộ môn Sinh học.

Nhớ lại những ngày tháng ôn tập, cô Kiệp kể: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cô - trò chỉ gặp nhau qua màn hình. Những buổi ôn tập, phụ đạo đều được thực hiện trên nền tảng Zoom, do đó ít nhiều cũng gặp khó khăn, như giáo viên không thể hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ năng làm bài thi hoặc các bài tập thực hành… “Tôi phải tận dụng mọi kênh thông tin để hỗ trợ học trò, từ cách tìm tài liệu để các em tự học cho đến phương pháp học và kỹ năng làm bài thi. Điện thoại của tôi luôn bật chế độ mở để sẵn sàng hỗ trợ học sinh bất cứ lúc nào”, cô Kiệp chia sẻ.

Thầy Trần Quang Vinh (ngoài cùng bên trái) cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: NVCC
Thầy Trần Quang Vinh (ngoài cùng bên trái) cùng đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: NVCC

Cũng theo cô Kiệp, từ cuối năm 2021 cho đến gần ngày thi, cô – trò không có khái niệm ngày nghỉ. Cô - trò tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để cùng nhau ôn tập, chữa bài. Có những lúc cao điểm, cô phải tạm gác lại việc nhà, dành thời gian, tâm huyết với học trò. May mắn, cô được gia đình thông cảm và ủng hộ hết mức. Tuần cuối cùng trước ngày thi, cô – trò khăn gói ra Hà Nội, dốc toàn tâm, toàn lực để ôn tập và luyện tập một số bài thực hành.

Chia sẻ về lý do ra Hà Nội, cô Kiệp cho hay: Ở Gia Lai chưa đủ điều kiện, cơ sở vật chất để học sinh làm các bài tập thực hành. “Mặt khác, chúng tôi muốn học sinh của mình được cọ xát với các bạn đến từ nhiều tỉnh khác. Sau bao khó khăn, vất vả, tôi rất vui và hạnh phúc khi học trò của mình đạt được thành tích cao ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Với tôi, đó là trái ngọt, là hạnh phúc vô bờ sau những ngày đứng trên bục giảng”, cô Kiệp trải lòng.

Cô Phạm Hải Linh và 2 học trò trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC
Cô Phạm Hải Linh và 2 học trò trong đội tuyển học sinh giỏi Văn của Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Vừa ru con, vừa chữa bài

Vinh dự và tự hào khi lần đầu tiên xuất quân ở kỳ thi học giỏi quốc gia nhưng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) và đã đoạt 3 giải Nhì, 1 giải Ba ở bộ môn Ngữ văn và Lịch sử. Là người trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn, cô Phạm Hải Linh chia sẻ: Để đạt được thành tích trên, cô – trò đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cô - trò phải dạy – học trực tuyến suốt thời gian dài (từ tháng 8/2021 đến cuối tháng 2/2022). Khó khăn nhất là thời điểm cô – trò đều bị Covid-19. “Thời điểm đó, chúng tôi đều quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, ôn thi thật tốt và không bỏ lỡ buổi học nào. Có những hôm chúng tôi chữa bài đến 23 - 24 giờ. Nhiều đêm, tôi vừa ru con ngủ, vừa cùng học trò chữa bài để các em không bị lỡ nhịp”, cô Linh bộc bạch.

Khi dịch bệnh ổn định, cô - trò được dạy học trực tiếp. Cô Linh đã sắp xếp, bố trí thời gian để học sinh đến nhà riêng ôn tập. Thương học trò ở xa và muốn bảo vệ sức khoẻ cho các em nên nhiều lần cô Linh một mình bắt xe xuống Hải Phòng đến nhà học sinh để cùng các em ôn tập, chữa bài. “Sau bao nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, chúng tôi có được kết quả đáng khích lệ ngay ở lần đầu xuất quân. Các em đã vượt lên chính mình để khẳng định bản thân và viết tiếp những trang sử vàng cho nhà trường”, cô Linh tự hào nói.

Thầy Trần Quang Vinh - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bà Rịa – Vũng Tàu), người trực tiếp bồi dưỡng học sinh Nguyễn Văn Duy đoạt giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán cho hay: Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên cả giáo viên và đội tuyển học sinh giỏi liên tục phải thay đổi hình thức học từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại. Các em phải thích nghi hình thức tự học, tự trao đổi trên nền tảng số.

Theo thầy Vinh, Toán có nhiều phân môn, có học sinh mạnh về phần này và chưa mạnh về phần khác. Có những buổi học còn chưa đồng đều nên gây khó khăn cho giáo viên và học sinh. “Tôi thường tổ chức những buổi sinh hoạt nhóm. Bạn nào học tốt phần nào sẽ hỗ trợ cho các bạn khác. Mọi người sẽ đặt câu hỏi chất vấn, cùng nhau trao đổi và chấm chéo lẫn nhau. Qua đó, phát huy năng lực sở trường của từng học sinh”, thầy Vinh chia sẻ.

Theo kinh nghiệm của thầy Vinh, một trong những vấn đề quan trọng là giáo viên phát hiện được học sinh có năng khiếu. Từ những ngày học sinh mới vào trường, giáo viên thường đặt câu hỏi không có trong sách vở. Qua đó phát hiện khả năng tư duy và chọn lọc những em có tố chất tốt. Việc tiếp theo là “truyền lửa” để các em đam mê, hứng thú và phát huy sáng tạo trong học tập. Học toán không thể học tủ, học vẹt mà phải biết “tuỳ nghi” để xử lý những vấn đề mới lạ, phát hiện vấn đề và học cách thức giải quyết. Khi học sinh có niềm đam mê, biết cách tự học, tự sáng tạo thì thành công sẽ tìm đến với các em. 

“Đằng sau thành công của học sinh giỏi quốc gia, luôn có sự đồng hành, dìu dắt, giúp đỡ của giáo viên. Các thầy, cô không quản ngại khó khăn, hỗ trợ học sinh bất kể ngày, đêm, ngày nghỉ; thậm chí là gác lại việc gia đình để hỗ trợ học trò. Có thể nói, bao nhiêu thời gian, công sức, các thầy, cô đều dành hết cho học sinh của mình, chỉ mong các em thành công trên con đường học tập”. - Cô Lê Thị Thu –Hiệu trưởng Trường chuyên Hùng Vương (Gia Lai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.