Cô Trịnh Hà Giang là giáo viên Ngữ văn - Giáo dục công dân, Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện U Minh (Cà Mau). Tác phẩm “Kỷ niệm không quên về cô học trò nhỏ - Nguyễn Thảo Vy”, cô đạt giải Cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu.
Gắn bó với mái trường nơi cuối trời Tổ quốc, Trường THCS Lê Hồng Phong, huyện U Minh (Cà Mau), cô Trịnh Hà Giang dành tình cảm đặc biệt cho học trò. Cô giảng dạy bộ môn Ngữ Văn, nhưng nhiều năm qua còn giảng dạy bộ môn Giáo dục công dân. Có dịp gắn bó với học trò, thấu hiểu các em, đặc biệt là học sinh hoàn cảnh khó khăn khiến cô càng thêm nỗ lực cống hiến và yêu thương.
Với cô Hà Giang, nghề giáo là mơ ước và cũng là động lực để cô phấn đấu. “Tôi lớn lên trong gia đình có 7 anh chị em. Gia đình sống ở vùng nông thôn khó khăn, trước đây đi lại chủ yếu bằng phương tiện tàu, đò. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đông anh em, các anh chị tôi phải bỏ học giữa chừng để làm thêm nuôi các em. Chị gái thứ 4 của tôi có ước mơ trở thành cô giáo nhưng do hoàn cảnh không thực hiện được ước mơ của mình. Chị chịu nhiều hy sinh cho gia đình để nuôi các em đi học. Nên tôi hứa sẽ cố gắng quyết tâm học thật tốt để thực hiện ước mơ mà chị tôi còn dang dở. Cuối cùng tôi đã thi đậu vào ngành sư phạm và chọn cho mình nghề dạy học” - cô Hà Giang kể.
Giấc mơ nghề giáo thành hiện thực, cô Hà Giang càng yêu thương học trò hơn khi bắt gặp hình ảnh của mình khi các em vất vả bám chữ, vượt khó đến trường. Giảng dạy bộ môn Ngữ văn và Giáo dục công dân, cô có điều kiện tìm hiểu nhiều hoàn cảnh học sinh. Trong đó, ký ức về cô học trò nhỏ Nguyễn Thảo Vy đối với cô là đặc biệt. Chính câu chuyện về cô học trò nhỏ thôi thúc cô viết bài tham gia Cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu.
Chia sẻ về tác phẩm “Kỷ niệm không quên về cô học trò nhỏ - Nguyễn Thảo Vy”, cô Hà Giang không kìm được xúc động. Đó là cô học trò nhỏ được cô ấn tượng nhất, câu chuyện của em khiến cô không ngừng nỗ lực hỗ trợ học trò bằng cả tấm lòng của một nhà giáo.
Cô Hà Giang kể, khi tôi lục lại những tấm ảnh lưu ở trường, trong đó có tấm ảnh của cô học trò nhỏ Nguyễn Thảo Vy đang hát, đang biểu diễn văn nghệ… Thấy hình ảnh này, biết bao kỷ niệm về em hiện về trong tôi. Tôi không kìm được nước mắt nên đã viết về em ấy. Cô học trò nhỏ xinh đẹp, nhanh nhẹn, học giỏi, hát hay nhưng chẳng may bệnh hiểm nghèo đã cướp đi sinh mạng của em, khi em vừa tròn tuổi 15.
Đối với cô Hà Giang, Cuộc thi Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu là sự lan tỏa yêu thương. Không chỉ của đồng nghiệp dành cho nhau, không chỉ của học trò dành cho thầy cô giáo mà có cả tình yêu thương đong đầy của thầy cô giáo dành cho các em học sinh. Đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh bất hạnh và thiếu tình thương trong cuộc sống.
Cuộc thi cũng là cơ hội để cho mọi người bày tỏ kỷ niệm, nỗi niềm mà không thể nói cùng ai, chỉ có thể bày tỏ cảm xúc qua từng trang giấy những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu.
“Câu chuyện về cô học trò nhỏ - Nguyễn Thảo Vy, tôi muốn gửi đến các bậc phụ huynh rằng: Ở gia đình các em luôn được sự yêu thương đùm bọc, ở nhà trường, thầy cô giáo ngoài việc giảng dạy còn quan tâm, yêu thương các em đong đầy tình cảm.
Đó là câu chuyện đẹp như thầy Đặng Văn Cương yêu thương cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể như con đẻ của mình. Những thầy giáo vùng lũ cõng lương thực, cõng học sinh đến trường trong những ngày mưa bão... Tôi muốn gửi thông điệp đến tất cả các bậc làm cha, làm mẹ hãy đặt niềm tin, một sự tin tưởng vào chúng tôi, chúng tôi luôn mang đến cho các em một tình yêu thương đong đầy…”, cô Hà Giang tâm sự.