Một viên thuốc “cõng” nhiều chi phí
Đánh giá về dự thảo Luật Dược (sửa đổi), ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết: “Chúng tôi ghi nhận ban soạn thảo đã có nhiều cố gắng với bản sửa đổi lần này vì có nhiều vấn đề được chỉnh sửa, nhiều vấn đề mới được thêm vào”.
Tuy nhiên, ngay tại phiên thảo luận tổ chiều 19/11, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ để chỉ ra một số bất cập ngành dược được cử tri quan tâm.
“Do thiếu sự quản lý của Nhà nước nên thừa nhà máy sản xuất, không phát huy hết công suất, sản phẩm trùng lắp, chưa tạo dấu ấn, khó tạo đầu ra cho sản phẩm.
Khoản 1 Điều 3 của luật cũ quy định phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn và ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Nhưng trong sửa đổi Luật Dược lần này, không hiểu vì lẽ gì, điều này mất luôn. Tôi nghĩ phải giữ lại hoặc thay bằng một mệnh đề khác quyết liệt hơn, cụ thể hơn”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đưa ý kiến.
“Về chính sách mạng lưới phân phối: Rất nhiều tầng lớp trung gian, nếu là người trong ngành thì ai cũng biết.
Nếu viên thuốc sản xuất trong nước thì từ nhà máy đi qua một vài công ty phân phối đến tay người tiêu dùng.
Nhưng đối với thuốc nhập khẩu, chúng ta có công ty phân phối độc quyền nước ngoài, công ty nhập khẩu ủy thác trong nước rồi đến các công ty trong nước. Nhưng chưa có quy định nào là phải qua bao nhiêu tầng lớp trung gian. Do đó, viên thuốc, một sản phẩm dược khi đến được tay người dân đã phải đội rất nhiều chi phí. Đây chính là việc làm cho giá thuốc tăng cao”, ĐB Phong Lan nói.
Phó Giám đốc sở Y yế TP.HCM nói: “Tôi xin chia sẻ một kỷ niệm buồn. Ngày tôi nhận nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, lúc đó có khoảng 400 công ty phân phối trên địa bàn thành phố. Mục tiêu tôi đề ra làm làm sao xếp bớt lại. Nhưng rất tiếc, đối với luật, nếu người ta đến xin cấp phép mà đủ điều kiện là mình phải cấp. Con số hiện nay đã lên đến 1.000, còn cả nước thì gần 2.000”.
Liệu, chúng ta có cần đến chừng đó tầng lớp trung gian hay không?”
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (phải) nói về những trăn trở với ngành dược. |
Không phải thuốc nhập khẩu nào cũng được kiểm tra
“Trên thực tế, các công ty nước ngoài đã tiến hành phân phối trực tiếp dưới hình thức núp bóng của các công ty dược Việt Nam. Có nghĩa là các công ty dược Việt Nam không làm gì hết, chỉ ngồi đó để hưởng chi phí ủy thác thôi. Còn lại, tất cả các mặt đều là công ty nước ngoài quyết định.
Cần quyết định làm sao để quyền lợi người dân là trên hết, chứ không vì lợi ích nhóm hay vì vấn đề gì khác mà chúng ta bảo lưu quyền này mà không có lợi ích cho người dân”, vị đại biểu ngành dược nhấn mạnh.
Trong hai năm trở lại đây, có công văn tăng cường kiểm tra chất lượng 100% mẫu khi nhập khẩu đối với 37 công ty thường hay có vi phạm về chất lượng thuốc. Trong 37 công ty đó thì hết 25 công ty là của Ấn Độ. Đây là động thái hết sức đáng hoan nghênh vì chúng ta đã để ý vấn đề này. Nhưng cũng từ đây có hệ lụy là, như vậy thuốc đến tay người dân không phải cứ nhập khẩu vào là cái nào cũng được kiểm tra đâu. Cho nên, có yếu tố may rủi trong đó.
Trong năm 2014, chúng ta kiểm tra hơn 40.000 mẫu thuốc thì có hơn 80% là thuốc nội, còn gần 20% thuốc ngoại. Như vậy là thuốc nội được chăm sóc kỹ hơn. Tôi đề nghị, không phải giảm kiểm nghiệm thuốc nội xuống mà cần tăng kiểm nghiệm thuốc ngoại lên.
Chúng ta là quốc gia duy nhất trên thế giới, 63 tỉnh thành là 63 trung tâm kiểm nghiệm. Nếu 2 viện kiểm nghiệm thuốc ở Hà Nội và TP.HCM là cấp độ Trung ương thì chúng ta dồn sức đầu tư cũng được. Nhưng 63 tỉnh thành đều có, cơ sở vật chất, năng lực kiểm nghiệm nhìn mà buồn nên không thể đưa ra kết quả chính xác được. Tôi hết sức quan ngại với chất lượng thuốc.
Nhiều trường hợp, thuốc không phải thương hiệu công ty nhưng có những công ty vừa mới thành lập đã giảm giá bằng mọi cách để trúng thầu, trúng trước tính sau. Sau khi trúng rồi bắt đầu thuê mướn một doanh nghiệp khác, một nhà máy khác để gia công mặt hàng đó. Tôi còn không tin nói gì đến bác sỹ làm sao tin được.
Tôi đề nghị, với cơ chế tự chủ cho các bệnh viện, có thể chúng ta xem xét trong một chừng mực nào đó bàn với bảo hiểm y tế để có những điều khoản mở ra hướng như các nước làm, đó là phân định suất cho bệnh viện. Bệnh viện sẽ phải phụ trách bao nhiêu người bệnh với yêu cầu là phải khám chữa bệnh tốt. Với định suất đó, bệnh viện có thể tự thương lượng mua thuốc và được bảo hiểm y tế chi trả. Tại sao lại không làm được?
Phải nghiên cứu định suất. Vì như các bệnh viện tư nhân, họ có ràng buộc gì đâu nhưng sao họ vẫn mua được thuốc đảm bảo cho bệnh nhân của họ, không có vấn đề gì về giá.
Ở nước ngoài, công ty bắt tay với bác sỹ kê đơn thuốc có thể bị phạt hàng tỷ đô la
Tôi đề nghị xây dựng mô hình như trước năm 1975, mô hình dược sỹ đoàn để tăng cường vai trò hội nghề nghiệp để những người cùng nghề nghiệp giám sát lẫn nhau. Bây giờ thì mua kháng sinh quá dễ, tiềm ẩn nhiều tai hại. Người ở đâu bắt cho hết. Tội phạm mua thuốc tê, thuốc mê làm tùm lum mọi chuyện, đây là việc không thể chấp nhận được.
Ở nước ngoài, công ty bắt tay với bác sỹ kê đơn thuốc có thể bị phạt hàng tỷ đô la. Nếu bắt quả tang phải thẳng tay và phải đưa vào điều luật để sau này có trường hợp xảy ra có thể làm đúng luật.
Vấn đề đạo tạo ngành dược: Hiện nay, vẫn là dược sỹ đa khoa nhưng sau khi tốt nghiệp đa số đi kinh doanh, tay trái mở nhà thuốc. Muốn vào làm bất cứ một lĩnh vực nào đều phải đào tạo lại từ sản xuất, kiểm nghiệm, sinh hóa, dược lâm sàng… Cho nên chúng ta cần phải xem lại vì quá lãng phí. Năm năm học mà ra không làm được gì về phần chuyên môn.