Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2024): Những 'địa chỉ đỏ' thời kháng Pháp ở Đất Mũi

GD&TĐ - Cà Mau - mảnh đất tận cùng Tổ quốc - vẫn lưu giữ nhiều di tích lịch sử thời kháng chiến chống Pháp.

Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Tân Hưng (Cà Mau). (Ảnh: Quách Mến)
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Tân Hưng (Cà Mau). (Ảnh: Quách Mến)

Mỗi di tích là một hình tượng sống, ghi dấu chiến công, trí tuệ của bao trái tim quả cảm, kiên trung và trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Nơi treo cờ Đảng đầu tiên

Đình Tân Hưng thờ Thần hoàng Bổn Cảnh, nằm bên bờ kênh Rạch Rập (ấp Tân Hưng, Lý Văn Lâm, TP Cà Mau). Đình từng được vua Tự Đức sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng năm 1852 (Tự Đức ngũ niên). Công trình được nhân dân địa phương xây dựng lại vào năm 1907 trên cấu trúc cũ.

Chiến thắng Bàu Thúi chính là minh chứng sinh động về sức mạnh từ quan điểm lấy dân làm gốc của cách mạng Việt Nam. Chiến thắng này đã tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ phong trào tiến công nổi dậy của Nhân dân Cà Mau nói chung, xã An Xuyên nói riêng, khẳng định niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Sau chiến thắng, nhiều thanh niên trong vùng đã không ngại gian khổ hy sinh, tích cực đăng ký tham gia lực lượng du kích, tòng quân vào bộ đội chủ lực để chiến đấu diệt thù, góp phần làm nên thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong kháng chiến chống Pháp, đình Tân Hưng là nơi diễn ra những sự kiện quan trọng. Ngày 1/5/1930, nhóm thanh niên yêu nước gồm Lương Thế Trân, Nguyễn Ngọc Hưng và Nguyễn Đức Cao mang lá cờ đỏ búa liềm dài 2m, ngang 1m có dòng chữ ghi “Ngọc - Đức - Thế” (chữ lót tên của 3 người) và câu khẩu hiệu “Diệt trừ Pháp tặc” treo lên ngọn cây dương trước đình. Ngày hôm sau phát hiện được, bọn lính làng hoảng hốt tháo lá cờ và điều tra, truy bắt 3 thanh niên đã treo, đày ra Côn Đảo. Sự kiện treo cờ Đảng xuất hiện tại đình Tân Hưng là tín hiệu mở đầu cho phong trào cách mạng tại Cà Mau do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Lần đầu tiên Nhân dân Cà Mau được thấy cờ Đảng công khai xuất hiện, từ đó càng tin tưởng hơn vào sự nghiệp đấu tranh, chống đế quốc phong kiến giành lại độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Không chỉ diễn ra sự kiện treo cờ Đảng, đình Tân Hưng còn là nơi hoạt động của Sở Chỉ huy Mặt trận Tân Hưng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Tuy chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn nhưng Mặt trận Tân Hưng đã hoàn thành xuất sắc vai trò cầm chân giặc tại thị trấn Cà Mau không cho chúng lấn vào vùng nông thôn, giúp cách mạng bảo vệ căn cứ, tranh thủ xây dựng lực lượng, phát triển chiến tranh du kích, phục vụ kháng chiến lâu dài. Thắng lợi của Mặt trận Tân Hưng đã chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, góp phần giúp cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.

Với giá trị, ý nghĩa lịch sử quan trọng, năm 1992, đình Tân Hưng được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. “Tôi rất tự hào vì tại địa phương có ngôi đình lịch sử. Tôi thường xuyên tổ chức cho đoàn viên, thanh niên đến dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc khuôn viên khu di tích, đồng thời thắp hương bày tỏ lòng thành kính đối với các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua đó, nhắc nhở bản thân mỗi đoàn viên ra sức phấn đấu trong học tập, lao động nhằm góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày thêm giàu đẹp”, anh Trần Phương Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lý Văn Lâm chia sẻ.

nhung dia chi do thoi khang phap o dat mui (3).jpg
Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình Tân Hưng (Cà Mau). (Ảnh: Quách Mến)

Chốn ghi dấu chiến công của Tiểu đoàn 307

Nhắc đến những địa danh, di tích lịch sử ở Cà Mau thời kỳ kháng chiến chống Pháp không thể không kể đến di tích địa điểm trận chiến thắng Bàu Thúi thuộc ấp 6 (xã An Xuyên, TP Cà Mau).

Nơi đây vào ngày 13/3/1953, Tiểu đoàn 307 cùng đồng bào xã An Xuyên đã mưu trí, anh dũng, thực hiện kế sách “án binh bất động”, chặn đánh tiểu đoàn PeMeo của Pháp tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.

Ông Nguyễn Tấn Trạch (95 tuổi), thành viên Tiểu đoàn 307, từng tham gia trận đánh Bàu Thúi cho biết, ngày xưa khu vực này người dân gọi là Bàu 7 Mẫu nhưng do trận đánh của Tiểu đoàn 307 tại đây ta tiêu diệt nhiều tên địch, xác chúng chết lâu ngày thúi nước nên người dân sau đó gọi là Bàu Thúi. Trận phục kích địch tại Bàu Thúi được xem là trận đánh lớn, khiến địch tổn thất nặng nề và khiếp sợ. Đây cũng là thắng lợi quan trọng đầu tiên của Tiểu đoàn 307 khi hoạt động tại vùng Bạc Liêu - Cà Mau.

“Trong suốt thời gian từ khi thua trận tại Bàu Thúi cho đến khi Hiệp định Geneve được ký kết, thực dân Pháp không một lần dám trở lại An Xuyên. Ngược lại, Tiểu đoàn 307 ngày một mở rộng sức ảnh hưởng trong quần chúng, là biểu tượng của sức mạnh đoàn kết và tinh thần chiến đấu của Nhân dân Nam Bộ thành đồng”, ông Trạch nói.

nhung dia chi do thoi khang phap o dat mui (4).jpg
Di tích địa điểm trận chiến thắng Bàu Thúi. (Ảnh: Quách Mến)

Ngày 15/11/2017, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định xếp hạng địa điểm trận chiến thắng Bàu Thúi là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện tại, di tích trận chiến thắng Bàu Thúi được chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh xã An Xuyên chọn làm điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nhân các ngày trọng đại của dân tộc và ngày truyền thống của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Cà Mau. Đồng thời cũng là nơi diễn ra các buổi họp mặt, ôn lại truyền thống của Tiểu đoàn 307.

“Thế hệ trẻ hôm nay cần phải biết, hiểu về lịch sử địa phương; phát huy truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Từ đó không ngừng phấn đấu trong học tập, lao động, sản xuất, làm theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ ông cha ta đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông Nguyễn Tấn Trạch nhắn nhủ.

nhung dia chi do thoi khang phap o dat mui (6).jpg
Học sinh về nguồn ôn lại truyền thống tại Di tích Bia Kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ. (Ảnh: Quách Mến)

Khu vực in tiền giấy phục vụ kháng chiến chống Pháp

Ngày 1/11/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh cho phép phát hành tín phiếu trị giá 20 triệu đồng tại Nam Bộ, đồng thời thành lập Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ tại chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa, Long An). Để che mắt địch và bọn Việt gian, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được mang biệt danh là “Ban Trồng Tỉa số 10”.

Từ năm 1949, địch mở rộng chiến tranh, đánh phá nhiều nơi. Để đảm bảo an toàn việc in giấy bạc, cơ quan Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã di chuyển tới chiến khu U Minh, Cà Mau. Tại khu vực này, Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ lần lượt tổ chức các phân ban Ấn loát, mặt khác thành lập phân xưởng sản xuất giấy in bạc, cơ khí, thiết bị in….

"Do đặc thù rừng U Minh chỉ có một thứ nước màu nâu, khi sản xuất giấy bạc, ngôi sao hình chìm có màu nâu tự nhiên của màu nước U Minh, rất khó làm giả. Việc in tiền tại chiến khu lúc bấy giờ vô cùng khó khăn, cán bộ, công nhân viên Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ đã lao động quên mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Các loại giấy bạc đã được in với mệnh giá: 1, 2, 5, 10, 20, 50, 100, 200 và 500 đồng, có hình Bác Hồ kính yêu và biểu tượng công, nông, binh, trí được lưu hành khắp Nam Bộ”, ông Nguyễn Văn Hùng, nguyên cán bộ Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ chia sẻ.

Những tờ giấy bạc in ra được xem là công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén có hiệu quả đấu tranh trên mặt trận tài chính, tiền tệ với thực dân Pháp xâm lược; khẳng định chủ quyền quản lý tài chính, tiền tệ sau khi giành chính quyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bởi trong mỗi đồng tiền đó hàm chứa đầy đủ ý nghĩa chính trị, kinh tế, tài chính sâu sắc, trên cơ sở lấy dân làm gốc, lấy lòng dân làm nền tảng để thay thế cho “bản vị vàng”.

Di tích Bia Kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ hiện tọa lạc tại xã Hàm Rồng (Năm Căn). Di tích này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 2010.

Tháng 7/2012, công trình Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ được trùng tu, xây dựng lại khang trang gồm nhiều hạng mục với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng do Bộ Tài chính hỗ trợ.

"Trong những dịp lễ lớn của dân tộc, nhà trường thường tổ chức cho học sinh tham quan, về nguồn tại công trình Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ để các em biết thêm về lịch sử địa phương, những hy sinh đóng góp của thế hệ cha ông đi trước, làm động lực để phấn đấu hơn trong học tập”, thầy Phạm Vũ Ân, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Ngọc Hiển (Năm Căn) thông tin.

Em Phạm Hoàng Minh, học sinh Trường THCS Phan Ngọc Hiển cho biết, em từng đến di tích Bia kỷ niệm Ban Ấn loát đặc biệt Nam Bộ và biết đây là nơi ngày xưa cha, ông in tiền phục vụ kháng chiến. “Em rất nể phục tinh thần dũng cảm, mưu trí của các anh hùng liệt sĩ. Trong hoàn thành khó khăn, gian khổ, vẫn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Được sống trong điều kiện đầy đủ, em sẽ ra sức nỗ lực học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích cho xã hội, xứng với công lao, sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước”, Hoàng Minh nói.

Ngoài 3 di tích kể trên, tỉnh Cà Mau còn có nhiều di tích gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp như: Hồng Anh Thư Quán (nơi hội họp của Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội); nhà Dây thép (nhà Bưu điện của thực dân Pháp được các chiến sĩ cách mạng tận dụng làm điểm liên lạc, trao đổi thông tin); căn cứ Lung Lá - Nhà Thể (nơi đồng chí Trần Văn Thời dùng ngôi nhà và khu vườn của gia đình mình làm điểm hoạt động của Ðảng); Sở Giáo dục Nam Bộ (xã Nguyễn Phích, U Minh, giai đoạn 1948 - 1954)... Tất cả những di tích đó đều là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.