Kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

GD&TĐ - Ngày 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Lễ kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và hơn 3.000 đại biểu đại diện cho hơn 32.000 học sinh miền Nam.

Tháng 5/1949, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu, nơi rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ các ngành sau này đã trưởng thành.

Các thế hệ thiếu sinh quân Việt Nam đã xây dựng nên truyền thống quý báu, tình cảm cách mạng sâu sắc, đóng góp vào các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, xây dựng đất nước.

Từ thành công của mô hình giáo dục đào tạo này, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra chủ trương đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, cho cả nước.

Để nuôi dạy học sinh miền Nam, Đảng và Chính phủ đã cho lập các trường học sinh miền Nam. Hệ thống trường rất đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và bổ túc văn hóa, có cả trường cho con em đồng bào các dân tộc miền núi…

Quang cảnh lễ kỉ niệm
 Quang cảnh lễ kỉ niệm

Đội ngũ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, phục vụ được tuyển chọn từ những lực lượng ưu tú của ngành giáo dục và các địa phương.

Có thể nói, trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, lại phải tập trung dồn toàn bộ nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thì những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó đều ưu tiên dành cho học sinh miền Nam.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Nhờ sự yêu thương, chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, của Chính phủ, của nhân dân và sự phấn đấu rèn luyện không ngừng của bản thân, đội ngũ học sinh miền Nam phần đông đã có những bước trưởng thành vượt bậc, có những đóng góp hết sức xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm. 

Thủ tướng khẳng định: Các thế hệ học sinh miền Nam tự hào là lớp người đã góp phần thực hiện xuất sắc, nghiêm túc di chúc thiêng liêng của Bác Hồ.

Các thế hệ học sinh miền Nam từ tuổi thơ cho đến ngày nay, dù ở bất cứ cương vị nào, dù ở nơi đâu cũng luôn dành trọn niềm tin với Đảng, với Tổ quốc, ghi nhớ công ơn của Đảng, của Bác Hồ và khắc sâu trong lòng những tình cảm ân tình, sự hy sinh, nhường cơm sẻ áo của nhân dân miền Bắc.

Chia sẻ về mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là một trong những mô hình giáo dục thành công của nền giáo dục và đào tạo cách mạng nước ta. Đó là bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và tổ chức điều hành.

Các trường đã thực hiện nguyên lý giáo dục toàn diện, học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, từ tình thương yêu của người thầy, xây dựng nên tình thầy trò sâu nặng, nhân tố quyết định để dạy tốt, học tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta không thể đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo ngày nay phải sao chép mô hình nuôi dạy học sinh miền Nam cách đây mấy chục năm trong điều kiện chiến tranh, đất nước còn chia cắt nhưng những thành tựu ấy, những bài học ấy gợi mở cho chúng ta cách suy nghĩ để quyết tâm đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỉ niệm
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỉ niệm

Thủ tướng đề nghị ngành GD-ĐT phải đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý giáo dục. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý thạo việc, có năng lực điều hành, có tâm trong sáng, đi sát thực tế, lắng nghe đồng nghiệp và nhân dân.

Đặc biệt có hình thức đào tạo sáng tạo, phù hợp, nhất là đội ngũ cán bộ kế cận ở các cấp, đào tạo lực lượng lao động có kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc của người Việt Nam.

Thủ tướng tin tưởng, "Dù khó khăn đến đâu chúng ta cũng phải quyết tâm dạy tốt, học tốt", bởi đây là một nghề cao quý như Bác Hồ đã dạy. Bên cạnh đó, chúng ta còn có cả hệ thống chính trị và nhân dân đang chung sức, đồng lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ