Kỷ niệm 225 năm ngày mất Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác

Lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, được tổ chức ngày 21/2 ở Hà Tĩnh.

Kỷ niệm 225 năm ngày mất Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Dâng hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngày 21/2, tại huyện Hương Sơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tổ chức Lễ kỷ niệm 225 năm ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và đón Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Lê Hữu Trác hiệu là Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 12/11 năm Canh Tý (tức ngày 11/12/1720), tại thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam huyện Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên ông sống nhiều (từ năm 26 tuổi đến lúc mất) ở quê mẹ xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn và cũng qua đời tại đây vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), thọ 71 tuổi.

Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, danh giá với nhiều người đỗ đạt, Lê Hữu Trác nổi tiếng thông minh, học rộng, thơ hay. Suốt cả cuộc đời làm thuốc, ông đã có công sưu tầm, phát triển và bổ sung 305 vị thuốc Nam, thu thập tổng hợp 2.854 phương thuốc hay của các bậc tiền bối lưu truyền trong dân gian.

Sau hơn 40 năm miệt mài nghiên cứu và tận tụy chữa bệnh cứu người, Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho nền y học Việt Nam một di sản quý giá, đặc biệt là bộ sách “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 22 tập, 66 quyển.

Những trước tác mà đại danh y để lại chính là bộ giáo khoa kinh điển mẫu mực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng về y đức, y đạo, y thuật cho các thầy thuốc đời sau.

Ông trở thành một bậc thiên tài kiệt xuất của nền y học cổ truyền Việt Nam và một nhà văn hóa lớn.

Ngay sau khi Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông qua đời, để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân huyện Hương Sơn đã tổ chức các hoạt động tế lễ như dâng hương tại mộ, lễ cúng tại nhà thờ, cầu siêu tại chùa Tượng Sơn. Từ đó, cứ mỗi dịp rằm tháng Giêng, nhân dân khắp nơi lại về Hương Sơn thắp hương tưởng nhớ Đại danh y.

Lễ hội Hải Thượng còn được gọi là Lễ hội cầu sức khỏe. Đặc biệt, từ sau khi quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1985, lễ hội này ngày càng được phát triển cả về quy mô, nội dung và hình thức.

Lễ hội truyền thống Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Lễ chính được diễn ra trong hai ngày 13 và 14 tháng Giêng Âm lịch: Lễ dâng hương và tưởng niệm, Lễ cầu sức khỏe, quốc thái dân an, đốt và thả đèn hoa đăng.

Phần hội bao gồm các hoạt động trình diễn nghệ thuật truyền thống như dân ca, hò, vè, ví giặm và các trò chơi dân gian đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.

Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lê Đình Sơn, Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã trao Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cho Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.

Trước đó, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, lãnh đạo hai tỉnh Hà Tĩnh và Hưng Yên, cùng đông đảo y, bác sỹ, thầy thuốc trong cả nước đã đến dâng hương, dâng hoa và trồng cây lưu niệm tại Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông, xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và dâng hương tại Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông, thôn Bàu Thượng, xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh./.

Theo Vietnam+

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.