Thầy giáo Võ Nguyên Giáp qua sách và ký ức học trò

Thầy giáo Võ Nguyên Giáp qua sách và ký ức học trò

Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người thầy của nhiều thế hệ học trò, truyền cảm hứng mãnh liệt về tình yêu quê hương, đất nước qua bài giảng, qua trang sách.

Đại tướng đọc sách Hồ Chí Minh toàn tập. Sinh thời, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh tư liệu.
Đại tướng đọc sách Hồ Chí Minh toàn tập. Sinh thời, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. Ảnh tư liệu.
 

Có rất nhiều tác phẩm trong và ngoài nước viết về cuộc đời, sự nghiệp của Tướng Giáp. Các sử gia, học giả nước ngoài dành những trang sách để ca ngợi vị tướng Việt Nam không tốt nghiệp trường võ bị nào nhưng trong quân nghiệp, ông đã làm nên điều kỳ diệu là cùng cả dân tộc thực hiện hai cuộc kháng chiến, thắng hai kẻ thù hùng mạnh - thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều trang sách, tác phẩm khắc họa và lý giải con người đời thường của Tướng Giáp - một con người làm nên huyền thoại từ cội rễ của lòng yêu quê hương, đất nước.

Ở một phương diện khác, trong lòng nhiều thế hệ học giả, nhà văn, nhà báo, Tướng Giáp là người thầy hiền từ, người truyền cho những ai từng may mắn là học trò của ông một điều hết sức giản dị, như lời mở đầu của một diễn ca mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam".

Trong cuốn sách biên soạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua góc nhìn của tri thức và văn nghệ sĩ (NXB Thanh Niên), nhiều câu chuyện về những phẩm chất nhân văn bên trong vị dũng tướng đã được kể lại.

Nhân dịp kỷ niệm 45 chiến thắng Điện Biên Phủ (1999), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara có cuộc gặp gỡ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà sử học Dương Trung Quốc là một trong những người có mặt ở sự kiện này. Cuộc nói chuyện được miêu tả như cuộc đấu trí về mặt ngôn từ giữa hai vị tướng lừng danh một thời.

Bên cạnh "bộ óc điện tử" McNamara, sự nhân văn trong phẩm chất nhà giáo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gây ấn tượng mạnh. Vị tướng Việt Nam đã dẫn Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, để nhắc với người Mỹ về triết lý "lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo" của dân tộc.

Sau này, Stein Tonnesson - Nhà sử học Na Uy, người cũng có mặt trong buổi nói chuyện, bình luận về cuộc gặp mặt giữa hai vị tướng: "Lần này Tướng Giáp lại thắng trong một trận chiến về ngôn từ".

GS.NGND Phan Huy Lê từng kể lại: Năm 1998, Đại tướng cùng gia đình tiếp con trai của cố Tổng thống Mỹ J.Kennedy. Trong suốt cuộc gặp gỡ, Tướng Giáp bộc lộ rõ phong cách của người thầy dạy sử năm nào. Lối nói chuyện giản dị, đầy sức thuyết phục của ông về mối quan hệ và lịch sử giữa hai nước đã gieo vào lòng chàng trai Mỹ nhiều ấn tượng đẹp.

Theo những trang viết của Trung tướng Phạm Hồng Cư, trong giai đoạn 1936 - 1939, nghề chính của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dạy học ở trường Thăng Long (Hà Nội). Sau đó, ông tiếp tục học trường Luật và dành phần lớn thời gian cho báo chí...

Khi còn là giáo viên, những bài giảng của Đại tướng về lịch sử dân tộc, lịch sử các nước, nhất là cuộc Cách mạng Pháp... đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều thế hệ học trò. Những bài giảng ấy bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc... Sau này, nhà văn Hoàng Công Khanh từng chứng kiến cảnh, một lần vào viện thăm Tướng Giáp, một vị giáo sư, tiến sĩ đã ở tuổi gần 80 vẫn khoanh tay lễ phép chào người thầy gần 90 tuổi.

Giáo sư Trần Văn Trà, người không trực tiếp ngồi lớp học thầy Giáp, vẫn nhớ mãi những tập giáo trình lịch sử do Đại tướng viết nên và được học trò truyền tay nhau một thời. Những bài học được cấu trúc rất dễ thuộc, dễ nhớ... đã nung nấu trong lòng nhiều thế hệ thanh niên về lý tưởng sống sao cho xứng đáng với quê hương, xứ sở.

Tâm niệm cho "dân giàu, nước mạnh" là tâm niệm trọn đời của một người thầy hiểu rõ chân lý của lịch sử. Bởi mọi cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do chung quy lại đều thành công từ sức mạnh của nhân dân, vì nhân dân.

Cố nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, trong một cuộc trò chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hỏi: "Sau này khi chiến tranh kết thúc, liệu anh Văn có về dạy học nữa không?". "Nghề dạy học là nghề tôi yêu thích, song làm kinh tế để dân giàu nước mạnh là điều tôi hằng mong" - Đại tướng trả lời.

Nhà văn Sơn Tùng từng có bài viết Đại tướng người thầy năm xưa và mãi mãi nhắc lại lần hội ngộ tình cờ với một học trò của Tướng Giáp. Người học trò, một người dân tộc đến từ Thái Nguyên, lúc này đã là ông lão ở tuổi thất thập.

Nhưng trong ông vẫn in đậm dấu ấn ký ức về người thầy giáo một thời, ở độ tuổi hơn 30 đẹp trai thư sinh, được tổ chức điều về vùng cao dạy cho đồng bào dân tộc Mười chính sách của Việt Minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông có cách giảng dạy dễ nhớ dễ hiểu, vừa nói tiếng Kinh vừa nói tiếng Tày, soạn cả bài giảng thành thơ bằng tiếng Tày, tiếng Thái. Bài thơ 125 câu Việt Minh ngũ tự kinh bằng tiếng Tày được người học trò thuộc nằm lòng:

"... Nước ta bị Tây cướp
Đã bảy tám mươi năm
Chúng đè nén giam cầm
Bắt ta làm nô lệ

Muốn đuổi cho sạch hết
Bọn đế quốc hùng cường
Thì ta phải theo gương
Các anh hùng dân tộc..

Ra đấu tranh hy sinh
Dưới lá cờ Việt Minh
Toàn dân cùng đoàn kết
Cùng đồng tâm hiệp lực
Đánh đuổi bọn hung tàn
Để lấy lại giang sơn
Mưu tự do độc lập

...

Dân khắc bầu chính phủ
Dân có quyền tự do
Được hội họp tha hồ
Được nói bàn phải trái
Được bán buôn đi lại
Trên đất nước nhà mình
Thổ, Mường, Mán, Nùng, Kinh...
Thương yêu nhau thân ái"

GS Phan Huy Lê khẳng định: Cần nhìn nhận Đại tướng như một nhà sử học lớn của Việt Nam trong thế kỷ 20. Khi hòa bình lập lại, Tướng Giáp đã dành nhiều tâm lực để viết những tổng kết lịch sử, lấy trải nghiệm cuộc đời mình làm bài học cho thế hệ sau.

Đại tướng là tác giả hàng loạt cuốn sách như: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu giữa vòng vây, Điểm hẹn Điện Biên, Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng...

Nhiều cuốn sách của ông được dịch sang các thứ tiếng, được các học giả dùng làm tài liệu nghiên cứu một chặng đường lịch sử Việt Nam, như cuốn How We Won the War, đến nay đã tái bản tám lần và được dùng như giáo trình của khoảng 30 trường cao đẳng, đại học ở Mỹ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103, hôm 4/10. Ông ra đi, để lại cho Việt Nam một biểu tượng huyền thoại. Bên cạnh chân dung một vị tướng quân sự, ông là người thầy dạy sử, là người viết nên lịch sử bằng tài năng và đức độ của mình.

Theo Vĩnh Tế
VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ