Những ngày này khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, thầy và trò Trường Tiểu học Thăng Long (nơi năm 1938 Đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy Lịch sử) vô cùng đau buồn và tiếc thương vị tướng tài ba của dân tộc Việt Nam.
Hiệu trưởng Phan Thị Thắng tự hào giới thiệu về bề dày truyền thống của nhà trường |
Bà Bùi Thị Liên – Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long từ năm 1977 – 1995 cho biết: Khi nghe tin thầy Võ Nguyên Giáp mất bà rất buồn và bất ngờ mặc dù vẫn biết điều đó sẽ xảy ra, nhưng vẫn cảm thấy mình như mất đi một điều gì rất to lớn.
Bà Liên nhớ lại, các thầy cô giáo thời bà còn làm hiệu trưởng thường gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thầy Đại tướng. Những lúc bố trí được thời gian Đại tướng vẫn luôn đến thăm trường để động viên thầy và trò.
Lần nào đến trường, Đại tướng cũng rất ân cần như người ông, người cha tới thăm các con, các cháu, chỉ bảo tận tình, Đại tướng vẫn bảo trường phải dạy như thế nào để làm cho học sinh vừa học vừa vui, những tình cảm, những điều căn dặn của Đại tướng đó khiến bà Liên không thể quên.
“Mỗi lần thầy về là một kỉ niệm. Thầy Giáp bảo, mỗi trường học ngoài dạy chữ ra thì còn phải dạy học sinh làm người, tôi vẫn nhớ như in như vậy. Thầy đã ân cần chỉ bảo cho chúng tôi những điều tốt đẹp. Những ngày 20/11 nhà trường cũng xuống tổ chức chúc thọ thầy ở tư gia số 30 Hoàng Diệu, lần nào đến thầy cô cũng ra đến tận cửa vồn vã, ân cần đón tiếp, rồi dẫn ra vườn chơi, đi dạo trong vườn. Hình ảnh đó không bao giờ quên, thầy Giáp mặc dù là Đại tướng đấy nhưng rất gần gũi, chan hòa với mọi người, đúng là một phẩm chất đáng quý”, bà Liên bồi hồi nhớ lại.
Được công tác tại mái trường có bề dày truyền thống, bà Liên luôn tự hào về mái trường này. Bà còn nhớ những ngày thầy và trò trường Thăng Long đi làm cách mạng. Những ngày đó thật hào hùng và oanh liệt.
Bà Phạm Thị Luật – Giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long từ năm 1991 - 2009 cũng vinh dự một vài lần được gặp Đại tướng kể: “Thầy Giáp là người rất tâm huyết mặc dù trăm công nghìn việc nhưng thầy vẫn thường xuyên đến trường, nhất là những ngày khai giảng, thầy cũng thường xuyên quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, góp rất nhiều sách cho trường để tăng thêm nguồn sách cho thư viện cũng như cho cô giáo đọc. Trong đó vừa là sách của thầy Giáp viết vừa là sách của thiếu niên, nhi đồng, thầy Giáp là người rất quan tâm đến thế hệ trẻ của trường, bác căn dặn các thầy cô, học sinh nhiều lắm”.
Đây là bức ảnh cuối cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới dự Lễ khai giảng cùng nhà trường những năm Đại tướng 90 tuổi. |
Giờ đây, thầy Võ Nguyên Giáp đã đi xa nhưng trong tâm trí của bà Luật thì hình ảnh, lời căn dặn đó vẫn in đậm. Kỷ niệm nhớ nhất đối với người thầy đáng kính mà bà Luật không quên là những ngày 10/10 hàng năm, hay ngày chiến thắng Điện Biên Phủ thì trường Thăng Long tổ chức tới nhà Đại tướng chúc mừng. Những lúc như vậy bà Luật xúc động không nói nên lời là chỉ cảm ơn Đại tướng.
Biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, bà Luật xúc động: “Không những tôi mà toàn dân tộc Việt Nam đều thương tiếc, một học trò xuất sắc của Bác Hồ, không những là góp sức cho đất nước giải phóng dân tộc, mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Riêng trường Thăng Long toàn bộ giáo viên, nhân viên, học sinh cũng rất thương tiếc bác, một tổn thất lớn cho đất nước, cho gia đình và cho trường Thăng Long”.
Cô Mai Thị Minh Nguyệt – Giáo viên dạy môn Lịch sử - nghẹn ngào nói: “Nghe tin Đại tướng từ trần cả trường Thăng Long vô cùng xúc động, trường mất đi một thầy giáo tiền bối. Từ đáy lòng mình tôi cảm thấy vô cùng xúc động, là thế hệ giáo viên hiện tại trường biến đau thương thành hành động, trong giảng dạy, chăm sóc thế hệ mầm non tương lai của Tổ quốc. Chúng tôi nhớ lại những ngày thầy Giáp về thăm trường, thầy căn dặn chúng tôi rất nhiều điều, từ những điều cụ thể là chăm sóc, dạy dỗ đàn em thơ như thế nào đến tư tưởng cách mạng, truyền thống của nhà trường”.
Cô Nguyệt cũng cho biết, nhớ lại những ngày trường được đón Huân chương độc lập, thầy Võ Nguyên Giáp không đến được thường gửi hoa chúc mừng hoặc cử phu nhân đến chúc mừng trường. Chính cô Nguyệt là giáo viên phụ trách cháu nội của Đại tướng: “Khi tôi được dạy hai cháu nội của thầy Giáp thì đầu năm học thầy thường gửi cho lớp một tủ truyện, thời gian khó khăn về đồ dùng dạy học thì thầy lại gửi cho tôi những tranh ảnh về trực quan giảng dạy. Những điều đó tôi cảm thấy thầy Giáp lúc nào cũng gần gũi với tập thể giáo viên trường Thăng Long”.
Một câu nói của thầy Võ Nguyên Giáp khiến cho cô Nguyệt in đậm trong đáy lòng mình, đó là một lần tới thăm trường phu nhân của thầy có truyền đạt lại ý của thầy Giáp rằng: “Do tuổi cao, sức khỏe không tốt nên bác không đến thăm động viên các con được, nhưng bằng tình cảm của mình bác gửi cho các con những tình cảm, những cuốn truyện tri thức này, mong các con dạy cho trò trở thành con ngoan, trò giỏi”.
Những lúc bố trí được thời gian thầy Võ Nguyên Giáp đến trường thăm thầy và trò trường Thăng Long |
Thấm nhuần tình thần mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã căn dặn thầy và trò trường Thăng Long, cô giáo Nguyệt chia sẻ về cách dạy lịch sử cho học sinh trường mình. Cô bảo, những tiết dạy đầu tiên của ngày khai giảng là dạy cho học trò những truyền thống quý báu của nhà trường, từ thời thầy Giáp là người cách mạng đầu tiên, bằng cả tấm lòng và niềm tự hào, mong các em kế thừa, phát huy những tinh thần và truyền thống tốt như dạy hay, học tốt, noi gương các thầy đi làm cách mạng.
“Tôi thấy những đôi mắt trẻ thơ ấy như nuốt từng lời nói của cô giáo, các em có lòng tự hào khi được là học sinh của trường Thăng Long. Mỗi khi được đón thầy Giáp về trường chúng tôi cảm nhận như đón một người cha, người anh về với trường” - Cô Nguyệt xúc động.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Thăng Long Phan Thị Thắng cho biết, để tưởng nhớ tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Lớp thầy giáo đầu tiên của nhà trường, trong buổi sáng 7/10 Ban giám hiệu cùng học sinh trường đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ Đại tướng. Đồng thời thầy và trò nhà trường đã ôn lại những trang sử hào hùng và những muốc sử chói lọi từ khi trường ra đời, những công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.