Theo ông Hà Tiến Sĩ – Phó Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT Cao Bằng), nội dung phòng chống thảm họa thiên tai đang được triển khai trong các trường học tỉnh Cao Bằng. Mặt khác, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT cũng đã tập huấn GV cốt cán các trường nội dung này, trên cơ sở đó GV cốt cán sẽ triển khai lồng ghép vào các môn học, tuyên truyền dưới hình thức ngoại khóa... ở trường mình.
Tuy nhiên, sau dư chấn động đất vừa qua cho thấy, ngoài tâm lý chủ quan loại hình thiên tai trên không xảy ra ở địa phương, công tác giáo dục kỹ năng phòng chống thảm họa thiên tai cho HS (trong đó có nội dung động đất) mới được giới thiệu một cách khái quát, chung chung (tìm vị trí an toàn cho bản thân; hỗ trợ trẻ em - người già ra sao…). Nội dung hướng dẫn này chưa trở thành những chuyên đề giáo dục kỹ năng chuyên sâu cho cả GV và HS các cấp bậc học.
GD kỹ năng thoát hiểm cho HS vùng cao trước bất thường của thiên nhiên không thể xem nhẹ, chủ quan. |
Trước thực trạng trên, ngành GD-ĐT Cao Bằng sẽ triển khai hoạt động giáo dục kỹ năng chống thảm họa thiên tai sâu hơn, đặc biệt nội dung động đất sẽ được nhấn mạnh, chi tiết. Bên cạnh tăng cường nội dung giảng dạy, thời lượng cũng sẽ tăng lên theo từng loại thảm họa thiên tai (động đất, lũ lụt…). Như vậy, HS sẽ chủ động và có kỹ năng ứng phó tốt hơn trước những hiện tượng bất thường của thiên nhiên.
Theo ông Hà Tiến Sĩ, để khắc phục kịp thời hậu quả của dư chấn, ngành GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường rà soát lại cơ sở vật chất. Lớp học không bảo đảm an toàn cho việc dạy và học thì di chuyển HS sang các phòng khác; Cùng đó xây dựng kế hoạch trình các cấp có thẩm quyền để sửa chữa khắc phục trường lớp nhanh chóng.