Từ thực tiễn giảng dạy, cô Nguyễn Thị Giang - Giáo viên Trường THCS Thị trấn Khoái Châu (Hưng Yên) nhận thấy, lượng kiến thức học sinh phải chiếm lĩnh trong một giờ lên lớp tương đối nhiều, số tiết dành cho luyện tập rất ít, trong khi đó, đặc điểm của học sinh THCS là khả năng tập trung, tổng hợp, khái quát hóa chưa cao.
Để giải các bài tập về công thức hóa học học sinh cần phải có các kiến thức và kĩ năng toán học: Giải phương trình bậc nhất, giải hệ phương trình, phương pháp biện luận, tính toán theo tỷ lệ phần trăm…
Hơn nữa, trong một lớp học có nhiều đối tượng học sinh có trình độ nhận thức khác nhau, điều đó gây không ít khó khăn cho giáo viên khi vừa phải chú ý bồi dưỡng học sinh khá giỏi, lại vừa phải quan tâm học sinh yếu kém.
Phân dạng bài tập về công thức hóa học
Trước thực tế này, trong quá trình giảng dạy, cô Giang đã thực hiện một số biện pháp, kết quả đạt được rất tốt, như: Phân dạng các bài tập về công thức hóa học một cách khái quát; xây dựng phương pháp giải và có các ví dụ minh họa cho từng dạng bài.
Sau đó, lên kế hoạch cho việc tích hợp mỗi dạng bài vào từng phần nội dung của tiết học sao cho phù hợp với nội dung chương trình dạy học.
Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học tích cực và đổi mới kiểm tra đánh giá, vừa thực hiện tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.
Nghĩa là, sau khi các nhóm học sinh hoàn thành nhiệm vụ, thảo luận thống nhất, giáo viên đưa ra đáp án chuẩn, phương pháp trình bày khoa học nhất, từ đó yêu cầu các em tự đánh giá hoặc cho các nhóm đánh giá chéo nhau để đảm bảo khách quan, kết hợp với đánh giá của giáo viên.
Giáo viên đánh giá cao các cách giải hay, sáng tạo của học sinh nhằm kịp thời động viên các em tích cực phát huy vận dụng sáng tạo trong học tập.
Việc kết hợp đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học phần công thức hóa học như vậy, theo cô Giang, không những khiến cho học sinh phát triển về mặt trí tuệ, thể lực, nhân cách, còn giúp cho các giờ học trở nên nhẹ nhàng, hiệu quả, đồng thời rèn cho các em nhiều kĩ năng như tự nghiên cứu, tư duy tổng hợp, khái quát hóa, khả năng liên hệ, vận dụng linh hoạt, kĩ năng ra quyết định, nhận xét, đánh giá và kĩ năng giao tiếp…
Sử dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề
Đối với những nội dung tích hợp vào giờ dạy trên lớp, cô Giang cho biết sử dụng phương pháp dạy học nêu và giải quyết vấn đề rất có hiệu quả.
Cụ thể: Đưa ra những tình huống có vấn đề và từ đó thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo của học sinh, định hướng quá trình giải quyết vấn đề của các em sao cho hiệu quả nhất. Có khuyến khích động viên những học sinh có lời giải hay.
Tạo tâm lý thoải mái, tránh sự căng thẳng hoặc khó chịu khi học sinh không trả lời được câu hỏi.
Tạo điều kiện để học sinh củng cố niềm tin khi trả lời câu hỏi, mức độ tăng dần từ dễ đến khó.
Đặt ra những câu hỏi có tình huống để thu hút được học sinh vào công việc tự học, đồng thời trả lời những thắc mắc ngay trong giờ học, nhằm bảo đảm được tính hấp dẫn hứng thú, say mê học.
Giao nhiệm vụ về nhà với phương pháp dạy học dự án
Đối với những nội dung giao về nhà cho học sinh, cô Giang sử dụng phương pháp dạy học dự án. Giao cho mỗi nhóm từng dự án riêng hoặc giao chung một nhiệm vụ cho nhiều nhóm.
Những nội dung này thường khó, nên giáo viên hướng dẫn học sinh cách tìm tòi, nghiên cứu kiến thức trong sách giáo khoa, sách bài tập hóa học và một số sách tham khảo những chuyên đề hay và khó hóa học THCS….
Nhiệm vụ giao cho học sinh được giới hạn trong phạm vi kiến thức cụ thể và khoảng thời gian nhất định, có nghiệm thu kết quả và tiến hành đánh giá, có thể cho học sinh cách nhóm tự đánh giá, giáo viên kiểm tra lại kết quả, khích lệ động viên kịp thời kết quả đạt được và chỉ ra nhưng sai sót của học sinh.
Hệ thống bài tập phù hợp chuẩn kiến thức kĩ năng
Tuy nhiên để chất lượng dạy học đạt hiệu quả tốt, cô Giang lưu ý, các dạng bài tập phải đảm bảo mục tiêu bài học, phù hợp với chuẩn kiến thức kĩ năng trong nhà trường THCS.
Các câu hỏi đặt ra đều tập trung vào các đơn vị kiến thức cần ghi nhớ hoặc liên quan đến nội dung bài học. Vì qua các dạng bài tập được hệ thống sẽ rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn hiệu quả hơn.
Tùy từng bài dạy mà giáo viên bám sát vào vào mục tiêu của bài học để tích hợp các nội dung bài tập cho hợp lý, khoa học và hiệu quả.
Khi đánh giá kết quả của các em, giáo viên cần phải nghiêm khắc và công minh, đánh giá quá trình cố gắng của từng học sinh, động viên kịp thời để kích thích sự tích cực và hăng hái khám phá của học sinh.
Xem cụ thể phương pháp giải một số dạng bài tập về công tác hóa học của cô giáo Nguyễn Thị Giang TẠI ĐÂY