Dạy những kiến thức cơ bản
Giáo dục an toàn giao thông cho trẻ là cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp trẻ có những hiểu biết thiết thực về luật. Trẻ sẽ nắm vững những luật lệ cơ bản khi đi đường như phải đi bộ trên vỉa hè, tham gia giao thông bên tay phải và tuân theo tín hiệu xanh, đỏ, vàng của đèn giao thông ở ngã tư đường phố.
Trẻ sẽ hình thành những thói quen tốt khi tham gia giao thông, biết phê phán, không đồng tình với những hành vi không đúng khi tham gia giao thông. Từ đó, trẻ cũng sống có quy tắc, kỷ luật hơn, làm nền tảng trở thành người tuân thủ pháp luật sau này.
Theo cô Đỗ Thị Hường (giáo viên Trường Liên cấp quốc tế IQ Hà Nội), dạy trẻ về luật giao thông, đầu tiên cha mẹ phải giải thích những thông tin cần thiết về giao thông đường bộ, những rủi ro mà trẻ sẽ gặp phải nếu không tuân thủ luật giao thông.
Hãy nói với trẻ rằng nếu không tuân thủ luật giao thông thì không chỉ có bản thân trẻ mà còn những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng theo.
Đồng thời, trong quá trình dạy trẻ hiểu luật giao thông, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ cách đi bộ an toàn như đi vào vỉa hè, chỉ băng qua đường khi đèn xanh dành cho người đi bộ bật lên, không được vừa đi vừa nghe nhạc, đọc truyện, chơi game, không nô đùa với bạn bè trên đường, không nên mang theo đồ chơi bên cạnh đặc biệt là trái bóng bởi nếu làm rơi và khi đuổi theo nhặt lại sẽ rất nguy hiểm.
Dạy trẻ kỹ năng qua đường cần quan sát mọi phía là vô cùng quan trọng. Đối với trẻ độ tuổi còn quá nhỏ thì nhắc con không được tự ý qua đường khi không có người lớn dắt. Với trẻ độ tuổi đã có thể tự đi bộ một mình thì nhắc con quan sát thật kỹ xung quanh. Khi mọi phía không có xe thì con có thể sang đường một cách an toàn.
Nếu đi xe đạp, hãy trang bị cho trẻ những vật dụng cần thiết như mũ bảo hiểm, bảo vệ cùi tay và đầu gối. Nên để con mặc quần áo thuận tiện không quá chật hoặc quá rộng để tiện di chuyển. Có thể chọn cho bé chiếc xe đạp nhỏ nhắn dễ thương và có chuông bấm và bộ phanh xe an toàn.
Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ những kĩ năng cần thiết như cách qua đường và cách di chuyển chiếc xe sao cho khéo léo để bé được an toàn hơn; Cần bấm chuông khi đằng trước có chướng ngại vật; Đi xe bên phải đường và khi dừng xe cũng nên dừng ở bên phải; Khi thấy đèn đỏ thì phải dừng lại trước vạch chắn màu trắng; Khi thấy đoạn đường nguy hiểm khó đi thì nên dừng lại dắt xe qua rồi mới tiếp tục đi; Khi bé đi qua đường tàu cần quan sát tín hiệu có đèn xanh thì mới được đi qua.
Nếu trẻ ngồi ô tô, nên dặn dò bé cẩn thận những điều như không nên thò đầu hoặc tay chân ra ngoài cửa sổ của xe, nên ngồi ngay ngắn và không nên đứng nhảy nhót trên xe để tránh trường hợp xe phanh gấp sẽ bị mất thăng bằng, chỉ nên xuống xe khi xe đã dừng hẳn.
Ảnh minh họa. |
Cha mẹ cần làm gương
Cũng theo cô Hường, cha mẹ cần nhớ nếu chỉ nói suông thì con sẽ không hiểu gì. Phải cùng bé thực hiện tất cả mọi thứ bởi lí thuyết luôn phải đi đôi với thực hành.
Muốn vậy, cha mẹ hãy cùng con đi bộ qua đường. Vừa đi vừa giới thiệu cho trẻ như đi đến đoạn này thì cần phải làm gì. Gặp trường hợp này thì nên làm thế nào. Người lớn có thể lấy ví dụ thực tế từ những người đi đường để cho trẻ dễ hiểu, dễ hình dung. Hoặc có thể cùng bé đóng trò tham gia giao thông trên đường. Hãy để bé làm cảnh sát và bạn là người tham gia giao thông. Bạn hãy thử cố tình đi sai luật để xem trẻ có chỉ được ra lỗi sai của bạn hay không.
Đối với trẻ mẫu giáo, có thể cho con vẽ tranh về đề tài giao thông, học các bài hát và đọc truyện về giao thông để con có hứng thú trong việc học luật này hơn.
Biển báo và đèn tín hiệu là điều vô cùng quan trọng khi tham gia giao thông. Bố mẹ cần hướng dẫn bé nhận biết và gọi tên tín hiệu đèn, đồng thời xác định được hiệu lệnh của từng màu đèn: Đèn đỏ dừng lại, đèn vàng đi chậm, đèn xanh được đi.
Ngoài ra, phụ huynh cũng nên trang bị cho bé các kiến thức về luật lệ giao thông đơn giản về những ký hiệu và biển báo giao thông như: Vạch kẻ sang đường, vỉa hè cho người đi bộ, một số biển báo cấm, biển chỉ dẫn khác…
Bố mẹ có thể áp dụng qua các hoạt động quen thuộc hằng ngày. Trên đường đi chơi hay đi học, phụ huynh nên kết hợp hướng dẫn những kiến thức cần thiết và thực hành cho bé xem những điều đúng, chấp hành theo luật lệ. Bên cạnh đó, các tình huống tham gia giao thông không an toàn cũng giúp bé ý thức và tránh không vi phạm: Vượt đèn đỏ, tự ý chạy ra đường, đưa tay ra khỏi cửa sổ ô tô…
Điều quan trọng nhất mà người lớn không được quên đó là khi cùng trẻ ra ngoài phải tuân thủ chấp hành luật giao thông nghiêm chỉnh trước. Nếu trước mặt con mà người lớn vượt đèn đỏ hoặc không đội mũ bảo hiểm hay phóng nhanh thì đương nhiên những lời dạy đối với trẻ sẽ không còn giá trị gì nữa. Vì vậy cần làm một phụ huynh gương mẫu trước trong việc chấp hành luật giao thông.
“Việc dạy trẻ về luật giao thông là một công việc quan trọng và khá thú vị. Để đảm bảo an toàn cho con mình, cha mẹ nên dạy một cách nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Từ đó sẽ giúp trẻ có được những kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ chính mình và những người xung quanh”, cô Đỗ Thị Hường nhấn mạnh.
Theo cô Phạm Kim Huê - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội), rất nhiều trường mầm non xây dựng chuyên đề học tập cho trẻ tìm hiểu về luật an toàn giao thông. Theo đó, tuỳ theo lứa tuổi của trẻ mà có những bài học phù hợp. Trẻ sau khi được tìm hiểu sẽ được cùng nhau thực hành, tham gia trò chơi về an toàn giao thông. Đây là chuyên đề vô cùng ý nghĩa giúp con hiểu biết luật, thực hiện đúng, an toàn và trưởng thành hơn.