Kỷ luật 1 đứa trẻ không phải là để trừng phạt mà là giúp con cải thiện những hành vi còn chưa đúng đắn của mình. Điều này giúp trẻ lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm lý và cách hành xử xã hội.
Nhưng trong việc kỷ luật con, không thể áp dụng 1 cách giống nhau giữa trẻ 2 tuổi và 10 tuổi. Ở mỗi lứa tuổi, trẻ có nhận thức, tư duy và cảm xúc khác nhau, kỷ luật cần dựa theo đó để phù hợp và hiệu quả, tránh làm tổn thương con.
Dưới đây là những lời khuyên của các chuyên gia tâm lý:
Trẻ từ 1 đến 2 tuổi
Trẻ trong độ tuổi từ 1 – 2 tuổi là giai đoạn mới chập chững biết đi. Trẻ thích khám phá thế giới xung quanh mình và hãy để cho con làm điều đó.
Điều bạn cần chắc chắn chính là việc không được để trẻ một mình, giám sát, theo dõi con liên tục để tránh không có những thứ gây hại cho con và cho người khác bởi nhận thức của trẻ ở độ tuổi này còn hạn chế, chưa thể biết điều gì nên và không nên.
Những điều bố mẹ nên tránh khi giao tiếp với con ở độ tuổi này:
- Trẻ mới biết đi rất nhạy cảm và sợ bị bỏ rơi, khi con làm sai, đừng mặc kệ con một chỗ vì trẻ sẽ cảm thấy rất sợ hãi.
- Không la hét: Trẻ sẽ cảm thấy không được yêu thương khi nhìn thấy bộ dạng quát tháo, la mắng của bố mẹ.
- Đừng giải thích dài dòng: Trẻ ở độ tuổi này ngôn ngữ còn chưa phát triển, khi trẻ làm sai, bố mẹ chỉ cần giải thích thật ngắn gọn “Không nên/nên… “ và chỉ ra tác hại sẽ bị làm sao thay vì phân tích quá dài dòng vì trẻ không thể hiểu được hết.
Những điều nên làm:
- Dẫn con đến chỉ cho con những thứ có thể gây hại (bao gồm cả đồ vật hay đối tượng khác), nói một cách đơn giản là con không nên chạm vào chúng, sẽ bị đau, bị chảy máu… Kèm theo đó là cách miêu tả trực quan, sinh động một chút để trẻ hiểu nên tránh xa những thứ như vậy.
- Khi chỉ muốn tiếp cận một thứ nguy hiểm nào đó, hãy hướng sự chú ý của trẻ sang một đối tượng khác
- Luôn đảm bảo ở gần con, để con không có cảm giác không được yêu thương và bảo vệ. Thêm vào đó, điều này sẽ ngăn chặn được các tai nạn không đáng có xảy ra với con.
Trẻ từ 2 – 3 tuổi
Giai đoạn này trẻ đã đi vững và bắt đầu thích thể hiện sự tự chủ, khẳng định bản thân. Những điều này đôi khi sẽ gây ra không ít những rắc rối và khiến bố mẹ “bốc hỏa” vì trẻ thường xuyên nổi cáu, ăn vạ, dỗi hờn.
Khi trẻ ăn vạ, đừng bỏ mặc con vùng vẫy vì trẻ sẽ có cảm giác mình bị bỏ rơi.
Tuy nhiên, dù con có mắc lỗi đi chăng nữa, bố mẹ cũng nên áp dụng những điều sau:
Điều nên tránh:
- Cấm đoán mọi thứ: trẻ trong giai đoạn học hỏi, tiếp thu cái mới, không thể cấm không cho trẻ đụng vào mọi thứ vì sẽ kìm hãm sự phát triển của trẻ. Chỉ cần chỉ cho bé thấy cái gì nên và không nên.
- Mặc kệ con, không quan tâm khi con khóc ăn vạ. Điều này là không nên vì trẻ còn quá nhỏ để nhận thức. Trẻ sẽ cảm thấy mình bị bỏ rơi.
- Đánh đòn: Đánh đòn không phải là phương pháp dạy con đúng đắn trong giai đoạn trẻ còn quá nhỏ. Sai lầm của trẻ lúc này là do chưa đủ nhận thức để hiểu.
Những điều nên làm:
- Kiểm soát sự nóng giận của bản thân trước những lỗi của con. Cố gắng đặt mình vào vị trí của con để hiểu vì sao ở tuổi này con phạm lỗi như vậy.
- Đưa con ra khỏi khu vực mà con đang gây rối.
- Xoa dịu cơn giận hờn của con bằng cách kéo con lại, hỏi vì sao con hành xử như thế. Biết đâu chừng, nguyên nhân mà con nói ra sẽ giúp bạn hiểu con hơn vì có thể con đang sợ hãi, căng thẳng hoặc mệt mỏi.
- Bình tĩnh giải thích cho con hiểu một cách cặn kẽ, rõ ràng về việc con không nên làm như thế. Sau đó, hãy an ủi con và đưa ra ví dụ về một cách ứng xử đúng hơn để con biết phải làm gì trong những lần sau.
Trẻ từ 3 đến 5 tuổi
Trong độ tuổi này, trẻ học hỏi rất nhanh từ những gì nhìn thấy ngoài thực tế. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể mắc lỗi, điều quan trọng là bố mẹ kịp thời chỉ cho bé thấy.
Những điều nên tránh:
- Những bài giảng giải, những cuộc nói chuyện dài dòng sẽ không có tác dụng, thậm chí là phản tác dụng đối với trẻ. Trẻ vốn hiếu động và không đủ kiên nhẫn để ngồi nghe bạn nói hàng giờ chỉ vì 1 việc làm sai. Thậm chí khi đó, trẻ sẽ mang tâm lí bực bội, tức tối khi phải ngồi nghe bố mẹ nói quá lâu.
- Đe dọa đứa trẻ: Việc đe dọa con không có ý nghĩa làm thay đổi hành vi vì nó không dạy cho trẻ hiểu vì sao trẻ không nên làm thế, chỉ khiến con cảm thấy sự áp đặt một chiều, cậy là người lớn bắt ép con từ bố mẹ mà thôi.
Ở độ tuổi này, hãy hướng dẫn con tự dọn dẹp những gì mình tạo ra
Những điều nên làm:
- Ngay từ đầu, thiết lập và thống nhất các quy tắc chung trong nhà, trong cách giáo dục con để con hiểu và tự giác làm theo. Hạn chế việc phạt con tùy hứng.
- Đưa ra một số hướng giải quyết phù hợp trong những tình huống đó để con biết cách hành xử trong những lần tương tự.
- Yêu cầu trẻ ngồi im và suy nghĩ về việc mình làm, khoảng thời gian bắt trẻ ngồi suy nghĩ không nên quá tối đa 5 phút.
- Giáo dục con bằng cách chỉ cho con thấy những hậu quả từ hành vi mà con làm, nó sẽ tác động đến chính con như thế nào.
- Ngăn chặn những hành vi sai lầm bằng cách khen ngợi những hành vi tốt mà con làm. Khi bạn thường xuyên dành lời khen ngợi trước mỗi việc làm đúng của con, trẻ sẽ cảm thấy đó là sự chấp thuận, được tuyên dương và tích cực làm những điều tốt đó hơn.
Trẻ từ 6 đến 12 tuổi
Trong giai đoạn này, trẻ đã hiểu chuyện hơn nên tính tự chủ cao hơn. Chúng muốn khẳng định bản thân, tự đưa ra những quyết định và sẽ có những xung đột với bố mẹ trong quan điểm. Tuổi này, trẻ có quyền được lựa chọn bạn bè và sở thích của mình nhưng cha mẹ vẫn nên kiểm soát và có định hướng cho con.
Những điều nên tránh:
- Áp dụng những hình phạt không phù hợp với độ tuổi của con.
- Chê bai, khiển trách, bóc mẽ con trước mặt người khác khiến cho con cảm thấy nhục nhã và xấu hổ. Đây là hành vi không thể chấp nhận được của bố mẹ.
- Dễ dàng thỏa hiệp, bỏ qua cho con trong khi trước đó đã nói sẽ kỷ luật con. Sự không nhất quán trong cách dạy con này sẽ khiến trẻ tiếp tục mắc lỗi nhiều hơn.
Hình phạt đưa ra phải phù hợp, không nên thái quá gây ức chế cho trẻ
Điều nên làm:
- Nói chuyện nghiêm túc với con nhưng không mang tính phán xét.
- Cố gắng hiểu hành vi của con theo lứa tuổi để đánh giá việc làm đó là do nhận thức của trẻ chưa tới hay do tính cách của con. Ví dụ 1 cô bé 6 tuổi ngồi vắt chân trước mặt người lớn, có thể chỉ là do con chưa hiểu điều đó là không nên, bạn cần hướng dẫn cho con.
- Thiết lập và tuân thủ đúng như quy tắc đặt ra, không bốc đồng, mỗi lúc áp dụng 1 kiểu sẽ không có tính răn đe.
- Có thể dùng cách cắt giảm những món đồ chơi hoặc món ăn yêu thích để làm hình thức phạt dành cho con. Tuy nhiên, những thứ bạn đưa ra phải thực tế và hợp lý.
- Phân tích cho con thấy hậu quả tất yếu sẽ xảy đến nếu con làm những hành vi xấu như vậy.
Trẻ từ 13 đến 18 tuổi
Đây là độ tuổi trẻ có cái tôi rất mạnh mẽ, thậm chí phản kháng dữ dội với các quy tắc và quyết định của bố mẹ. Trẻ đang cố gắng khẳng định bản thân mình. Trẻ bắt đầu tách ra khỏi bố mẹ, không còn tâm sự quá nhiều và đôi khi có những hành động bốc đồng.
Những điều cần tránh:
- Coi thường con, đặc biệt là trước mặt người lạ và bạn bè đồng trang lứa.
- Giảng giải đạo đức quá nhiều: Hãy tập trung vào chủ đề chính, nói rõ ràng điều bạn muốn thay vì “vòng vo tam quốc” quá nhiều vấn đề.
Cần khéo léo, có sự thỏa hiệp một cách hợp lý để tránh sự chống đối của con ở độ tuổi này.
Những điều nên làm:
- Đặt ra những giao ước quy tắc phù hợp theo độ tuổi của con. Không cần phải cụ thể nó bằng văn bản, chỉ là một thỏa thuận ngầm và con cần phải tuân thủ theo.
- Hãy để 1 hậu quả tự nhiên xảy ra từ hành vi sai trái của con ví dụ như khi con cố tình làm vỡ cửa kính nhà hàng xóm bằng cách đá bóng vào, con sẽ bị cắt giảm tiền ăn vặt để để cho nhà hàng xóm.
- Nói chuyện với con một cách nhẹ nhàng, coi trọng con, điều này giúp con cảm thấy mình đã trưởng thành, được bố mẹ tôn trọng một phần quyết định
- Gần gũi hơn với con, lắng nghe tâm sự của con để con có cảm giác an toàn, gần gũi và muốn chia sẻ những khó khăn mà con gặp phải.