Kỳ lạ tục cúng thịt chuột khô ngày Tết của người Dao Tiền

Kỳ lạ tục cúng thịt chuột khô ngày Tết của người Dao Tiền

Người Dao là một trong số 54 dân tộc tại Việt Nam, các bản làng của người Dao được trải rộng tại các khu vực ở miền Bắc như Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh,..

Vào những ngày Tết, những người Dao Tiền đều phải có thịt chuột khô thờ tổ tiên và cúng miếu làng mới thể hiện hết tấm lòng của con cháu với tổ tiên. Và cũng chính câu chuyện lấy thịt chuột khô thờ tổ tiên, miếu làng, nhiều người cho rằng, người Dao Tiền thờ “thần chuột”.

Người Dao còn chia ra thành nhiều nhóm khác nhau, với những nét riêng về phong tục tập quán như: Dao Đỏ, Dao Tiền, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Y, Dao Áo Dài, Dao Quần Trắng… Trong đó, người Dao Tiền có truyền thống từ rất lâu, truyền từ đời này qua đời khác với phong tục cúng thịt chuột thờ tổ tiên và miếu làng ngày Tết.

Từ câu chuyện trên, vào thời điểm gần Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, PV đã về thôn Bương, xã Tân Pheo, huyện Đà Bắc, Hòa Bình để tìm hiểu về phong tục cúng thịt chuột thờ tổ tiên và miếu làng.

Quãng đường từ Hà Nội lên xã Tân Pheo khoảng hơn 100km, sau vài tiếng ngồi xe, PV đã đến được thôn Bương. Tại đây, PV đã gặp anh Lê Văn Tấn (SN 1983), Trưởng thôn Bương.

cung thit chuot dem giao thua mieu tho than chuot o hoa binh

Chuột được treo gác bếp để thờ tổ tiên đêm giao thừa cũng như cúng ở miếu làng.

Khi nghe câu chuyện về người Dao Tiền thờ “Thần chuột”, anh Tấn cho biết, người Dao Tiền có 3 lễ lớn trong năm đó là rằm tháng 5, rằm tháng 9 và mùng 2 Tết. Trong đó, rằm tháng 5 và rằm tháng 9, người Dao Tiền cúng tổ tiên bình thường. Riêng ngày Tết, người Dao Tiền cúng tổ tiên, miếu làng bằng thịt chuột.

“Một số bài viết trên mạng thông tin người dân ở thôn Bương thờ “Thần chuột” là không chính xác. Chúng tôi dùng thịt chuột khô thờ tổ tiên và miếu làng. Trong đó, miếu làng là nơi thờ người đã khai khoang, lập ấp ra bản Bương ngày nay chứ không phải thờ Thần chuột”, anh Tấn nhấn mạnh.

Anh Tấn cho biết thêm, người Dao Tiền có phong tục tập quán từ ngày xưa, cứ đến ngày Tết, ngày Lễ là tất cả các hộ có trách nhiệm góp lễ thờ cúng miếu làng. Riêng mùng 2 Tết, mỗi gia đình đóng góp 2-3 con chuột khô cho ông Mo (người được bầu để cúng ở miếu làng thay mọi người –PV). Sau đó, trần chuột khô qua nước cho nóng rồi cùng ông Mo mang ra miếu làng để ông làm lễ cúng ở miếu.

cung thit chuot dem giao thua mieu tho than chuot o hoa binh

Anh Lê Văn Tấn, Trưởng thôn Bương cho hay, miếu làng thờ người đã khai hoang lập ấp chứ không phải miếu thờ Thần chuột.

Vào lúc cúng ở miếu, mỗi gia đình đều phải có 1 người đại diện để làm lễ. Khi cúng xong, mọi người mang toàn bộ đồ lễ cúng về nhà ông Mo ăn uống hưởng lộc.

Ngoài cúng miếu làng, vào tối 30 Tết hàng năm, mỗi gia đình người Dao Tiền đều sắm lễ thờ tổ tiên tại nhà. Mâm cúng ngày Tết không thể thiếu thịt chuột khô. Các gia đình thường cắt lá chuối rồi trải trên ban thờ và đặt 2-3 con chuột khô lên thờ tổ tiên.

“Truyền thống này có từ rất lâu và truyền từ đời này qua đời khác. Chúng tôi được cha ông truyền lại là ngày Tết phải có thịt chuột khô thờ tổ tiên và miếu làng. Ý nghĩa của việc cúng thịt chuột khô là cầu cho người dân được mùa, làm ăn phát đạt”, anh Tấn nhấn mạnh.

Theophapluatxahoi.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.