Công trình của triệu phú Graham người Mỹ dang dở nhưng được đánh giá là mở đường cho ngân hàng tinh trùng hiện đại.
Ám ảnh giấc mơ cải tạo gene
Robert K. Graham - một doanh nhân phát đạt nhờ phát minh ra kính chống rạn từ những năm 1940 dường như bị ám ảnh bởi ý nghĩ phải nâng cao chất lượng di truyền ở con người.
Triệu phú này đã lập ra Khu mầm chọn lọc (Repository for Germinal Choice) vào năm 1980. Khi đó, Graham, ông bố của 8 người con vào năm 1978 đã bán Công ty Armorlite 3M của mình để lập một ngân hàng tinh trùng đặt tại tầng hầm của ngôi nhà ở San Diego. Ông bỏ tiền túi để tài trợ cho công trình này, có lẽ mỗi năm ông phải chi ra hàng trăm nghìn USD.
Khi tạo ra một ngân hàng tinh trùng từ những người đàn ông được đánh giá là sáng láng và xuất sắc, Graham đã tuyên bố ông muốn cải thiện gene của con người: “Gene tốt hơn, những cá thể sinh ra sẽ tốt hơn và ngược lại, gene càng nghèo nàn đi, thế giới càng có thêm những cá nhân vô dụng và bất lợi”.
Bởi thế, không bất ngờ chút nào khi cái gọi là “ngân hàng tinh trùng giải Nobel” ấy ban đầu đã bị chỉ trích rằng Graham có tư tưởng chủng tộc cực đoan giống như Đức Quốc xã.
Robin, con trai của ông Graham tiết lộ rằng, cha mình là người “lạnh lùng” với con cái nhưng lại hết sức tình cảm với lũ trẻ được sinh ra từ ngân hàng tinh trùng. Ông đã đi thăm bọn trẻ nhiều lần, trên tường của văn phòng treo đầy ảnh chụp của chúng. Một bà mẹ đã tâm sự rằng, bà luôn coi Graham là cha của con mình, chứ không phải là người hiến tinh trùng hay chồng cũ của bà.
“Ngân hàng” cho ra đời khoảng 15-20 trẻ em mỗi năm từ những năm 1980 và đầu những năm 1990. Trong một chuyến dự hội thảo khoa học ở Seattle tháng 2-1997, ông Graham, 90 tuổi bị trượt ngã trong bồn tắm khách sạn và qua đời.
Trong di chúc của mình, ông để cho những người thừa kế toàn quyền quyết định số phận của ngân hàng tinh trùng. Vợ và các con ông vốn không nhiệt tình ủng hộ nên “ngân hàng” đóng cửa vào đầu năm 1999. Khi đó, mọi liên lạc chấm dứt, các kho lưu trữ phải phá hủy hàng nghìn mẫu tinh dịch.
“Nhà máy thiên tài” vận hành
Hồ sơ lưu trữ về dự án này không còn nhiều, vì thế ít ai biết chuyện gì đã xảy ra hoặc số phận những đứa trẻ sinh ra từ đó ra sao. Trong số ít hãng truyền thông tìm hiểu kỹ về nó, đáng chú ý có loạt phóng sự được đăng tải trên tạp chí trực tuyến Slate với tiêu đề “Nhà máy thiên tài” (Factory Genius) cách đây 15 năm, gần đây được tác giả thiên phóng sự tập hợp thành một cuốn sách.
Theo Slate, một trong số ít người hiểu rõ về ngân hàng tinh trùng độc đáo này là Paul Smith, giám đốc đầu tiên của ngân hàng, hiện đang sống ở miền Nam California.
Ông Paul Smith kể, thời kỳ đầu, triệu phú Graham lùng sục khắp tiểu bang California, có gần 20 người từng đoạt giải Nobel sống tại đây, nhưng chỉ có 3 người đồng ý hiến tinh trùng của họ. Đến khi Graham công bố tin tức cho báo chí vào đầu năm 1980, 3 nhà khoa học đó vội cắt liên hệ với ông.
Đúng lúc ấy, ông Smith tìm đến để trợ giúp Graham. “Thay vì tuyển dụng các nhà khoa học đoạt giải Nobel, tôi đi tìm ai sẽ là người đoạt giải Nobel trong tương lai”, ông Smith cho biết. Vì thế, ông đi dọc bờ biển phía Tây nước Mỹ đến các trường đại học danh tiếng để tìm kiếm người hiến tinh trùng.
Ông Smith ước tính, trong 4 năm làm việc tại ngân hàng, cứ 100 người ông đã tiếp cận thì chỉ khoảng 10 người nhận lời hiến tinh trùng. Khi Smith xuất hiện trên truyền hình hoặc trên báo chí để quảng bá cho “ngân hàng”, ông thường đeo mặt nạ, vì thế các thư ký và đồng nghiệp của người hiến tinh trùng không nhận ra ông là người đang đi thu thập “hạt giống”.
Sau khi thu thập được mẫu, Graham và Smith lưu lại những thông tin cụ thể nhất về những người hiến tinh trùng như màu mắt, màu da, màu tóc, chiều cao, cân nặng, ngoại hình chung, tính cách, sở thích, thành tích… Điều thú vị là hầu hết phụ nữ tìm đến đây vì chồng họ vô sinh, nhiều người làm trong ngành y.
Quá trình rất tốn kém và Graham cung cấp dịch vụ gần như miễn phí nhưng chỉ có khoảng 20 phụ nữ sinh con trong năm 1984. Sau khi ông Smith rời công ty năm 1984, ông Graham vẫn miệt mài dự các hội thảo khoa học để tìm đối tác là các tiến sỹ, đồng thời mở rộng các đối tượng là vận động viên, nghệ sỹ, doanh nhân.
Số phận 215 trẻ sinh ra thế nào?
Trong thời gian hoạt động, ngân hàng tinh trùng của triệu phú Graham đã giúp 215 trẻ đến với thế giới này. Vì nhiều lý do, những đứa trẻ của “nhà máy thiên tài” không được tiết lộ danh tính. Nhân vật nổi bật nhất, được công khai ngay từ nhỏ là Doron Blake, cậu bé được sinh ra sớm thứ hai ở “ngân hàng”.
Lúc 1 tuổi, Blake đã xuất hiện trên trang bìa của Mother Jones năm 1983 và được coi như một minh chứng cho những gì Graham cố gắng tạo ra: Là trẻ sơ sinh, Doron Blake đã thích nhạc cổ điển. Lên 2 tuổi, cậu ta đã biết sử dụng máy tính. Đi mẫu giáo, Doron đã đọc Hamlet và lên 6 tuổi, chỉ số IQ đo được là 180.
Robert Graham qua đời khi Doron đang học trung học. Cùng với gene thông minh, Doron được bồi đắp bằng tình yêu của mẹ, khiến cho anh trở thành một người say mê âm nhạc, sách và tôn giáo. “Công việc tôi làm luôn suôn sẻ nhưng không phải mất nhiều công sức.
Tuy nhiên, tôi không khoe khoang mình được thụ tinh từ ngân hàng tinh trùng bởi vì tôi không nghĩ rằng đó là điều hay ho”. Doron cũng không cảm thấy tin tưởng vào kế hoạch của ông Graham về việc cho ra đời những người thông minh hơn.
“Với tôi đứa trẻ được tạo ra từ gene hay nhiễm sắc thể nào không quan trọng, quan trọng là đứa trẻ được lớn lên và nuôi dưỡng thế nào”. Theo một bài báo trên CNN năm 2014, tốt nghiệp Đại học Reed, Doron hiện đang là giáo viên. Chắc chắn đó sẽ là một sự nghiệp cao quý, nhưng không phải là một nhà khoa học giành giải Nobel trong tương lai.
Qua khảo sát một số nhân vật khác, hầu hết những người được sinh ra từ “nhà máy sản xuất thiên tài” đã công khai rằng, họ học khá tốt thời phổ thông nhưng đến khi trưởng thành, nhiều người có công việc bình thường: Tom điều hành một doanh nghiệp về tấm lợp nhà, Leandra là một ca sĩ opera, Courtney là một vũ công, Logan có vẻ như mắc bệnh tự kỷ.
Một số cảm thấy áp lực phải làm điều gì đó khác thường trong cuộc sống của họ. Bà Adrienne - mẹ của Leandra, Courtney và Logan tâm sự: “Tinh trùng thiên tài” không đảm bảo cho hạnh phúc và thành công của một đứa trẻ. Dù chọn giống cẩn thận, nhưng đứa trẻ sinh ra có như kỳ vọng hay không thì không ai chắc chắn được”.
- Chi phí không cao: Phụ nữ muốn đăng ký chỉ phải nộp lệ phí một lần 50 USD cùng 10 USD mỗi tháng cho phí lưu trữ và vận chuyển.
- Người hiến tinh trùng phải là đàn ông đã kết hôn, có chỉ số thông minh IQ cao hoặc tài năng nổi bật, trong khi các bà mẹ phải là những người đã kết hôn nhưng không cần kiểm tra IQ hay sàng lọc di truyền.
- Thế hệ sau khá bình thường: Khi trưởng thành, họ cũng như bao người bình thường khác làm nghề giáo viên, kinh doanh, ca sĩ, vũ công, cũng có người bị bệnh tự kỷ. Do áp lực, nhiều người “dị ứng” với khái niệm thần đồng hay thiên tài.
- Dù ở giai đoạn sơ khởi và vấp phải chỉ trích nhưng Graham đã thay đổi khái niệm ngân hàng tinh trùng hiện đại, ở đó không chỉ có sự chọn lọc người hiến tinh trùng mà khách hàng còn có thể chủ động chọn “mẫu giống”.