Kỳ lạ một gia đình có 10 giấy... chứng nhận khuyết tật

“Ngày nhỏ chúng nó đều bình thường cả nhưng cứ được khoảng chục tuổi là tự nhiên chân tay yếu, mềm nhũn ra gần như không đi lại được nữa. Nhìn đàn cháu nhỏ mà thương chúng quá, gia đình chỉ ước mơ một lần được lên Hà Nội để khám xem có chữa được không”.

Cụ Tàn không đi lại được, cụ Thọ không nhìn thấy gì nên sinh hoạt quẩn quanh trên chiếc giường cũ.
Cụ Tàn không đi lại được, cụ Thọ không nhìn thấy gì nên sinh hoạt quẩn quanh trên chiếc giường cũ.

Đó là lời tâm sự của cụ bà Đặng Thị Tàn (người dân tộc Dao, thôn Tân Sơn, xã Văn Lang, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) với chúng tôi trong một lần đến thăm. 

Cụ bà đã không đi lại được từ lâu, lại thêm cụ ông Đặng Hữu Thọ mù lòa không nhìn thấy nên mọi sinh hoạt của cả hai ông bà đều quẩn quanh trên chiếc giường với bừa bộn quần áo cũ, một vài vật dụng đơn giản, cũ kĩ bên cạnh một chiếc chậu sắt cũ dùng đốt mấy cành của khô sưởi ấm.

Còn khá minh mẫn, cụ Tàn kể chuyện căn bệnh truyền kiếp của gia đình trong những tiếng nghèn nghẹn, run run: “Các cụ sinh ra tôi trước cũng bị như thế, rồi đến lượt tôi cũng vậy. 

Thời còn chưa con gái là chân tay đã tự nhiên yếu rồi mềm nhũn ra như không đi lại được. Bản thân tôi sinh 4 đứa con thì cả 4 đứa đều bị thế, giờ đến lượt các cháu cứ lên 10 tuổi là lại có dấu hiệu bị như vậy... 

Cha sinh, mẹ đẻ tôi không biết bệnh gì bởi cả đời có được đi viện bao giờ đâu, các con và các cháu thì một, hai lần được lên bệnh viện huyện Đồng Hỷ, ở đấy bác sĩ bảo bệnh teo cơ bẩm sinh”.

Cả gia đình có đến 10 cái giấy chứng nhận khuyết tật.
Cả gia đình có đến 10 cái giấy chứng nhận khuyết tật.
Anh Quý với bước chân xiêu vẹo, chênh vênh.
Anh Quý với bước chân xiêu vẹo, chênh vênh.

Nói rồi cụ gọi người con trai út là anh Đặng Văn Quý đang từ ngoài sân vào nhà để chỉ cho tôi xem. Ở độ tuổi 32, những tưởng người đàn ông sức dài vai rộng ấy vậy mà anh dặt dẹo, mỏng manh với cái bước đi liêu xiêu mà nếu như không được dùng gậy tôi chắc từ ngoài ngõ vào nhà anh sẽ phải mất đến cả buổi. 

Cũng giống như em trai, 3 chị gái của anh là Đặng Thị Đường, Đặng Thị Tư và Đặng Thị Côi cũng tự nhiên mang căn bệnh lạ, chân tay yếu dần, teo lại để rồi không làm được gì nữa.

Càng tội hơn khi các cháu được sinh ra cũng mang căn bệnh như bố mẹ, 3 đứa con của chị Đường, 2 đứa con của chị Tư đều lên 10 tuổi là bắt đầu có dấu hiệu mang bệnh nên việc học hành đều phải bỏ dở. 

Gạt nước mắt, chị Đường khóc lặng: “Học cấp 1 thì trường còn gần và lúc đó chân cháu còn đi lại được nên vẫn đến lớp, nhưng sang đến lớp 6 thì trường ở xa hơn phải đi xe đạp, lúc đó chân tay cháu yếu rồi nên không thể đi lại được nữa, chị cũng yếu lắm không cho cháu đi học được nên các cháu cứ phải nghỉ học thôi”.

Cả gia đình mỗi lần di chuyển đều phải dùng gậy.
Cả gia đình mỗi lần di chuyển đều phải dùng gậy.
Những chiếc gậy cũng là thứ đố chơi duy nhất của các cháu bé.
Những chiếc gậy cũng là thứ đố chơi duy nhất của các cháu bé.

Cũng chính do căn bệnh lạ này nên các chị cũng không giữ được hạnh phúc gia đình bởi cảnh người làm, người không. Ngậm ngùi nghĩ thương cho các anh, chị em, chị Tư bộc bạch: 

“Nhà em thì mất rồi vì bị bệnh, còn chị Đường thì anh ấy cũng bỏ đi. Nghĩ cực lắm chị ạ, chúng em được sinh ra hoàn toàn bình thường mà cứ lớn lên là mắc bệnh, mà cũng chả biết là bệnh gì. 

Nhiều khi em cũng muốn 1 lần thôi được xuống bệnh viện ở Hà Nội khám bệnh xem có chữa được không nhưng tiền ăn còn không có, nói gì đến tiền đi tàu xe và khám bệnh...”

Không có tiền làm cửa, căn nhà được che chắn tạm bợ bởi những thanh gỗ ghép vào.
Mùa đông ở vùng cao lạnh thấu xương khi gió lùa qua khe cửa.
Mùa đông ở vùng cao lạnh thấu xương khi gió lùa qua khe cửa.

Là người cùng làng, chứng kiến toàn bộ gia cảnh khó khăn của gia đình ông Thọ, anh Trần Văn Trường – Bí thư xóm cho hay: “Gia đình ông Thọ được liệt vào danh sách nghèo truyền kiếp đến mấy đời không thoát ra được. 

Trong gia đình ai là người lớn thì đều mắc bệnh hết rồi nên không làm ăn được gì cả, hiện tại gia đình sống dựa vào số tiền trợ cấp ít ỏi của nhà nước đối với người khuyết tật. 

Về phía địa phương gần như không có gì trợ giúp được bởi cả làng đều là người dân tộc Dao, điều kiện kinh tế cũng không ai có cả. 

Chúng tôi tha thiết mong muốn các nhà hảo tâm giúp đỡ để cho các cháu nhỏ lên bệnh viện Hà Nội khám để có thể điều trị, cứu tương lai của các cháu sau này, chứ không để thế rồi các cháu cũng sẽ như bố mẹ các cháu hết thôi”.

Các cháu mơ ước 1 lần được lên Hà Nội khám bệnh.
Các cháu mơ ước 1 lần được lên Hà Nội khám bệnh để cánh cửa tương lại không đóng sập lại trước mắt các em như ông bà, bố mẹ.

Biết bản thân mình mắc bệnh nhưng anh Quý hay các chị không cầu xin điều gì cả, chỉ tha thiết mong muốn các con của mình một lần được lên bệnh viện Hà Nội thăm khám với hi vọng mong manh y học phát triển sẽ chữa khỏi bệnh cho các cháu. 

Nhìn gương mặt hồn nhiên, thơ ngây và nụ cười trong veo của lũ trẻ, chúng tôi ai cũng lặng người. Ở cái vùng cao quanh năm chỉ có núi đồi này, đôi chân của lũ trẻ vẫn chạy nhảy hàng ngày nhưng thứ đồ chơi duy nhất các em có lại là những chiếc gậy của ông bà, bố mẹ như thế chính các em đang vẽ ra tương lai của mình… 

Sẽ là 1 năm, 2 năm hay không lâu đến thế, bọn trẻ cũng sẽ phải chống gậy sống cả đời với suy nghĩ mơ hồ về căn bệnh mà không một lần được đi thăm khám bởi nghèo lắm, khổ lắm nên các bé phải cam chịu thôi.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Mã số 1764: Anh Đặng Văn Quý (xóm Tân Sơn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Số ĐT: 01652.002.100

Theo dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ