Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

GD&TĐ - Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được 11 quốc gia thành viên ký kết tại Chile ngày 8/3. CPTPP được ký kết và sớm có hiệu lực sẽ là cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho Việt Nam...

Ký kết CPTPP - Cơ hội và thách thức cho Việt Nam

Mở ra những cơ hội mới

Đánh giá của các chuyên gia, cũng như các quốc gia khác tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ đạt được những lợi ích kinh tế nhất định vì Hiệp định này thúc đẩy tự do hoá lớn hơn về dòng vốn đầu tư, tạo điều kiện cho hoạt động thương mại xuyên quốc gia và bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu trí tuệ cho các thành viên.

Hơn thế, bằng việc mở rộng quy mô thay vì là một khối thương mại riêng biệt, thoả thuận thương mại này sẽ mở rộng lợi ích chung giữa các nước thành viên, trong khi giảm các tác động kinh tế tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới.

Bên cạnh đó, tham gia CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường lớn, như: Nhật Bản, Australia, Canada,

Mexico... cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang có lợi thế. Một lợi ích nữa có được từ CPTPP là giúp Việt Nam cải cách thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch - lợi ích mang tính bền vững, lâu dài hơn.

Một nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy, các ngành được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP tập trung lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dệt may, hoá chất, thuốc lá, sản phẩm nhựa và đồ da, trang thiết bị vận tải, máy móc và các trang thiết bị khác. Đặc biệt, xuất khẩu dự kiến tăng khoảng từ 4,2 - 5,3%, năng suất tăng 6,9 - 7,6%.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, đi cùng với những lợi ích thì Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó, thúc đẩy cải cách thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng… là những thách thức lớn bởi cải cách không đơn thuần là đếm số lượng văn bản mới ban hành, sửa đổi hay số giấy phép, điều kiện kinh doanh được cắt giảm, mà mấu chốt yếu tố vận hành, yếu tố con người, trong khi đó, chính sách mới luôn cần độ trễ nhất định trước khi đi vào cuộc sống...

Không ít thách thức đang chờ đón

Theo Bộ Công Thương, CPTPP có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nước ta. Đặc biệt là các lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế. Đồng thời, CPTPP cũng sẽ tạo ra sự thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế, là điều kiện để Việt Nam có tăng trưởng bền vững hơn.

Tuy nhiên, CPTPP vẫn tạo sức ép cải cách thể chế mạnh mẽ lên Việt Nam. Bởi CPTPP có những điều khoản trực tiếp yêu cầu Việt Nam phải thay đổi luật lệ, quy tắc. Do đó, muốn tận dụng được lợi ích và hạn chế tác động tiêu cực thì Việt Nam phải tự nâng được năng lực cạnh tranh của mình lên.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam hiện vẫn là năng lực cạnh tranh. Bởi khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải mở cửa chào đón hàng hoá, dịch vụ của các nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay trên “sân nhà”. Chính những hạn chế trong năng lực cạnh tranh quốc gia có thể là nhân tố cản trở Việt Nam khai thác những cơ hội mà CPTPP mang lại.

Cùng với đó, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của họ trên chính thị trường nội địa nếu không nhanh chóng và quyết liệt thay đổi cách làm ăn. Không chỉ đối với các mặt hàng nông sản, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam cũng sẽ đối mặt với nguy cơ có thể phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài, hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay tại thị trường trong nước...

Các chuyên gia cho rằng, khó khăn lớn nhất của Việt Nam là khả năng thích ứng còn kém so với tiêu chuẩn đặt ra. Chẳng hạn như, Việt Nam có công nghệ lạc hậu hơn nhiều nước. Tổ chức về mặt sản xuất, kiểm soát thị trường của Việt Nam cũng chưa theo kịp các nước cùng tham gia hiệp định… cùng hàng loạt chính sách cần phải xây dựng và hoàn thiện để phù hợp khi CPTPP chính thức có hiệu lực...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.