(GD&TĐ) - Ngày 22/10, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ 2. Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu tiếp tục làm việc toàn thể tại hội trường, nghe các báo cáo về: ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013...
Đề xuất giữ nguyên tên nước
Tại Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu QH và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) năm 1992, do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội - ông Phan Trung Lý, trình bày tại Kỳ họp thứ 6, QH khóa XIII nêu rõ: Các đại biểu QH cơ bản tán thành với bố cục và nội dung Dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng để hoàn thiện bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Qua tổng hợp ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội, đại đa số ý kiến tán thành việc giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, việc giữ tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cần thiết để thể hiện nhất quán mục tiêu, con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nhà nước giữ vai trò định hướng nền kinh tế
Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta, vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và kinh tế Nhà nước là rất quan trọng. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội quy định về nội dung này tại khoản 1 Điều 51 như sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”.
Đối với những vấn đề liên quan đến quản lý đất đai, Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Do đó, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Xử lý tham nhũng còn nặng về hành chính
Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước QH cho thấy, việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong năm 2013 vẫn còn có những hạn chế như: Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, xã hội nhưng số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được chuyển sang cơ quan điều tra còn ít; quá trình giải quyết một số vụ án tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng còn chậm.
Trong năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 5.466 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, qua đó phát hiện 210 vụ việc vi phạm, xử lý kỷ luật 134 người. Tổng giá trị các vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn được kiến nghị thu hồi và bồi thường hơn 78,5 tỷ đồng, đã thu hồi 37,3 tỷ đồng.
Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 44,1%); số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2 % (năm 2012 tỷ lệ này là 34,2%).
Chiều cùng ngày, các đại biểu QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng. Đây là dự án luật đầu tiên được đưa ra xem xét tại nghị trường QH trong kỳ họp lần này.
Theo Ủy ban DTSĐHP, có ý kiến cho rằng, không nên ghi từ “dân chủ” tại Điều 1 vì nội dung Điều này thể hiện tính độc lập, có chủ quyền của quốc gia mà nên ghi từ “dân chủ” trong Điều 2 để thể hiện bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến này, giữ quy định tại Điều 1 như Hiến pháp năm 1992 và bổ sung vào khoản 2 Điều 2 quy định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ”. |
Khánh Sơn
TIN LIÊN QUAN |
---|