Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Giám sát chặt chẽ những dự án tác động lớn tới môi trường

GD&TĐ - Ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về các vấn đề: An toàn của các dự án bauxite Tây Nguyên; quản lí phân bón…

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV: Giám sát chặt chẽ những dự án tác động lớn tới môi trường

Kiểm tra lại chất lượng các nhà đầu tư

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặc biệt quan tâm đến hoạt động của dự án bauxite Tây Nguyên. “Cách đây bảy năm, khi dư luận và nhiều đại biểu lo lắng về dự án bauxite Tây Nguyên, Bộ Công Thương đã có giải trình trước Quốc hội.

Thực tế những lo lắng của cử tri và nhân dân là đúng, thể hiện qua việc thua lỗ, xảy ra sự cố tràn bùn đỏ và hoá chất... Vậy Bộ trưởng đánh giá những ý kiến giải trình cam kết trước đây của Bộ thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?” - Đại biểu Thúy đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải đáp: 2 dự án ở Đắk Nông và Nhân Cơ được triển khai thực hiện và có sự phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, là cơ quan quản lý Nhà nước phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn của môi trường Việt Nam trong các lĩnh vực của các dự án đó.

Tuy nhiên, trong thời gian thi công đã xảy ra một số sự cố, ví dụ như tràn sút của dự án Alumin của nhà máy Nhân Cơ, do mưa và do một số yếu tố của thời tiết làm đê chắn bị vỡ.

“Việc này cũng đã được nhà thầu và ban quản lý dự án kiểm tra, giải quyết kịp thời, bên cạnh đó, chúng tôi đã tổ chức, kiểm tra lại chất lượng của các nhà đầu tư, đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong từng hạng mục đầu tư cũng như công tác vận hành chung của nhà máy” - Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, rất cần vai trò của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các nhà đầu tư có biện pháp giám sát, kiểm tra kịp thời, đồng thời cần có sự chỉ đạo thường xuyên của các bộ ngành, trong đó có Bộ chủ quản là Bộ Công Thương, Tập đoàn Than Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra ý thức chấp hành pháp luật của dự án này vì đây là những dự án có tác động lớn đến môi trường cũng như đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quản lý phân bón chồng chéo, kém hiệu quả

Đại biểu Võ Đình Tín (Đắk Nông) nêu thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là phân bón giả đang tràn lan trên thị trường nhưng lực lượng chức năng chưa thể kiểm soát được.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, có vấn đề rất lớn liên quan đến quản lý Nhà nước về thị trường phân bón. Bộ trưởng nêu thực tế:

Hiện nay, phân bón vô cơ thì giao cho Bộ Công Thương quản lý, nhưng phân hữu cơ lại dưới sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Trong bối cảnh phân bón do 2 cơ quan quản lý và quá nhiều loại phân bón khác nhau dẫn đến tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả và hiệu lực quản lý. Ngoài ra, ông Trần Tuấn Anh chỉ ra rằng, thị trường Việt đang có quá nhiều loại phân bón…

Giải pháp khắc phục được Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là: Bộ Công Thương đã có nhiều đợt phối hợp làm việc và đề xuất Chính phủ giao việc quản lý cho một cơ quan duy nhất.

Cùng với đó là việc hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về chất lượng phân bón. Bộ Công Thương đang xây dựng và hoàn chỉnh bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần phải quản lý tận gốc các hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón, phải quy định điều kiện cho hoạt động này để không còn cơ hội gian lận, gây thiệt hại cho người dân và môi trường…

Ngày 17/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn trong ngày 2 ngày 15 và 16/11.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ