Chúng luôn làm bạn phải bất ngờ vì sự độc đáo, lạ mắt. Đặc biệt, khi sinh bích được bố trí ở những nơi có tính chất giải trí thưởng thức, như bảo tàng, nhà hát, hàng quán…
Những người đầu tiên làm sinh bích nhân tạo là các nghệ sĩ thuộc phong trào Jugendstill (Vẻ đẹp thanh xuân) vào các năm 1890 tại Đức và châu Âu.
Trong đó, để làm đẹp ngôi nhà, giao thoa giữa vườn và nhà ở, họ đã trồng các cây dây leo lên tường, và sau này là nhiều hoa cỏ khác, hướng tới chủ nghĩa lãng mạn và trừu tượng. Song hành với Đức, tại Anh cũng có phong trào Garden City (thành phố vườn), nhằm biến rất nhiều nhà dân thành các vườn cây.
Cho tới nay, phong trào thành phố vườn vẫn được kế thừa với phong cách lạ hơn. Tại Pháp, nhà thực vật Patrick Blanc nghĩ ra sinh bích kiểu mới, áp dụng hệ thống cây trồng trong nước để duy trì sự sống và thúc đẩy chúng phát triển xanh tươi.
Khoa học đã chỉ ra cây xanh trong sinh bích có lợi rất lớn đối với môi sinh và sức khỏe. Lá của chúng cho rất nhiều oxy, giữ nước cực tốt và làm giảm nhiệt độ môi trường.
Viện Công nghệ Nhật Bản cũng kiểm định được sinh bích cản trở cực kỳ hiệu quả các loại khói bụi xâm nhập ngôi nhà từ bên ngoài và hấp thụ bớt các thứ kim loại nặng, độc hại từ không khí.
Nếu trồng ở diện tích lớn, ngoài việc che giấu phần khiếm khuyết của công trình, nó còn tạo một lá chắn vi diệu, bảo vệ lá phổi cho mọi người.
Tại Canada, người dân còn trồng sinh bích trong nhà để phòng chống trầm cảm, do mùa đông ở đây rất dài, thiếu vắng cỏ cây. Trước màu sắc rực rỡ, hương thơm ngan ngát của sinh bích, không những ngũ giác được điều hòa, cải thiện mà tinh thần của mỗi người cũng phấn chấn, vui vẻ hơn.
Và dưới đây là một số những bức tường hoa cỏ thú vị, dường như mỗi ngày đem cả bốn mùa xuân - hạ - thu - đông vào trong ngôi nhà: Bảo tàng CaixaForum ở thành phố Madrid (Tây Ban Nha) với một bức tường cao 24 mét, có tới 15 nghìn cây thuộc 300 loài.
Trung tâm thương mại Centro Commerciale Fiordaliso, Rozzano (Ý) cũng có những tường thành cao 20 mét, phủ đầy 44 nghìn loại rêu tảo, dương xỉ, hoa cỏ trị giá một triệu euro.
Tòa nhà ACROS ở Fukuoka (Nhật Bản) gồm 15 tầng như ruộng bậc thang trồng 50 nghìn loài thực vật châu Á. Nông trại SkyFarm, Toronto (Canada) dựng đứng 214 mét trồng toàn cây lương thực, rau, củ quả nuôi sống 35 nghìn người mỗi năm.
Công viên One Central Park, Sydney (Australia) với 35 nghìn cây cỏ mọc tường, 85 nghìn cây treo móc mặt tiền đặc hữu châu Úc. Ngôi nhà cây, Singapure (Singapore) cao 24 tầng, với 420 ô đã được Sách kỷ lục Guinness công nhận là vườn treo lớn nhất thế giới, vừa cho nhiều không gian xanh, vừa tiết kiệm năng lượng...